Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi

Chí Phong,
Chia sẻ

Nằm vạ vật trên ghế đá, gốc cây, vài người ngủ chung một giường hoặc thuê nhà trọ tạm bợ... là cảnh thường thấy của bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Họ đang gồng mình trải qua những đêm vất vả trong cái nóng ngạt thở của mùa hè và nỗi âu lo bệnh tật.

Ngạt thở như đêm hè ở viện

Ở một đô thị lớn như Hà Nội, không khí gần như lúc nào cũng ngột ngạt oi bức. Những ngày nóng cao điểm như thế này, tại bệnh viện đông nghẹt người bệnh và thân nhân, không khí ngột ngạt tưởng chừng không thể chịu nổi. Bệnh viện Nhi Trung ương ngày thường vốn đã quá tải, trong đợt nắng nóng này lại càng thêm đông.

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 1
Nhiều người chọn giờ tối muộn để đưa con đi khám.

Né ánh nắng chói chang ban ngày, nhiều phụ huynh chấp nhận mất thêm chi phí để đưa con đi khám ngoài giờ. Buổi tối ở viện cũng không mát mẻ hơn ban ngày là mấy. Gần 9 giờ tối vẫn còn những người chờ đợi để đăng ký khám bệnh cho con. Các bệnh nhi khóc quấy, người lớn thì mệt mỏi, khuôn mặt ai cũng căng thẳng. Các bác sỹ, y tá cũng mướt mải mồ hôi, “chóng mặt, ù tai” vì khám bệnh.

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 2
Mệt mỏi vì phải chờ đợi...

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 3
... nhiều bệnh nhi "tranh thủ" ngủ gục trên vai mẹ.

Những ngày cao điểm này, mỗi đêm viện Nhi Trung ương đón tiếp 250 - 300 ca đến khám chữa bệnh, tăng cao so với ngày thường, nhất là các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa. Đặc biệt, trẻ nhũ nhi (từ 1 – 12 tháng) rất nhiều, phần đông trong số các bé đến viện đều có triệu chứng bị sốt, đi ngoài.

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 4
Rất nhiều trẻ em nhũ nhi "dính" bệnh vào mùa hè.

Vừa ra khỏi phòng bác sỹ, chị Lan (Pháp Vân, Hoàng Mai) mướt mải mồ hôi, vừa tênh tênh cô con gái 9 tháng tuổi trên đùi vừa kể: “Mấy hôm nay nóng quá, ở nhà tôi bật điều hòa suốt đêm. Hai hôm nay thì con bé bị sốt, đi ngoài suốt, nhất định không chịu ăn bột, chỉ bú mẹ một chút thôi. Tôi vừa cho con đi xét nghiệm phân. Mãi cháu mới chịu “đi”, bây giờ phải chờ 1 tiếng nữa để lấy kết quả rồi tiếp tục khám. Hy vọng cháu không phải nằm viện, chứ nóng bức, ngột ngạt thế này mà con nằm viện thì vất lắm”.

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 5
Dù khám ngoài giờ, các phụ huynh vẫn phải tuân thủ quy trình...

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 6
... và chờ đến lượt được vào khám.

Với những bệnh nhi phải nhập viện, thời tiết khó chịu cũng khiến người nhà vất vả hơn khi chăm sóc. Sau 9 giờ tối, khách vào thăm bệnh nhân đã lục đục ra về. Đêm mùa hè oi ả, tiếng ve râm ran từ những vòm cây vang lên như phụ họa cho không khí ngột ngạt, căng thẳng trong bệnh viện. Hơi nóng kèm theo mùi thuốc, nước tẩy trùng xông lên nồng nặc, pha với mùi mồ hôi người, mùi nước tiểu trẻ con… khiến không gian như ngộp thở, dù mấy cái quạt trần mở hết công suất. Các bệnh nhi quấy khóc ngặt nghẽo, còn những bà mẹ luôn tay quạt chiếc quạt giấy mỏng manh, mong xua bớt cái oi ả đang phả vào mặt vào người.

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 7
Vạ vật ở hàng lang phòng bệnh.

Trong sân bệnh viện, từ ghế đá, nền nhà, ban công đều được người nhà bệnh nhân biến thành giường, la liệt người ngủ gật. Để giảm bớt cái nóng, nhiều người chọn cách đi loanh quanh khuôn viên bệnh viện hóng gió.  Vừa ngồi quạt chơi với con, chị Bích (Trực Nội, Nam Định) cho biết, cô con gái 18 tháng tuổi của chị bị lồng ruột, nằm ở viện Nhi Trung ương đã 4 ngày.

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 8
Con gái chị Bích mướt mải mồ hôi nhưng vẫn ham chơi.

Chị kể, cả phòng chỉ có một chiếc quạt trần, con bé nóng quá không chịu ngủ, mẹ và bà nội phải thay phiên nhau bế bé đi rong. Mấy hôm chăm bé nằm viện, bà nội và mẹ đều mệt phờ. Hôm nay bé mới tỉnh táo hơn một chút và chịu ngồi yên trên bồn cây, vẫy tay chào hỏi, làm quen các bệnh nhi khác.

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 9
Thoạt nhìn, hành lang phòng khám rất giống một sân chơi cho trẻ nhỏ.

Những quả bóng bay đủ màu, tiếng khúc khích hiếm hoi của trẻ nhỏ, cảnh những người bà, người mẹ dỗ con ăn, tiếng rì rầm chuyện trò của những người dạo bộ khiến viện Nhi Trung ương đôi lúc giống như một công viên. Cảnh tượng ấy phần nào làm dịu đi nỗi lo âu, vất vả của những người bất đắc dĩ mới phải ở lại viện ban đêm.

Trắng đêm ở khoa "vào 10, ra 1"

Nép mình sâu bên trong khuôn viên Bệnh viên Nhi Trung ương là Khoa Hồi sức cấp cứu, mà người ta quen gọi là Khoa “vào 10 ra 1”. Có lẽ không nơi nào mà ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như Khoa cấp cứu hồi sức. Cũng đông đúc nhưng không ồn ã và “náo nhiệt” như khu vực khác trong viện, không gian ở đây “nóng” hơn và cũng nặng nề hơn.

Đêm, khi hầu hết “cư dân” của bệnh viện sau một ngày dài chăm sóc bệnh nhi và chống chọi với cái nóng đã ngủ vùi, trước cửa Khoa Hồi sức cấp cứu, những dãy người la liệt vẫn thường trực, ai nấy sốt ruột ngóng vào phía bên trong cửa kính. Thi thoảng, hòa với tiếng ve kêu, tiếng thở dài của những người chờ đợi bên ngoài là tiếng hú inh ỏi của chiếc xe cứu thương, là tiếng băng ca kim loại nghiến xuống nền nhà xi măng, là tiếng kêu khóc của người nhà bệnh nhân và những bước chân vội vã của các y, bác sỹ. Ở đây, dường như không có khái niệm về giấc ngủ.

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 10
Cả dãy người túc trực trước cửa Khoa "vào 10, ra 1"

Đằng sau cánh cửa thi thoảng mới hé ra để đón bệnh nhân là môi trường chống nhiễm khuẩn, không người nhà nào được phép ở lại bên trong. Sau khi đẩy băng ca vào khu nhận bệnh, họ lặng lẽ nhập hội cùng toán người ngồi chờ ngoài hành lang.  Sự chờ đợi như kéo dài thêm bởi cái im lặng đến đáng sợ, tưởng như có thể nghe rõ tiếng thở, tiếng nhịp tim của những phụ huynh đang phập phồng chờ đợi điều kỳ diệu sẽ đến với con cháu mình.

Một phụ nữ khá trẻ vừa đưa con vào cấp cứu lặng lẽ gọi điện cho chồng, giọng run bần bật: “Anh ơi, anh vay tiền ai lên Hà Nội ngay đi. Em vừa đưa con vào ‘khu dưới’, con không thở được anh ạ”. Cạnh đó, chị Minh, một phụ nữ nhỏ thó nhấp nhổm, đứng ngồi không yên. Chị luôn dõi mắt vào phía trong phòng cấp cứu, thi thoảng lại phóng mắt ra cửa hậu (cửa chuyển thi thể bệnh nhi tử vong) xem có chiếc băng ca nào được đưa ra không. Chị Minh kể, hồi chiều, một bệnh nhi xấp xỉ tuổi con chị cũng được đưa vào cấp cứu. Người mẹ chưa kịp lấy giấy tờ cho con, vội vã dúi vào tay chị tờ giấy ghi số điện thoại và tên thằng bé, nhờ chị để ý hộ, nhỡ bác sỹ gọi đến. Hơn một giờ sau, người mẹ quay lại thì hay tin con đã “đi”. Chị ta gào khóc thảm thiết, hết lắc vai người này lại quay sang hỏi người khác “con tôi đâu”, một hồi thì lăn ra ngất. Kể đến đây, chị Minh thở dài, quay đi gạt vội nước mắt.   

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 11
Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả có cùng tâm niệm: con cháu mình chóng hồi phục.

Một người đàn ông cũng đang túc trực ở đây trấn an: “Không sao đâu, những trường hợp phải đưa ra bằng ‘cửa sau’ là bệnh nặng mà không phát hiện kịp. Ta đưa vào cấp cứu sớm, lo gì!” Nói đoạn, anh cũng phóng tầm mắt nhìn vào bóng đêm. Quê anh ở Quảng Bình. Thấy cậu con trai 19 tháng tuổi từ đầu hè thi thoảng bị sốt, anh chủ quan nghĩ là do thời tiết nắng nóng nên chỉ cho con uống thuốc hạ sốt. Được vài ngày, cậu bé sốt cao quá, thiếp đi, anh hốt hoảng đưa con đến bệnh viện huyện khám thì được chuẩn đoán bị viêm màng não, thế là tức tốc chuyển bé lên bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.

 Vạ vật trắng đêm chăm trẻ ở viện Nhi 12
Những nhà trọ quanh viện hiếm khi vắng khách.

Những thân nhân của bệnh nhi trong Khoa Hồi sức cấp cứu luôn chuẩn bị sẵn sàng chăn chiếu, nhưng hầu như không ai dám ngủ và cũng không ngủ nổi. Với những người may mắn được đón con ra cửa trước, nếu bệnh nhi tiếp tục phải điều trị dài hơi tại viện, mỗi nhà thường phải có hai người luân phiên chăm nom. Khó có thể sinh hoạt, ngủ đêm trong phòng bệnh nhi, họ phải tìm đến các dịch vụ cho thuê nhà quanh viện. Giá của dịch vụ “trọn gói” (bao gồm chỗ ngủ, điện, nước tắm, vệ sinh) cho một ngày là 15.000 đồng/người nếu ở chung hoặc 70.000 đồng/phòng khép kín. Cơ sở vật chất rất tệ, nhưng với giá cả hợp lý và tiện nhất là ở ngay sát viện, các phòng trọ này ít khi vắng khách.
Chia sẻ