Vấn đề pháp lý xoay quanh việc “cô dâu ôm 20 chỉ vàng rồi bỏ trốn sau 4 ngày làm dâu”

LS PHẠM THANH HỮU,
Chia sẻ

Ngày 8/5, trao đổi với báo chí, Trưởng Công an thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, ngày 5/5, chồng bà L.Th.Ng. (47 tuổi, Cà Mau) cùng thông gia là ông N.V.C. (thị trấn Cái Nước - cha dượng cô dâu) đã đến đơn vị trình báo về việc chị H.T.T. (20 tuổi) bỏ đi khỏi nhà chồng sau 4 ngày về làm dâu.

 - Ảnh 1.

Hình cưới của anh P. và chị T..

Theo thông tin ban đầu, cách đây 1 tuần (ngày 1/5), sau khi được mai mối và sự đồng thuận của anh L.V.Ph. (28 tuổi – con trai bà Ng.) và cô dâu là chị T., bà Ng. đã tổ chức lễ cưới cho con.

Sau lễ cưới, chị T. về nhà chồng sinh sống. Làm dâu được 4 ngày, chị T. xin mẹ chồng sang sông để đi uống nước cùng bạn ở quán gần đó. Lúc này, bà Ng. đồng ý và dặn con dâu đi chơi về sớm.

Vài giờ sau, bà Ng. được 1 người hàng xóm cho hay con dâu mới cưới đã mang theo cặp đồ bỏ đi. Khoảng 1 giờ sau khi nhận được tin báo từ hàng xóm, không thấy con dâu trở về nên bà Ng. cùng người thân đến các quán nước trên địa bàn tìm kiếm nhưng không gặp. Lúc bỏ đi, chị T. mang theo 20 chỉ vàng (gồm 12 chỉ vàng 18K và 8 chỉ vàng 24K) bên chồng cho trong ngày cưới.

Chiều ngày 6/5, thông tin cô dâu T. mang theo 20 chỉ vàng bỏ đi được một tài khoản đăng tải trên Facebook với nội dung: Đàng trai Gò Công, Nguyễn Việt Khái…. Hỡi ơi lắm chuyện lạ đời. Tân hôn 4 bữa trốn rồi cô dâu, 2 cây vàng đó còn đâu. Nhà trai mếu máo yêu cầu công an… Rồi tắt máy, online Facebook nhắn tin vì hoàn cảnh nợ nần mà ra đi…". Ngoài chia sẻ thông tin trên, tài khoản Facebook trên còn đăng tải đơn yêu cầu của gia đình bà Ng. cùng hình cưới của T. và P.

Tin từ UBND xã Nguyễn Việt Khái cho hay, công an xã này đã tiếp nhận trình báo từ gia đình bà Ng. và đang làm rõ vụ việc.

Trước sự việc nêu trên, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu gia đình nhà chồng có đòi lại được số vàng mà cô dâu đã lấy đi hay không, nếu cô dâu bỏ trốn luôn thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không...

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong sự việc này, chúng ta cần xác định rõ thời điểm T. nảy sinh ý định lấy vàng rồi bỏ trốn, số vàng cưới gia đình chồng chỉ cho riêng T. hay cho chung cả hai vợ chồng. Nếu xác định rõ được những vấn đề này thì chúng ta sẽ có lời đáp cho các câu hỏi nêu trên. Cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Nếu T. ngay từ đầu có ý định cưới để lấy tài sản có được sau khi cưới rồi bỏ trốn thì T. có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp 2: Nếu T. nảy sinh ý định lấy 20 chỉ vàng đó sau thời điểm cưới (không có chủ ý gian dối từ trước) thì không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, khoản 1 Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng".

Như vậy, nếu trong ngày cưới gia đình hai bên cho cô dâu T. vàng, đồ trang sức khác mà không nói cho cả hai vợ chồng thì đó là tài sản riêng của T. Trường hợp có thỏa thuận rằng cho cả hai vợ chồng, thì đó được coi là tài sản chung của vợ chồng.

Do đó, nếu xác định đây là tài sản riêng của cô dâu T. thì gia đình bên chồng và chồng T. không có quyền đòi lại. Trường hợp nó là tài sản chung của vợ chồng thì người chồng của T. được quyền đòi lại một phần tài sản của mình trong khối tài sản 20 chỉ vàng theo quy định của pháp luật dân sự.

Chia sẻ