"Vắt óc" cải tạo chồng
Những ông chồng gia trưởng luôn khiến không khí gia đình trở nên bí bách, ngột ngạt. Song vẫn có nhiều chị em khôn khéo biết “bắt mạch kê đơn”, cải tạo bệnh gia trưởng của chồng khiến cuộc sống dễ thở hơn.
Chị Thanh (Nam Định) có ông chồng nổi tiếng gia trưởng, độc đoán. Anh Hưng - chồng chị từ bé đã được bố mẹ nuôi chiều và dạy dỗ: “Là đàn ông phải là trụ cột, là người quyết định mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà”. Cái tư tưởng ấy ngấm vào đầu anh, khiến cuộc sống của chị thực sự mệt mỏi, bế tắc. Nhớ hồi mới cưới, hễ chị Thanh đưa ra ý kiến gì là anh đều gạt phăng đi: “Đàn bà biết gì mà nói”, hoặc “Nghe đàn bà là hỏng hết việc”. Đôi lần không thể chịu nổi, chị cũng vùng lên đấu tranh nhưng kết quả chỉ thấy thiệt thân khi anh đáp trả cho chị vài cái “bánh vả”.
Từ những lần đau thương ấy, chị Thanh rút ra bài học: “Cải tạo chồng gia trưởng là một cuộc cách mạng trường kì, phải vừa kiên nhẫn, vừa mềm mỏng, nóng vội là hỏng hết chuyện lại càng mang vạ vào thân”. Vậy là chị lên kế hoạch cho “kháng chiến dài lâu”. Chị Thanh tâm đắc bật mí: “Chồng mình cho rằng lão ấy luôn đúng, luôn muốn đứng trên người khác, đặc biệt là vợ. Ở nhà, nói một thì nhất định vợ chỉ được biết một, cấm được cãi. Thế nên lúc lão ấy “phát” bệnh gia trưởng, thì mình chẳng dại gì mà tranh cãi. Thắng chưa thấy đâu, đã thấy nổ đom đóm mắt rồi. Tốt nhất khi đó, lão ý nói gì cũng chỉ “dạ, vâng” và im lặng là vàng”.
Chiến thuật của chị Thanh rất đơn giản, hễ chồng nổi máu độc đoán thì chị sẽ tỏ ra ngoan ngoãn nghe theo chồng. Khi nào hai vợ chồng vui vẻ, chị mới thỏ thẻ đưa ra ý kiến của mình, tất nhiên là nói thật khéo. Chị nhớ hè năm kia, anh chị định đi du lịch. Như thói quen chẳng cần bàn bạc gì với vợ, anh đã tự ý đặt vé đặt phòng rồi báo chị xin nghỉ hôm sau đi chơi. Vì nghỉ dài ngày bất ngờ mà công việc của chị bị trì hoãn, thưởng quý đó chị cũng bị cắt luôn. Vừa tiếc thưởng vừa giận chồng tím mặt nhưng chị vẫn cố “ngậm bồ hòn” làm theo sự sắp xếp của anh.
Sau chuyến du lịch, trong lúc chồng đang vui vẻ, chị mới thỏ thẻ kể cho chồng nghe chuyện bị cắt thưởng, đương nhiên tỏ thái độ ấm ức vì cố gắng cả quý mà chẳng được gì. Anh nghe vậy cũng bức xúc thay cho chị, hỏi ra mới biết nguyên nhân do chuyến du lịch, chính xác hơn là sự độc đoán của anh khi không bàn trước với vợ. Lúc ấy anh ngớ người ra, chị thì cười động viên anh “thôi bù lại em được chồng cho đi chơi, còn thưởng quý tới em sẽ chăm chỉ làm việc để kiếm về” càng làm anh thêm áy náy. Cũng từ chuyện đó, khi làm việc gì anh đều thông báo trước hoặc hỏi qua ý kiến của vợ.
Không những vậy, chị Thanh còn có một chiến thuật khác là nhõng nhẽo nhờ vả chồng. Chẳng là anh Hưng cứ đi làm về là vắt chân lên xem ti vi hoặc lướt web, mặc kệ cho vợ mệt bở hơi tai với nhà cửa, bếp núc. Chị khá bực mình nhưng cái tư tưởng “đàn ông không được vào bếp” đã ăn sâu vào máu anh rồi. Vậy nên chị lại nén bực rồi nhẹ nhàng nhờ anh “đóng giúp em cái đinh” hoặc “lắp hộ em cái quạt”…
Chị tíu tít khoe: “Ở nhà mình chuyên phá còn chồng chuyên sửa. Mình cứ cố tình làm hỏng cái này cái kia, tất nhiên hỏng nhẹ thôi, xong lại năn nỉ ỉ ôi lão chồng sửa giúp. Lúc đầu lão càm ràm nhiều lắm, mình mặc kệ, cứ nỉ non nhiều vào. Thế rồi lão cũng phải đi làm giúp mình. Xong việc tất nhiên pha cho lão cốc nước, kèm theo mấy lời khen ngợi có cánh kiểu như “Chồng em giỏi quá, cái gì cũng biết làm”, “Thế mới đáng yêu chứ, chồng chẳng để vợ vất vả mấy việc nặng nhọc này”… Dù biết mình nịnh nhưng lão chồng vẫn cười tít mắt. Và rồi dần dần thành thói quen, lão giúp mình việc này việc kia rất tự nguyện. Sau hơn 3 năm kiên trì, giờ khối người trố mắt lên khi thấy chồng mình cùng vào bếp hay dọn dẹp nhà cửa với vợ đấy”.
“Sống chung với người chồng gia trưởng không khó, chỉ cần mình khéo léo một chút, để tâm và kiên trì hơn thì cuộc sống dễ thở hơn rất nhiều”. (Ảnh minh họa).
Cũng có chồng luôn có tư tưởng “Phụ nữ biết gì mà nói”, Nga (Hà Nội) đã phải vắt óc tìm cách “cải tạo” chồng. Nga cho biết năm đầu hôn nhân của vợ chồng cô luôn trong tình trạng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Cũng tại vì cái tội coi thường vợ, luôn luôn nhất mực làm theo ý mình, luôn coi mình là nhất của Tân – chồng Nga. Cô cũng đã thử mọi cách, từ mềm mỏng đến cứng rắn nhưng không hề làm chồng thay đổi mà tình trạng còn tồi tệ hơn. Sau bao ngày vắt tay lên trán, cuối cùng Nga đã tìm ra cách để xử lý ông chồng cực kì gia trưởng của mình.
Cô bật mí: “Chồng mình khá độc đoán, luôn thích mình là trung tâm, là số một nên mình đã nghĩ ra cách khích tướng và gài bẫy chồng. Nếu mình muốn đi du lịch, mình sẽ đánh tiếng với chồng là 'Mấy đứa công ty em hết đứa này đến đứa kia khoe sắp đi du lịch chứ. Rõ hâm, đi vào dịp lễ vừa đông lại vừa bị chặt chém, sung sướng gì'. Thế là chồng mình chen ngang: 'Đúng là đàn bà, lúc nào cũng lo tiền nong đắt rẻ. Nghỉ dài ngày thế chẳng đi du lịch thì đi đâu, đợt tới nhà mình cũng đi…'. Đấy, mình chỉ cần khích thêm vài câu nữa là sẽ được đi đúng nơi mình muốn”. Người ngoài nhìn vào, ai cũng nghĩ Tân là người quyết định mọi chuyện, nhưng thực ra đều là ý muốn của Nga.
Cũng để “tẩy não” chồng cho sạch tư tưởng “đàn bà biết gì mà nói”, Nga bỏ thời gian tìm hiểu về những thứ chồng thích, như bóng đá chẳng hạn. Vậy là đôi lần ngồi ăn cơm, khi đang có trận đấu nào đó, Nga vô tình thốt ra tên một vài cầu thủ hoặc dự đoán kết quả trận đấu. Một hai lần đầu, chồng cô cười khểnh coi thường. Nhưng sau vài lần cô nói đúng, tự nhiên Tân thấy tò mò: “Làm sao em biết chuẩn thế”. Tất nhiên sau đó vợ chồng Nga sẽ bàn luận về nó. Dần dần, theo thói quen mọi việc Tân thường trao đổi hoặc tranh luận công bằng với vợ. Thậm chí giờ đây anh còn tham khảo ý kiến của vợ trong công việc, đó là một điều thành công ngoài sức tưởng tượng của Nga. Cô cười tươi chia sẻ: “Sống chung với người chồng gia trưởng không khó, chỉ cần mình khéo léo một chút, để tâm và kiên trì hơn thì cuộc sống dễ thở hơn rất nhiều”.