Vấp ngã...
Anh đến bên con, ôm nó vào lòng, giọng nghẹn lại: “Ba xin lỗi vì đã không cho con một cuộc sống bình thường... Ba đã không cho con một gia đình thật sự...". Nói đến đây, anh bật khóc...
Thịnh gọi cho tôi giữa đêm, giọng như bị ngạt mũi. Hình như anh vừa khóc. Trong suốt những năm tháng chúng tôi là bạn bè thân thiết, chưa bao giờ tôi bắt gặp anh trong trạng thái như vậy. “Anh không biết nói sao với con. Nó khóc... Anh cũng khóc. Rồi nó bỏ đi. Nó tắt điện thoại, anh không liên lạc được”. Tôi thật sự bối rối trước những điều vừa nghe: “Chị Oanh có biết không? Sao nó không nói với mẹ?”. “Cô ấy đi nước ngoài gần tháng nay rồi. Anh cũng mới ở Campuchia về...”.
Trước đây, hai vợ chồng Thịnh cùng làm ở một cơ quan ngoại giao nước ngoài đóng tại TPHCM. Ba năm trước, họ chia tay. Phương Lan, đứa con gái duy nhất của họ sống với mẹ. Năm ngoái, Oanh kết hôn với một doanh nhân người Úc nên thường xuyên đi lại giữa TPHCM và Sydney - quê chồng. Thỉnh thoảng, Phương Lan lại về ở với ba. Nhưng hai cha con cũng không có nhiều thời gian dành cho nhau. Năm nay, con bé học lớp 11. Để đảm bảo cho việc học hành của con, mẹ nó thuê hẳn một gia sư về nhà dạy kèm. Và mọi việc bắt đầu từ đó...
... Hôm sau tôi tìm được Phương Lan ở nhà một người bạn. Nhưng nó nhất định không về nhà: “Con không muốn gặp ba... Con cũng không muốn gặp bất cứ ai trong nhà”. Tôi đành phải đưa con bé về nhà mình. Chồng tôi đã lờ mờ biết chuyện nhưng tuyệt nhiên không hỏi han gì. Anh giành phần nấu cơm để hai cô cháu tự do tâm sự. “Con chưa bao giờ được ăn những bữa cơm ấm áp như thế này, ngay cả khi ba mẹ con chưa chia tay...”- Phương Lan ứa nước mắt khi cùng cả nhà chúng tôi quây quần bên mâm cơm.
Tối đó, con bé đã kể cho tôi nghe. Người gia sư mà mẹ nó mời về để dạy kèm là một thầy giáo mới ra trường. Phương Lan chậm rãi kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện: “Thầy dạy bình thường thôi nhưng đẹp trai và nói chuyện có duyên lắm cô ạ. Con chẳng biết đã yêu thầy từ lúc nào... Cho đến cái lần mẹ đi nước ngoài cách nay hơn 2 tháng, con ở nhà với chị giúp việc...”.
Rủi sao hôm ấy nhà chị giúp việc ở quê bỗng xảy ra chuyện nên chị xin phép về và bảo cô bé qua ở với ba. “Con đã định như vậy nhưng khi gọi điện cho ba thì mới biết ba đi công tác ngoài Hà Nội. Thế là con gọi cho thầy... Lúc đó, con không suy nghĩ nhiều, chỉ thấy hạnh phúc vì có người bên cạnh an ủi, vỗ về... Hôm sau, thầy xin lỗi và bảo sẽ mua thuốc cho con uống nhưng con không chịu. Thật sự, con không biết phải làm gì. Mười bảy tuổi có thể làm mẹ được không cô?”.
Nhìn vẻ thơ ngây của con bé, tôi thấy tim mình thắt lại: “Làm mẹ không đơn giản đâu con. Con chưa đủ lớn để làm điều đó...”. Giọng Phương Lan nghèn nghẹn: “Khi con quyết định nói với ba là con đã nghĩ đến điều này. Ba cũng nói giống như cô. Ba bảo, nếu làm như thế, con sẽ phá hỏng cả tương lai của mình... Mẹ con sắp về rồi nhưng con không thể nói với mẹ. Con biết tính mẹ, chắc chắn mẹ sẽ làm ầm ĩ và bắt con phải bỏ... Con chưa bao giờ được trò chuyện với mẹ như với cô thế này... Mẹ luôn bận rộn, luôn kêu không có thời gian...”.
Nói đến đây Phương Lan im bặt. Ánh mắt con bé sâu thẳm một nỗi buồn...
Hôm sau, dù đang là dịp nghỉ lễ 1-5, tôi vẫn hẹn Thịnh đến gặp một người bạn là bác sĩ ở một bệnh viện phụ sản lớn của thành phố. Bác sĩ Thanh, bạn học của chúng tôi hồi phổ thông, hiện là phó giám đốc bệnh viện, phân tích thiệt hơn và cho rằng, cái thai mới hơn 2 tháng nên thủ thuật cũng đơn giản. Đích thân chị sẽ xử lý, cố gắng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con bé.
Khi Thịnh nói điều này với con gái, nó giẫy lên: “Không! Con không làm đâu. Con sẽ sinh nó ra và nuôi nó...”. Nói cách mấy, con bé cũng không đồng ý. Thịnh bất lực nhìn con. Anh hết đứng bật dậy lại ngồi phịch xuống rồi đi đi lại lại. Cuối cùng, anh đến bên con, ôm nó vào lòng, giọng nghẹn lại: “Ba xin lỗi... vì đã không cho con một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác... Ba đã không cho con một gia đình thật sự. Ba đã không ở bên cạnh những lúc con cần đến ba...”. Nói đến đây, anh bật khóc. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Phương Lan gục đầu vào ngực cha. Đôi vai con bé rung lên bần bật...
Hôm sau, Phương Lan đổi ý. Chúng tôi đưa cháu đến bệnh viện. Chưa đầy một giờ sau, mọi việc đã xong. Chiếc taxi chờ sẵn trước cổng bệnh viện. Tôi dìu con bé ra. Ba nó mở cửa và đỡ con gái lên xe. Suốt chặng đường về nhà, anh ôm chặt nó trong tay. Dường như anh sợ những điều bất trắc có thể xảy đến với con mình lần nữa.
Mấy hôm sau Thịnh gọi cho tôi: “Anh đã xin chuyển sang bộ phận văn phòng. Ở đó sẽ không phải đi công tác thường xuyên nữa. Anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho con để nó có một điểm tựa...”.
Tôi thấy Thịnh có lý khi nói rằng, anh vừa nhận ra điều đó sau lần vấp ngã đầu tiên của con, mà cũng chính là của anh, của cuộc hôn nhân thất bại của hai người...