Vấn nạn tràn lan mỹ phẩm "xịn" giá siêu rẻ
Chỉ với vài chục ngàn đồng là đã có thể sở hữu một sản phẩm dán nhãn thương hiệu nổi tiếng thế giới, vì ham của rẻ mà nhiều người đã đổ xô đi mua và bất chấp hậu quả.
Ngày ngày, người ta đi chợ không chỉ để mua mớ rau, cân thịt, hay sắm sửa quần áo, giày dép, mà họ còn đi chợ để mua... mỹ phẩm làm đẹp. Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có thể khẳng định một thực trạng đáng báo động: Tình trạng bày bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đang nhan nhản ở các khu chợ trên nhiều địa bàn thành phố.
Tại những chợ đêm Mai Dịch (Cầu Giấy, HN), Phùng Khoang (Thanh Xuân, HN), hay chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, HN) và các khu vực khác, chúng tôi đếm được tầm chục gian hàng chuyên bày bán các sản phẩm làm đẹp cho các quý bà, quý cô. Những sản phẩm ở đây dán mác của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, nào Clinque (Mỹ), Shiseido (Nhật Bản), OHui (Hàn Quốc), L'oreal (Pháp), Estee Lauder (Mỹ), hay E’Zup, Lacvert, Lancôme, Clarins, Vichy... với giá cả dao động chỉ từ 30.000 đồng – 60.000 đồng/sản phẩm.
Những sản phẩm dán mác thương hiệu nổi tiếng được bày bán la liệt ở chợ với giá siêu rẻ.
Trong vai người đi mua, chúng tôi nhận được sự chào mời đon đả của một chủ gian hàng: “Vào xem đi em ơi! Mỹ phẩm của chị bán là đồ “xịn” hẳn hoi đấy, đều là hàng của Pháp, Nhật... có tem bảo đảm nên em cứ yên tâm,” và chị nhanh tay mở một hộp phấn để khẳng định cho chúng tôi biết về độ mịn của nó. Khi thấy khách hàng còn ngắm nghía, xem kỹ hộp phấn sau khi mình ra giá 55.000 đồng, chị rất mau mắn và xởi lởi: "Chị nói giá bán thế, em cứ trả thêm cho chị vài lời”.
Các sản phẩm làm đẹp ở chợ được bán với giá chỉ bằng 1/10, thậm chí là 1/20 so với giá niêm yết của hàng chính hãng. Chỉ qua đây thôi, chúng ta cũng đã có thể nhận ra rằng: đây là mỹ phẩm nhái nhập lậu - một thành viên của đại gia đình hàng dán mác "Made in China" vẫn luôn khiến đa số người tiêu dùng hãi hùng vì những nguy hại của chúng.
Những người bán hàng luôn mồm khẳng định chắc nịch về độ "xịn" của sản phẩm.
Khi chúng tôi thắc mắc về xuất xứ và giá cả, người bán hàng giải thích rất trơn tru: “Hàng này là hàng xách tay do người quen của chị ở nước ngoài mang về, nên mới có giá rẻ như thế. Em cứ yên tâm mà dùng, nếu không ưng hoặc có vấn đề gì thì cửa hàng chị sẽ chịu trách nhiệm”. Vừa nói, chị vừa cầm trên tay một hộp phấn để cố chỉ ra cho chúng tôi “tem chống hàng giả" cùng tên công ty nhập khẩu ở một địa chỉ nào đó đã bị mờ. Hạn sử dụng được ghi là 36 tháng từ ngày sản xuất, nhưng dù có soi bằng kính lúp cũng chẳng ai có thể tìm ra được thời điểm "khai sinh" của sản phẩm.
Nhưng các sản phẩm kể trên vẫn còn thuộc “top” hàng sang, giá khá đắt. Ở các khu chợ còn có những loại hàng bình dân hơn, và trong số đó phải kể đến sữa dê làm trắng da. Lọ sản phẩm không có chút thông tin về nơi sản xuất hay thời hạn sử dụng này được bán với giá 6.000 đồng. Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm 10.000 -12.000 đồng chi chit chữ Trung Quốc, các loại cọ trang điểm 7.000 – 9.000 đồng được bọc trong túi nilon. Thậm chí, "cute" hơn là những hộp mỹ phẩm được thiết kế khá cầu kỳ theo hình quả dâu tây hay quả táo. Các loại kem trộn tự chế được quảng cáo là có tác dụng làm trắng da, và hết mụn “siêu tốc” cũng được bày bán tại đây với giá 6.000 – 10.000 đồng/tuýp.
Cả hàng cấp cao lẫn hàng "cấp thấp" đều được bày bán chung với nhau.
Chị Hải, một người bán mỹ phẩm, cho biết: “Để sắm hoàn chỉnh một bộ make up cũng chỉ tốn khoảng 200.000 đồng. Giá thành như thế mới phù hợp với sinh viên và người lao động nghèo". Tại gian hàng của chị, trong mùa nắng nóng năm nay, các sản phẩm kem chống nắng bán đổ đống với giá 10.000 đồng/tuýp thu hút sự quan tâm của rất nhiều người mua.
Tại một gian hàng khác, chúng tôi bắt gặp một nhóm bạn trẻ đến chọn mua mỹ phẩm, điều lạ là họ chỉ quan tâm đến sản phẩm có công dụng gì, giá bao nhiêu, chứ không hề quan tâm đến xuất xứ, hạn sử dụng hay tem chống hàng giả.
Người tiêu dùng vẫn hăm hở mua, chẳng cần biết sản phẩm tốt hay không tốt.
Trao đổi với chúng tôi, Trang Nhung (SV Học viện Bưu Chính) cho biết: "Đây là lần đầu tiên tập trang điểm nên em chưa biết loại phấn nào sẽ phù hợp với mình. Không biết chất lượng thế nào, nhưng người bán hàng giới thiệu sản phẩm này dùng hay lắm, nên em mua thử. Với lại giá cũng rẻ, nếu dùng không như ý mình thì bỏ đi cũng đỡ tiếc".
Hay như chị Phương (kế toán) thì: "Mình có dùng thử loại kem này của chị bạn cùng công ty, thấy không có phản ứng phụ gì, nên mình ra đây hỏi mua đúng loại đó thôi. Hàng mua ở chợ rẻ mà dùng không vấn đề gì thì tội gì phải mua hàng đắt cho tốn kém?"
Ham của rẻ khiến nhiều người bất chấp hậu quả, vẫn mua hàng kém chất lượng để sử dụng.
Có một điều mà Nhung, chị Phương cũng như nhiều chị em phụ nữ không biết hay không để ý, là những mỹ phẩm kém chất lượng không phải lúc nào cũng có ngay phản ứng cho mình nhận biết. Hậu quả của chúng đi sau cả một giai đoạn dài sử dụng, chỉ đến một ngày nhận ra những biến đổi của làn da thì nhiều người mới tá hỏa, mà lúc đó thì việc cứu vãn cũng chẳng dễ dàng gì.
Sử dụng mỹ phẩm trang điểm không chỉ là thói quen làm đẹp mà còn là một nhu cầu thiết yếu của chị em phụ nữ. Hàng tháng, các chị em tiêu tốn không ít tiền vào các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Tuy nhiên, có thể do thiếu hiểu biết trong vấn đề này, hoặc có thể chỉ vì ham của rẻ mà rất nhiều người khi mua các sản phẩm không hề quan tâm đến độ an toàn cho da. Họ vẫn vô tư sử dụng mà không ngờ tới việc mình đang tự hủy hoại nhan sắc và sức khỏe của chính mình.
Thông tư 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 1/4/2011 quy định: Tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm mỹ phẩm ra tiêu thụ trên thị trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn cho người sử dụng. Kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm chất lượng kém sẽ bị thu hồi, phạt tiền và đình chỉ lưu hành. Người sử dụng mỹ phẩm chất lượng kém có thể khởi kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm và được bồi thường trong trường hợp sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe. |