Và tôi đã nghe sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng như một định mệnh!

Newben,
Chia sẻ

Tôi gọi bài hát Một Mình của nhạc sĩ Thanh Tùng là "bài hát định mệnh" với gia đình tôi, và với riêng tôi. Định mệnh là bởi sau khi hát ca khúc này, chú tôi đã ra đi vĩnh viễn. Định mệnh là sau sự ra đi ấy, tôi bắt đầu chìm đắm trong những ca khúc của ông.

Tôi vẫn còn nhớ như in bữa tiệc gia đình ngày hôm ấy, khi mọi người đua nhau chọn những ca khúc tươi vui để khoe giọng thì chú tôi - người đàn ông có cuộc sống hạnh phúc cùng vợ và hai con - lại chọn Một Mình. Trước khi chú hát, ba tôi bất chợt hỏi: "Mày tính bỏ vợ con đi hay sao mà hát Một Mình?". Chú cười nhẹ nhàng rồi cất giọng: "Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên. Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên. Bao đêm tôi đã một mình nhớ em, đêm nay tôi lại một mình...".

Nhac si Thanh Tung
Nhạc sĩ Thanh Tùng khi sinh thời (Ảnh: Internet)

Có lẽ vào thời điểm chọn và hát ca khúc này chú chẳng suy nghĩ sâu xa gì như lời ba tôi hỏi, chỉ đơn giản là yêu thích ca từ gần gũi, ngưỡng mộ sự chung thủy của nhạc sĩ dành cho vợ, hay say mê cái giai điệu mộc mạc ấy. Thả hồn theo những câu ca khắc khoải "Nhớ em vội vàng trong nắng trưa, áo phơi trời đổ cơn mưa, bâng khuâng khi con đang còn nhỏ, tan ca bố có đón đưa. Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai, gió sương mòn cả hai vai...", đôi lúc ánh mắt chú tôi lại đượm buồn, khác hẳn với vẻ linh hoạt thường thấy như mọi ngày. Chú đồng cảm với nhạc sĩ Thanh Tùng hay đang cảm nhận sự "một mình" sắp tới sẽ phải trải qua?

Ở đời chẳng ai biết trước được chữ ngờ và gia đình tôi không ngờ rằng đó là lần cuối cùng chúng tôi được nghe chú hát. Trong chuyến đi công tác ở tận nơi tận cùng của Tổ quốc vào ít ngày sau, chú đã ra đi vĩnh viễn. Ngày nhận điện thoại báo chú mất, ba tôi thẫn thờ "Vắng em còn lại tôi với tôi, lá khô mùa này lại rơi. Thương em mênh mông chân trời lạ, bơ vơ chốn xa xôi" với những giọt nước mắt lăn dài trên má, bởi với ba, chú là một người em cực kì thân thiết, đồng cảm, cùng chí hướng.

Tôi bàng hoàng, sửng sốt, và với suy nghĩ nông cạn khi ấy, tôi đâm ra ghét bài hát này và "kết tội" nó đã dẫn đến cái chết của chú mình. Tôi trút giận, cự tuyệt với nó, hễ đài nào phát là tôi sẽ tắt, kênh nào phát sóng tôi sẽ chuyển, nhưng ở đời cái gì càng muốn trốn tránh thì ta lại càng phải đối mặt. Đi đến quán cafe nào tôi cũng nghe, đến phòng trà nào câu hát: "Vắng em còn lại tôi với tôi. Lá khô mùa này lại rơi. Thương em mênh mông chân trời lạ. Bơ vơ chốn xa xôi..." cũng văng vẳng bên tai.

Và rồi tôi bắt đầu lẩm nhẩm: "Vắng em đời còn ai với ai. Ngất ngây men rượu say. Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ, cô đơn cùng với tôi về" một cách vô thức, bắt đầu thấm thía từng câu từng chữ của chú khi thấy sao lời bài hát lại trùng khớp với những gì đang diễn ra trước mắt tôi đến vậy. Cũng từ đó, tôi đâm ra nghiện từng lời hát giản dị mà thấm đẫm ý nghĩa, những ca khúc buồn nhưng không bi, sầu nhưng không thảm...

Tôi có thể thấy mình qua những gì chú nhắn gửi qua bài hát Mưa Ngâu, rằng ai đùa giỡn với tình yêu - thứ thiêng liêng có thể cứu nhiều tâm hồn sắp gục ngã - thì sẽ được tặng những giọt nước mắt ướt đẫm hệt như mưa ngâu: "Chuyện tình yêu như là những cơn mưa trong đời đầy nắng gió. Để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa ngâu"... 

Tôi như thấy yêu đời hơn khi nghe câu hát đầy tươi tắn "Tôi nghe đất trời bỗng nhiên thênh thang hơn. Tôi nghe mỗi người bỗng nhiên như vui hơn..." của Câu Chuyện Nhỏ Của Tôi...

Và tôi thấy đâu đó chút thi vị, lãng mạn và ngọt ngào của tình yêu tuổi mới lớn với "Cuộc tình bâng quơ, đến trong ngày bơ vơ. Gieo bao đớn đau trong tâm hồn ngây thơ. Mùa hè đi qua rồi, tình yêu cũng qua rồi, chỉ còn nước mắt vương trên bờ môi"... 

Vo nhac si Thanh Tung
Hình ảnh vợ nhạc sĩ Thanh Tùng được phát trong một chương trình ca nhạc. (Ảnh: Internet)

Lúc sinh thời, ông vẫn đau đáu nỗi đau "cô đơn bẩm sinh", như lời chia sẻ gây xúc động của ông trong một bài phỏng vấn: "Nhiều lúc tôi thấy mình như một người cô đơn bẩm sinh trong suốt quãng đời. Ngay từ nhỏ tôi đã không được sống gần bố mẹ. Lấy vợ thì đến năm bốn mươi tuổi đã mất vợ và phải gà trống nuôi con. Là một người đàn ông nhưng tôi luôn khao khát sự che chở, luôn thấy mình bé bỏng. Cũng chính vì vậy mà tôi thấy mình thất thường và dễ bị tổn thương. Tôi luôn sẵn sàng nổi điên khi thấy mình bị xúc phạm". Nhưng giờ thì ở nơi thiên thai ấy, ông chẳng còn phải cô đơn hay "một mình" nữa mà đã có thể cùng người vợ hết mực yêu thương mình mỉm cười thật hạnh phúc...

Chào ông, người nhạc sĩ "thích cười, không có gì sướng bằng cười cho đã đời"...
Chia sẻ