Uống rượu bia sao cho ít hại sức khỏe, chuyện năm nào cũng nhắc nhưng nhiều người chưa làm

Ngọc Ái,
Chia sẻ

Rượu bia từ lâu đã trở thành thứ không thể thiếu mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhưng uống rượu bia thế nào cho bớt hại sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Mặc dù rượu bia mang lại nhiều tác hại cho cơ thể nhưng thật khó để tránh xa nó trong mỗi dịp lễ, Tết. Bởi nếu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì chén rượu, cốc bia đầu năm được xem như lời chúc năm mới, gắn kết mọi người, tăng cảm xúc cho những bữa tiệc. Cũng vì vậy mà dễ dẫn tới tình trạng say xỉn, ngộ độc rượu, bệnh dạ dày cùng nhiều hệ lụy sức khỏe khác do uống rượu bia ngày Tết.

Đồng thời, uống rượu bia bao nhiêu là vừa đủ, uống thế nào cho Tết vui mà vẫn khỏe trở thành bài toán lặp lại hết năm này qua năm khác. Đáp án nằm ở 7 bí quyết giúp giảm thiểu tác hại sức khỏe khi uống rượu bia tưởng đơn giản nhưng rất nhiều người làm chưa đúng sau đây:

1. Luôn ăn trước khi uống rượu bia

Theo TS. BS. Hoàng Minh Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: “Khi không ăn trước khi uống rượu bia, axit trong dạ dày tăng kích thích dạ dày hơn, dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến viêm dạ dày. Do đó, để phòng tránh nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng, trước khi uống rượu bia, mọi người nên ăn một chút thức ăn, chẳng hạn như bánh mì, chất lỏng, nhớt như canh hoặc nước bột sắn”.

Uống rượu bia sao cho ít hại sức khỏe, chuyện năm nào cũng nhắc nhưng nhiều người chưa làm- Ảnh 1.

Ăn thực phẩm giàu tinh bột, protein trước khi uống rượu bia là một mẹo chống say khá hiệu quả (Ảnh minh họa)

Ông giải thích rằng, các thực phẩm này giống như lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp “tráng, bọc lại” bề mặt dạ dày trước khi uống rượu bia. Ngoài ra, còn giúp chúng ta hạn chế lượng rượu bia uống vào và giảm thiểu các triệu chứng nôn nao, mệt mỏi do say bia rượu.

2. Uống rượu bia có giới hạn

Dù là dịp Tết hay ngày thường, chúng ta luôn phải có ngưỡng giới hạn khi uống rượu bia. Ngưỡng này không chỉ là “tửu lượng” của mỗi người mà còn là lượng rượu bia cơ thể có thể chuyển hóa được để tránh gây hại sức khỏe. TS. BS. Hoàng Minh Đức khuyến cáo: “Nên dừng uống khi cảm thấy đau đầu, chân tay hơi run, cảm giác nói hơi kích thích vì đây là lúc bạn đạt tới ngưỡng của mình”.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Medlatec nhắc nhở: “Cơ thể của người trưởng thành chỉ chuyển hóa được 1g rượu/10kg cân nặng/1 giờ. Ví dụ, người nặng 50kg chỉ chuyển hóa được 5g rượu trong 1 giờ, nếu người này uống 50g rượu thì phải cần đến 10 giờ để cơ thể chuyển hóa hết rượu. Theo các nghiên cứu, một người bình thường chỉ nên uống trong khoảng từ 10-30g cồn 1 ngày thì cơ thể hoàn toàn có thể tiêu hóa được, còn nếu uống trên 50g cồn thì sẽ gây hại cho cơ thể.

Lấy ví dụ, 1 lon bia 330ml, nồng độ cồn trong khoảng 5%, 100ml thì 5g cồn, vậy 330ml là hơn 15g cồn. Do đó, chỉ uống 2 lon bia là đã vượt quá ngưỡng an toàn 30g rồi. Nếu uống hơn 2 lon bia rồi thì ngày hôm sau phải nghỉ (không được uống đồ uống có cồn nữa) thì cơ thể mới có thể tiêu thụ hết số lượng cồn tích lũy đó".

3. Không nên pha trộn rượu bia

PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Vân cũng nhắc nhở rằng, không nên uống nhiều loại rượu bia cùng lúc hoặc pha trộn/uống cùng các loại nước khác. Bà giải thích: “Khi vào cơ thể, các loại rượu bia, nước này sẽ hòa trộn với nhau khiến độc tính của rượu tăng lên, khả năng cơ thể hấp thu nó cũng tăng lên.

Uống rượu bia sao cho ít hại sức khỏe, chuyện năm nào cũng nhắc nhưng nhiều người chưa làm- Ảnh 2.

Pha trộn rượu bia tùy ý theo sở thích có thể mang đến nhiều hệ lụy sức khỏe khôn lường (Ảnh minh họa)

Chẳng hạn như nước tăng lực, không nên uống cùng rượu do nước tăng lực làm cho thần kinh trở nên minh mẫn hơn khiến bạn có thể uống nhiều hơn bình thường mà chưa cảm thấy say, điều này vô tình làm chúng ta uống nhiều lên. Đến khi xuất hiện triệu chứng say thì nồng độ cồn trong cơ thể đã trở nên rất cao, tăng nguy cơ ngộ độc rượu”.

4. Nên uống nhiều nước sau khi uống rượu bia

Sau khi uống rượu, cách để đào thải chất cồn nhanh ra khỏi cơ thể là uống nhiều nước. Lý do là nước sẽ hòa loãng chất cồn, làm gia tăng lưu lượng tuần hoàn, từ đó rượu sẽ được thải ra qua ống tiêu hoá, đường hô hấp và nước tiểu.

Cách đơn giản nhất là hãy uống thêm nhiều nước lọc sau khi uống rượu bia. Ngoài ra, PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Vân cũng gợi ý: "Uống thêm các loại nước giúp trung hòa axit như nước chanh, cam, nước gừng mật ong, nước dừa, nước mía, trà hoặc ăn những thực phẩm có tác dụng tương tự như cải xanh, củ cải… hoặc các loại canh có sẵn trên bàn tiệc. Việc làm này sẽ hạn chế các triệu chứng do rượu gây ra khi vào ống tiêu hóa như đau đầu, buồn nôn".

5. Không dùng Paracetamol sau khi say hoặc lạm dụng thuốc giải rượu

TS. BS. Hoàng Minh Đức nhắc nhở rằng việc lạm dụng thuốc chống say giải rượu có thể gây hại cho gan, dạ dày. Theo ông, công dụng chính của thuốc giải rượu là hỗ trợ chuyển hóa rượu thành nước và CO2 (những chất ít gây độc hơn thành phần rượu ban đầu), chứ thuốc không giúp phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn thương. Đặc biệt là với lá gan bởi nó có thể làm tăng các men gan như AST, ALT, gamma-GT, làm giảm chất bảo vệ gan, làm tăng tổng hợp acid béo và triglyceride trong tế bào gan, làm gan nhiễm mỡ, làm hoại tử tế bào gan, ung thư gan… gây nguy hiểm tính mạng.

Còn PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Vân thì cảnh báo tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường để giải rượu. Bà nói: “Sau khi uống rượu, có thể có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, chân tay bủn rủn, buồn nôn… thì tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol bởi thuốc sẽ được đào thải qua gan, giá trị độc của thuốc lúc này rất khó để biết được, tùy vào cơ địa mỗi người. Lúc này, rượu đã gây độc cho gan rồi, cộng thêm Paracetamol nữa sẽ rất dễ khiến chúng ta rơi vào tình trạng suy gan cấp”.

6. Không tiếp xúc với môi trường lạnh sau khi uống rượu

“Đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh sau khi uống rượu có thể bị nhiễm lạnh do mạch máu dưới da bị giãn, tăng thoát nhiệt. Lúc này, người uống rượu thường lơ mơ, mất kiểm soát, mạch máu nhanh chóng co lại, dẫn đến cơn tăng huyết áp. Trường hợp nặng, có tiền sử tăng huyết áp, dị dạng có thể bị đột quỵ. Người có cơ địa yếu, suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản” - bác sĩ Trần Đức Cảnh, khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương nhắc nhở.

7. Sai lầm khi cho rằng uống càng nhiều khả năng hấp thụ rượu bia càng tăng

Đây là một quan niệm sai lầm rất nhiều người mắc phải, nhất là vào dịp Tết khi phải uống nhiều rượu bia. Thậm chí, không ít người còn tự tập uống để “nâng đô” chuẩn bị trước cho kỳ nghỉ Tết.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Vân cảnh báo: “Người uống rượu nhiều sẽ có tình trạng quen dần với ngưỡng uống đó, cho nên càng ngày người ta càng uống nhiều hơn, gây ra tình trạng nghiện rượu bia. Khi chúng ta uống rượu như vậy, lượng cồn vẫn tích tụ trong cơ thể và sẽ bị chuyển hóa thành aldehyde - một chất độc nếu tích tụ lâu trong cơ thể có thể gây tổn thương gan mãn tính dẫn đến xơ gan, thậm chí là ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa”.

Uống rượu bia sao cho ít hại sức khỏe, chuyện năm nào cũng nhắc nhưng nhiều người chưa làm- Ảnh 3.

Không phải càng uống nhiều thì khả năng hấp thụ rượu bia càng tăng, hãy dừng lại khi tới ngưỡng của bản thân (Ảnh minh họa)

Nhìn chung, cách an toàn nhất để giảm thiểu tác hại của rượu bia tới sức khỏe là không uống hoặc uống càng ít càng tốt. Đặc biệt, có một số nhóm người tuyệt đối không nên động tới rượu bia, dù là dịp Tết như: mắc bệnh tiểu đường, bệnh dạ dày, tim mạch vành, cao huyết áp, mỡ máu cao, đang mang thai hoặc cho con bú, mắc bệnh gout, bị bệnh gan, đang dùng thuốc kháng sinh…

Chia sẻ