Uống nước lọc là tốt nhưng uống kiểu này tăng nguy cơ phù não, tử vong

Mộc Miên,
Chia sẻ

Cơ thể cần nước để hoạt động bình thường, nhưng uống nước kiểu này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe.

Uống quá nhiều nước gây hạ natri máu

Thông thường, rất khó để một người uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trường hợp này có thể vô tình xảy ra khi chúng ta tham gia các hoạt động thể thao hoặc khi tập luyện với cường độ cao.

Uống quá nhiều nước có thể gây ra tình trạng ngộ độc nước, hay còn gọi là nhiễm độc nước hoặc hạ natri máu. Lượng nước nạp vào cơ thể quá nhiều làm loãng chất điện giải, đặc biệt là natri trong máu, khiến nồng độ natri giảm xuống dưới 135mmol/l (hạ natri máu). Natri giúp duy trì sự cân bằng của chất lỏng bên trong và bên ngoài tế bào. Khi nồng độ natri giảm do tiêu thụ quá nhiều nước, chất lỏng sẽ di chuyển từ bên ngoài vào bên trong tế bào, khiến chúng bị phù. Nếu điều này xảy ra với các tế bào não, não bộ có thể bị phù, gây gián đoạn chức năng của não bộ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.

Khi một người tiêu thụ quá nhiều nước và các tế bào trong não của họ bắt đầu sưng phù, áp lực bên trong hộp sọ sẽ tăng lên và gây ra các triệu chứng như:

- Nhức đầu.

- Buồn nôn.

- Nôn mửa.

Các trường hợp nhiễm độc nước nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

- Hôn mê.

- Co giật.

- Yếu cơ hoặc chuột rút.

- Tăng huyết áp.

- Nhìn đôi.

- Lú lẫn.

- Khó thở.

Uống nước lọc là tốt nhưng uống kiểu này tăng nguy cơ phù não, tử vong - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.


Trường hợp ngộ độc nước thường xảy ra khi nào?

Đã có nhiều báo cáo y tế ghi nhận các trường hợp tử vong do uống quá nhiều nước. Các trường hợp ngộ độc nước thường xảy ra với những người tham gia hoạt động thể thao hoặc rèn luyện thể chất hoặc những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, khi họ bổ sung nước không đúng cách.

Một báo cáo chỉ ra rằng trong số 488 người tham gia cuộc thi Marathon Boston năm 2002, 13% người tham gia có các triệu chứng hạ natri máu và 0,6% bị hạ natri máu nghiêm trọng, với nồng độ natri dưới 120 mmol/l.

Sự kiện này cũng đã ghi nhận một trường hợp tử vong. Khi một người tham gia đã bù nước không đúng cách, khiến nồng độ natri giảm xuống dưới 130 mmol/l. Người này sau đó đã bị phù não và tử vong.

Một báo cáo y tế khác cũng ghi nhận 17 binh sĩ trong quân đội bị hạ natri máu sau khi uống quá nhiều nước trong quá trình huấn luyện. Nồng độ natri trong máu của họ dao động từ 115-130 mmol/l, trong khi mức bình thường là 135-145 mmol/l.

Uống nước lọc là tốt nhưng uống kiểu này tăng nguy cơ phù não, tử vong - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước?

Thừa nước và nhiễm độc nước xảy ra khi một người uống nhiều nước hơn lượng nước mà thận của họ có thể đào thải qua nước tiểu. Lượng nước không phải là yếu tố duy nhất mà thời gian bổ sung lượng nước vào cơ thể cũng đóng vai trò quan trọng.

Theo số liệu được trích dẫn trong các nghiên cứu, thận có thể lọc khoảng 20-28 lít nước mỗi ngày, nhưng chúng chỉ có thể lọc không quá 0,8-1 lít mỗi giờ.

Để tránh trường hợp bị hạ natri máu, điều quan trọng chúng ta không nên uống lượng nước vượt quá lượng nước mà thận có thể đào thải trong một giờ.

Các tác giả của nghiên cứu báo cáo rằng các triệu chứng hạ natri máu thường xuất hiện khi một người uống 3-4 lít nước trong thời gian ngắn.

Theo các báo cáo trên thế giới, những người lính đã xuất hiện các triệu chứng sau khi tiêu thụ ít nhất 2 lít (1,9 lít) nước mỗi giờ.

Tình trạng hạ natri máu kéo dài cũng xảy ra ở một tù nhân 22 tuổi khỏe mạnh khi người này uống 6 lít nước trong 3 giờ đồng hồ.

Trên thế giới cũng từng ghi nhận trường hợp một bé gái 9 tuổi bị ngộ nước sau khi uống 3,6 lít nước trong 1-2 giờ.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Hoa Kỳ, mỗi ngày ở người trưởng thành nên uống khoảng 3,7 lít nước/ngày đối với nam giới và khoảng 2,7 lít nước/ngày với nữ giới. Lượng nước nên được bổ sung từ từ vào nhiều thời điểm trong ngày.

Chia sẻ