Ước muốn 1 lần được làm giỗ mẹ của 2 đứa trẻ chứng kiến thảm án gia đình ngày mùng 1 Tết
Tết đối với hai đứa trẻ trở thành cơn ác mộng kinh hoàng khi đó chính là ngày chúng phải chứng kiến cảnh bố cầm búa đinh đánh chết mẹ, đẩy gia đình vào hố sâu bi kịch.
Bi kịch ập đến
Hai chị em Nguyễn Thị Hằng (SN 2003) và Nguyễn Cảnh Lường (SN 2005, xã Quỳnh Tâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) từng được sống trong một gia đình hạnh phúc, ấm êm theo đúng nghĩa. Người cha Nguyễn Cảnh Linh (SN 1981) làm nghề lái máy xúc, mẹ là chủ một quán cơm bình dân tại thủ đô. Kinh tế gia đình ổn định, chị em Quyết được chăm sóc chu đáo. Nhưng rồi, khi có tiền người cha lại sinh tật, suốt ngày rượu chè, cờ bạc, lại hay thói vũ phu.
Chồng đổ đốn, một mình chị Nguyễn Thị Hiệp (SN 1983) phải nai lưng kiếm tiền, chăm sóc con cái. Những đồng tiền vất vả kiếm được cũng theo thói cờ bạc của chồng mà đội nón ra đi. Những lần chị Hiệp mở lời khuyên chồng là mỗi lần thân thể chị phải gánh những trận đòn tím da thịt. Bất lực, chị Hiệp quyết định nghỉ việc kinh doanh, ôm con về nhà mẹ đẻ, hi vọng chồng sẽ vì vợ con mà suy nghĩ lại để gia đình sớm đoàn tụ với nhau.
Cơn ác mộng kinh hoàng xảy ra vào ngày 10/2/2013 (tức ngày mồng 1 Tết Nguyên đán) Linh mang theo chiếc búa bổ đinh rồi đi xe máy đến nhà mẹ vợ để gọi vợ con về nhà riêng chuẩn bị đón Tết. Bức xúc vì chị Hiệp không chịu về, gã chồng vũ phu đã cầm búa đóng đinh đánh nhiều nhát vào vùng đầu của vợ, làm nạn nhân ngã xuống giường. Chị Hiệp sau đó được người thân nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu, nhưng vì vết thương quá nặng nên đã tử vong. Với hành vi giết người, Nguyễn Cảnh Linh phải gánh nhận mức án 12 năm tù giam.
Chồng mất sớm, kinh tế khó khăn, dù tuổi cao sức yếu bà Hảo
vẫn cố gắng làm ruộng, buôn cá từ chợ này sang chợ khác bán để kiếm tiền nuôi
cháu qua ngày. Hơn một năm trở lại đây, vì huyết áp cao nên bà nghỉ việc chợ,
thu nhập chính của ba bà cháu phụ thuộc vào mấy sào lúa, nương khoai. Chị em
Lường lớn lên trong sự khốn khó, thiếu thốn tình thương yêu và cả cơn ác mộng
kinh hoàng của ngày Tết.
Dù là trẻ mồ côi nhưng chị em Lường được biết đến là những
đứa trẻ ngoan, siêng năng, học rất giỏi. Ngoài giờ học trên lớp, hai chị em
Lường đều chủ động học bài ở nhà. Năm nào cũng đạt thành tích là học sinh tiêu
biểu, học sinh giỏi, tiên tiến, đứng nhất nhì trong lớp, được thầy yêu, bạn
quý. Về nhà, hai chị em phụ giúp bà việc nhà, biết tự chăm sóc bản thân và rất
yêu thương nhau.
Mới 13 tuổi nhưng Hằng đã ít nhiều hiểu được hoàn cảnh bất
hạnh của mình. Mỗi lần ai đó nhắc đến cha mẹ, Hằng lại thút thít khóc. Nhiều
lần bà ngoại gặng hỏi, Hằng nói nhớ mẹ, thương mẹ, muốn được có bố có mẹ bên
cạnh như các bạn học.
“Nhiều lần nó hỏi tôi, sao người chết đều được làm đám giỗ
nhưng mẹ lại không? Tôi chỉ biết ôm cháu vào lòng mà khóc. Đã 4 năm nay, cứ đến
ngày mồng 1 Tết, bà cháu tôi lại mang cặp bánh chưng, đưa ra nhà thắp lên bàn
thờ gọi là nhớ ngày giỗ mẹ nó. Từ ngày con gái tôi mất đến bây giờ chưa có lần
nào được làm giỗ. Hè vừa rồi, con Hằng xin ra Hà Nội rửa bát thuê cho nhà người
quen để kiếm tiền Tết về làm giỗ mẹ. Nghĩ nó còn nhỏ dại, tôi không muốn cho
đi. Nhưng rồi nghĩ lại, ở ngoài đó còn có người thân, cho nó đi cho khuây khỏa,
để nó tự tập tành tự lập vì hoàn cảnh nó khác con nhà người ta, và thực hiện
tâm nguyện làm giỗ cho mẹ”, bà Hảo trải lòng.
"Ngày mẹ còn sống,
mỗi lần được giấy khen mẹ vui lắm, thường khuyên chị em cháu cố gắng học để mai
này thoát li khỏi đồng ruộng cho đỡ vất vả cái thân. Giờ mẹ mất, bố đi làm ăn
xa, không về, mỗi lần được giấy khen, cháu lại tủi thân vì không biết kheo với
ai. Cháu ước năm nay bố về để cùng làm giỗ cho mẹ”, gạt nước mắt, Lường tâm sự.
Từ ngày cha ngồi tù tới nay, chị em Lường mới chỉ gặp người
cha tội lỗi ba lần. Một lần tại phiên tòa sơ thẩm, hai lần được bà ngoại đưa
vào thăm. Người đàn bà mất con này đã không vì hận thù mà chia rẽ tình cha con
bởi bà nghĩ: “Người mất cũng đã mất rồi, có oán thù cũng không thể làm cho con
gái tôi sống lại. Huống gì, tôi còn hai đứa cháu ngoại, chúng đã mất mẹ, không
thể mất thêm cha. Chỉ hi vọng thằng Linh cải tạo tốt, sớm trở về làm chỗ dựa
cho con. Thân tôi già yếu, như ánh đèn trước gió, tắt lúc nào không hay”.
Nghỉ hè, chị Hằng đi làm thuê, Lường chỉ biết quanh quẩn bên
bà. Đã 11 tuổi nhưng trông Lường nhỏ thó, da đen nhẻm, khuôn mặt buồn thỉnh thoảng
vẫn nhoẻn miệng cười khi nghe ai đó nhắc đến tên mình.
“Tôi giờ chỉ mong ông trời cho chút sức khỏe để nuôi hai đứa
cháu cho đến tuổi trưởng thành, tự lo được cho bản thân là tôi mãn nguyện lắm.
Tôi chỉ sợ không may nằm xuống thì hai đứa cháu không biết sống như thế nào.
Chỉ mong cuộc đời chúng sẽ được bình yên”, nhìn đứa cháu ngoại bất hạnh, bà Hảo
thở dài chia sẻ.