Nhạc sĩ Thanh Tùng: "Dù cho chân trời bốn biển, anh sẽ đi tìm bóng em"
Như những lời hát từ "Hoa cúc vàng", bài ca Thanh Tùng viết tặng người vợ đã khuất, dường như giờ đây vị nhạc sĩ đã hoàn tất tâm nguyện của mình, tìm lại bóng dáng người vợ đã từng bỏ ông "một mình" mà đi...
Nghe tin nhạc sĩ Thanh Tùng mất, trong đầu tôi chỉ vang lên những câu hát đầy thơ mà tôi đã từng nghe suốt một thời tuổi trẻ: "Lối cũ ta về dường như nhỏ lại, trời xanh xanh mãi một màu ấu thơ...". Người nhạc sĩ ấy giờ đây cũng đã đi về một cõi thiên thai, bỏ lại những lối cũ ngẩn ngơ chỉ còn những ngọn gió cô đơn hoang hoải. Và bầu trời, vẫn sẽ xanh như thuở ấy, xanh như tâm hồn của một con người cả cuộc đời đã viết nên những giai điệu yêu người, yêu đời.
Tôi không biết nhiều về đời tư của Thanh Tùng, tôi chỉ đơn giản là một người yêu nhạc của ông. Tôi yêu cái cách Thanh Tùng viết về cuộc đời, viết về "em", về nỗi cô đơn, và về tình yêu. Mỗi lần nghe nhạc Thanh Tùng là một lần có cảm giác những gánh lo toan của đời mình nhẹ đi một chút. Tôi nhớ những trưa hè lộng gió và nắng tràn qua ô cửa, vừa nghe Hát với chú ve con qua một chiếc radio cũ vừa nhún nhảy, thấy cuộc đời mình chưa bao giờ đẹp đến thế:
Một hôm mây trắng bỗng nhớ tiếng hát em
Mây lang thang hoài để bầu trời thêm vắng
Một hôm có nắng bỗng nhớ tiếng hát em
Nắng bâng khuâng hoài ngỡ chưa muốn quên...
"Đừng mang trong lời ca những nỗi ưu phiền; Và đừng mang cho tình yêu những tiếng ca buồn" - Lời ca cũng như lời người, thế nên nghe nhạc Thanh Tùng, luôn có những niềm vui nhỏ bé len lỏi trong lòng, và dù buồn cũng sẽ thành buồn một cách nhè nhẹ. Vì với Thanh Tùng, thế giới của ông không có những buồn thương bi lụy, nó nên thơ, lãng mạn, "chất chơi" một cách rất riêng.
Thế nên ngay cả trong giai điệu viết cho người vợ khuất bóng, dù đong đầy cái cảm giác xót xa, cô đơn, lẻ bóng nhưng lại không có chỗ cho tuyệt vọng hay bi ai:
Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai
Gió sương mòn cả hai vai
Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ
Nghiêng nghiêng bóng em gầy
Vắng em còn lại tôi với tôi
Lá khô mùa này lại rơi
Thương em mênh mông chân trời lạ
Bơ vơ chốn xa xôi
Người nghe cảm nhận trong đó vô vàn khoảng trống, của sự chia ly, khắc khoải, của tình yêu kẻ ở người đi, của những bâng khuâng tiếc nuối và níu kéo, nhưng nhẹ nhàng, lắng đọng. Ca khúc ấy như bè bạn của nỗi đơn côi trong đêm vắng dành cho ai đó, một mình đốt lên những vòng khói thuốc, khe khẽ một tiếng thở dài.
Thanh Tùng yêu nhiều, và cũng được nhiều người yêu. Thế nhưng ông lại được biết đến là người nổi tiếng thủy chung với vợ. Những sáng tác dành tặng vợ của ông luôn mang đến một xúc cảm riêng, nơi ông gửi gắm những nhớ nhung, yêu thương, cô đơn và mất mát. Những yêu thương ấy chân thành và giản dị như thế này thôi: : "Đêm qua em vừa đến/sao chưa ghé qua nhà/ sao chưa về để thăm anh/ Anh nhớ em nhiều lắm đấy... Bâng khuâng trong vườn nắng/ Cô đơn khóm cúc vàng/ Đang chờ mùa thu sang/ Chờ cho đến lúc phai tàn..."
Khóm cúc chờ mùa thu cho đến lúc phai tàn, Thanh Tùng không chờ cũng chẳng đợi ai, ông chọn cách sống một mình nuôi 3 con, và tiếp tục viết nên những vần thơ bằng âm nhạc, bởi như ông từng thổ lộ: "Chưa chắc hai người ở cạnh nhau đã có hạnh phúc, đã hết cô đơn. Nhưng nếu cuộc sống chỉ có một người và người này vẫn nhớ về người kia, vẫn cảm thấy người kia luôn hiện diện thì sẽ không cảm thấy cô đơn".
"Với anh là xa xôi/ Dẫu nơi chân trời/ Dù xa bốn biển/ Rồi anh sẽ đi tìm/Tìm lại bóng dáng em" - lời ca ấy, từng một thời vang lên qua giọng ca run run của người nhạc sĩ già. Giờ đây nghe lại, có cảm tưởng như người đàn ông ấy đã hoàn thành tâm nguyện của mình, đi tìm lại bóng dáng người phụ nữ đã từng một thời xa lắm bỏ ông "một mình" mà đi...
Hình ảnh vợ Thanh Tùng trong một đêm nhạc của ông
Nói về âm nhạc, tôi là người ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn, nhưng tôi yêu nhạc Thanh Tùng. Vì đến với Trịnh, đó là thứ âm nhạc của những triết lý có khi đi cả cuộc đời cũng chưa thấm hết, nhưng đến với Thanh Tùng, đó đơn giản chỉ là những nỗi nhớ niềm yêu của đời thường, nó giản dị, bình yên, lãng mạn, ngọt ngào. Thanh Tùng từng tâm sự rằng ông là nhạc sĩ muốn tìm trong công viên âm nhạc và tình yêu của Trịnh Công Sơn một chỗ nào đó để có thể trồng một bụi cỏ nhỏ. Bụi cỏ nhỏ ấy mang tên Thanh Tùng. Và tôi từng tưởng tượng đó hẳn là một bụi cỏ xinh xắn, tươi xanh, phơi phới trỗi dậy từ đất ẩm để nghênh ngang đón nắng mặt trời.
Thoát ly khỏi những triết lý và đến với cuộc đời bằng những dư vị trong trẻo, nên nhạc Thanh Tùng vì thế cũng dễ nghe, dễ cảm hơn. Tỏ tình cũng rất giản đơn: "Mùa xuân rất hiền lặng yên ngồi nghe tôi hát. Và tôi biết rằng nói yêu em là điều khó khăn"; níu kéo cũng rất dứt khoát: "Em đừng đi! Xin em đừng đi! Vì ai đó còn chưa nói với ai điều gì"; và để bày tỏ về sự "loạn nhịp" của trái tim thì cực kỳ dễ thương: "Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu là thực ra anh đang dối lòng/ Còn anh nói đã trót yêu em rồi là thực ra anh đang dối anh"...
Nhạc Thanh Tùng thơ lắm, nhẹ nhàng lắm, và cũng lắng đọng lắm. Trong ấy cũng có nỗi buồn, có ưu tư và vơi đầy những cô đơn, nhưng tất cả những điều ấy bằng cách này hay cách khác vẫn luôn được thể hiện rất sáng, rất trong, rất thanh thản như thể không chút gợn. Cuộc đời qua lăng kính của Thanh Tùng luôn nhẹ nhõm và vô ưu như vậy, nên nhạc của Thanh Tùng là để dành cho những người muốn yêu đời, yêu người, muốn gạt bỏ mọi muộn phiền để cảm nhận tình yêu cuộc sống.
"Tôi rất thích cười, không có gì sướng bằng cười cho đã đời!" - Thanh Tùng bảo thế, nên nghe nhạc của Thanh Tùng, bạn hãy cứ cười lên, và nhớ về ông, như nhớ về một bụi cỏ xanh non vươn mình đón nắng.