Vạc đồng Cẩm Thủy - bảo vật quốc gia 300 tuổi độc đáo ở xứ Thanh
Chiếc vạc đồng này là độc bản có kích thước rất lớn hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, cho đến nay người ta vẫn chưa lý giải được nó được đúc ra để dùng vào việc gì.
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý, trong đó có 3 bảo vật quốc gia gồm: kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang và vạc đồng Cẩm Thủy. Trong số 3 bảo vật quốc gia, vạc đồng Cẩm Thủy là hiện vật rất độc đáo.
Vạc đồng Cẩm Thủy - bảo vật quốc gia độc đáo này đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, cho biết vạc đồng được Ban chỉ huy quân sự TP Thanh Hóa tìm thấy vào năm 1981 trong quá trình đào đắp một công trình tại khu vực ngã ba Đình Hương (thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Đến năm 2002 chiếc vạc đồng này mới được bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa quản lý và trưng bày.
Chiếc vạc có kiểu dáng hình trụ, cao 79,8 cm, đường kính miệng 134,4 cm, đường kính đáy 115 cm. Miệng vạc hơi loe, thành miệng vát, đáy lồi. Trên miệng gắn 6 quai to hình chữ U trang trí kiểu vặn thừng cách đều nhau. Bên trong thành miệng tạo gờ, giữa tai quai trang trí hoa văn các chấm tròn nổi tạo thành bông hoa 5 cánh (nhụy hoa là một chấm tròn to, cánh hoa là 5 chấm tròn nhỏ). Khoảng cách giữa các quai trang trí hoa văn hoa lá dây (gồm 4 cụm) và 2 dòng minh văn chữ Hán đối xứng nhau, mỗi dòng gồm 11 chữ, nét chữ nổi đậm, rõ ràng.
Bên ngoài sát dưới thành miệng trang trí một băng hoa văn hình hoa chanh xen kẽ vân mây và được giới hạn bởi hai đường gờ nổi chạy quanh. Ngăn cách phần thân với miệng và đáy vạc là đường gờ nổi đậm hình sống trâu, hai bên có hai đường gờ nổi nhỏ chạy quanh, thân vạc trang trí các đường gờ nổi tạo thành kiểu bổ ô dọc quanh thân vạc (gồm 6 ô). Sát đáy vạc có một đường gờ nổi chạy quanh, một bên sát đường gờ (đối diện phần quai xuống đáy) có hình một lỗ lõm tròn.
Đây là độc bản còn nguyên vẹn và thuộc loại lớn nhất Việt Nam
Qua hoa văn trang trí, chữ Hán trên miệng vạc, các nhà nghiên cứu đã xác định đây là chiếc vạc lớn do Tạo Quận công, tức quan khâm sai huyện Cẩm Thủy Phạm Ngô Cầu sai đúc ngày 28-11 (âm lịch) năm 1752, thế kỷ 18, thời Lê Trung hưng.
"Bảo vật quốc gia này được đánh giá còn nguyên vẹn và lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay và mang tính địa phương rõ rệt. Vạc là hiện vật có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng dưới thời kỳ Lê Trung hưng. Đồng thời, đây cũng là minh chứng sinh động cho kỹ nghệ đúc đồng của nước ta và Thanh Hóa nói riêng" - ông Dương chia sẻ.
Cũng theo ông Trịnh Đình Dương, ở Việt Nam ngoài Huế và Thanh Hóa thì chưa phát hiện bất cứ chiếc vạc nào tại các tỉnh thành khác. Vạc đồng Cẩm Thủy độc đáo ở chỗ do một vị quan khâm sai cho đúc, chứ không phải vua chúa như trong Huế.
Bên trong vạc đồng có thể đứng được 6-7 người lớn
Tại Huế, vạc đồng được vua chúa sai đúc nhằm thể hiện quyền uy, biểu trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của các bậc đế vương. Trong khi đó, vạc đồng Cẩm Thủy lại do một vị khâm sai chỉ đạo đúc, vì thế nhiều nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi vì sao một vị quan khâm sai huyện Cẩm Thủy lại cho đúc chiếc vạc lớn này để làm gì.
Theo một số sử sách ghi chép, Phạm Ngô Cầu là một võ tướng nhà Trịnh, được ban tước Tạo Quận công. Ông được Lê Hiến Tông và Trịnh Sâm rất tín nhiệm, thường giao cho ông những công vụ quan trọng. Ông có tài dùng binh, khi làm trấn thủ phủ Thuận Hóa, phải đối đầu với nghĩa quân Tây Sơn. Năm 1786 vì mắc kế phản gián của nhà Tây Sơn, ông bị chiếm mất thành, phải tự trói mình đầu hàng. Các tướng Tây Sơn giải ông về Quy Nhơn rồi xử tử hình năm đó, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992) ghi.
Còn theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998) có ghi chép trong thời gian giữ chức trấn thủ phủ Thuận Hóa, Phạm Ngô Cầu luôn quan tâm đến việc học hành của chúng dân. Năm 1777, ông đã đề nghị chúa Trịnh Sâm cho khôi phục lại việc học ở Thuận Hóa vốn bị gián đoạn do chiến tranh nhiều năm và được Trịnh Sâm chấp thuận, cho mở trường thi hương để thu hút nhân tài cho đất nước.
Ngoài Huế thì Thanh Hóa là địa phương còn lại phát hiện vạc đồng
Ông Trịnh Đình Dương cho biết vạc là biểu tượng quyền lực của nhà vua, chỉ có vua, chúa mới được phép cho đúc, nhưng chiếc vạc lớn này lại của Quận công, quan Khâm sai ở huyện Cẩm Thủy. Đó là một hiện tượng khá đặc biệt trong lai lịch của chiếc vạc này. "Vào thời Lê Trung Hưng, các quan lang ở vùng Mường, các quan lại của triều đình cử lên vùng biên viễn trấn giữ, được chính quyền Trung ương rất cưng chiều và ưu đãi. Vị quan Khâm sai quê Cẩm Thủy, sở hữu chiếc vạc lớn nêu trên, hẳn nằm trong sự cho phép của triều đình đối với vùng biên viễn" - ông Dương chia sẻ.