Ứng dụng dữ liệu dân cư đánh giá khách hàng vay để xoá bỏ "tín dụng đen"

Thanh Hà,
Chia sẻ

Theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, thời gian vừa qua, tội phạm “tín dụng đen” đang là vấn đề nhức nhối và gây ra các hệ luỵ cho xã hội như các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản, đổ chất bẩn chất thải… ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Ứng dụng dữ liệu dân cư đánh giá khách hàng vay để xoá bỏ "tín dụng đen" - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo.

Ngày 7/8, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay” với mục đích đề ra giải pháp để công dân yếu thế tiếp cận nhanh với nguồn vốn chính thống, lãi suất phù hợp, dần giảm thiểu tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Cũng tại Hội thảo, Bộ Công an công bố cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ “dữ liệu với cuộc sống” và trang Web diễn đàn chuyển đổi số quốc gia www.diendanchuyendoiso.gov.vn.

Nhiều người vẫn khó tiếp cận nguồn vốn chính thống

Liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Phùng Đức Thắng - Cục phó Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, cho biết trong thời gian vừa qua, tình hình hoạt động tội phạm “tín dụng đen” đang là vấn đề nhức nhối và gây ra các hệ luỵ cho xã hội như các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản, đổ chất bẩn chất thải… ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

“Hiện nay, đa số người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống, các doanh nghiệp phải vay vốn “tín dụng đen” , lãi suất lên tới 46,5%/năm. Mặc dù Chính phủ cũng đã triển khai các gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó có thể tiếp cận” - Thiếu tướng Phùng Đức Thắng thông tin.

Còn theo Đại tá Vũ Văn Tấn - Cục phó Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, hiện nay việc vay vốn các ngân hàng, tổ chức tín dụng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

“Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do các ngân hàng không có cơ sở để đánh giá xác định đối tượng cho vay, chưa có chính sách hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, thiếu cơ chế quản lý Nhà nước về kiểm soát tín dụng đen và hỗ trợ người dân” - Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết.

Theo Đại tá Tấn, từ thực trạng nêu trên, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với các đơn vị triển khai đánh giá khả tín khách hàng vay trên nền tảng dữ liệu dân cư, sử dụng công nghệ máy học, trí tuệ nhân tạo và đã cơ bản hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với độ chính xác cao.

Nói rõ hơn về đánh giá khả tín khách hàng vay, thạc sỹ Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây được hiểu là quá trình phân tích bộ dữ liệu về một chủ thể thông tin thông qua một mô hình chấm điểm cụ thể để đánh giá mức độ tín nhiệm và khả năng thanh toán nợ đúng hạn của chủ thể thông tin đó.

Trong đó, điểm tín dụng là một chỉ số phản ánh mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. Điểm số cho biết khả năng một khách hàng vay có thể trả nợ và thanh toán các khoản phí thường xuyên và đầy đủ. Điểm tín dụng càng cao tương ứng với rủi ro không thanh toán được các khoản nợ càng thấp và khả năng tiếp cận tín dụng càng cao.

Về vấn đề liên quan đến dữ liệu cá nhân, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, theo quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, điểm tín dụng không phải dữ liệu cá nhân nên có thể chuyển giao cho các đơn vị tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, việc đánh giá khả tín khách hàng vay cá nhân rất nhạy cảm, liên quan mật thiết tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo.

Ứng dụng dữ liệu dân cư đánh giá khách hàng vay để xoá bỏ "tín dụng đen" - Ảnh 2.

Đại tá Vũ Văn Tấn Cục phó Cục Cảnh sát QLHC về TTXH.

“Tín dụng đen” đã thay đổi cách hoạt động

Đóng góp tham luận về chuyên đề thực trạng tín dụng tại Việt Nam và đánh giá ứng dụng phân tích dữ liệu giảm thiểu "tín dụng đen" tại Hội thảo, đại diện Học Viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, do khó khăn của nền kinh tế, các khoản vay tiêu dùng của cá nhân, kể cả sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng tại các ngân hàng cũng giảm.

Đáng chú ý các khoản vay tiêu dùng cá nhân giảm không phải xuất phát từ nhu cầu vốn giảm mà bởi chạm tay tới các khoản vay tiêu dùng từ ngân hàng rất khó khăn, cần trải qua rất nhiều thủ tục phức tạp như phương án kinh doanh, phương án chi tiêu, tài sản đảm bảo… khiến người dân có tâm lý e ngại.

"Đối với nhóm khách hàng dưới chuẩn ngân hàng là những người yếu thế không có tài sản thế chấp với nhu cầu đơn giản như vay đi chữa bệnh, vay kinh doanh hộ gia đình, vay tiền đóng học hoặc thậm chí một khoản tiền nhỏ khi chờ tới ngày lương… thì khó được chấp thuận vay tín chấp từ ngân hàng, điều này vô tình đẩy họ tìm đến nguồn “tín dụng đen” qua các công ty tín dụng trá hình hoặc app vay vốn trên điện thoại" - đại diện Học Viện Cảnh sát nhân dân cho biết.

Ngoài ra, “tín dụng đen” đã thay đổi mô hình, phương thức trong những năm gần đây, đó là chuỗi cửa hàng cầm đồ hoạt động theo Giấy đăng ký kinh doanh và tuân theo các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể, các công ty tài chính với mức lãi suất cho vay thấp hơn hoặc bằng mức trần lãi suất của ngân hàng Nhà nước nhưng khách hàng phải trả mức phí cao từ các dịch vụ đi kèm như phí thẩm định điều kiện vay (1,4%/tháng); phí quản lý tài sản cầm cố (2-5%/tháng); phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo… dẫn tới rất nhiều người sập bẫy.

Theo đại diện Học viện Cảnh sát nhân dân, để thu hồi được nợ, các công ty “tín dụng đen” thường thuê các đối tượng có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư hỏng nhằm gây xáo trộn cuộc sống, đe dọa đến danh dự, tính mạng của người đi vay và gia đình.

Thậm chí, trường hợp người vay không trả được nợ, phải bỏ trốn, đối tượng làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra tố giác và đề nghị xử lý hình sự người vay với hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ 2019 đến 2022, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã tiếp nhận, phát hiện 2.740 vụ, 4.941 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”; đã khởi tố, điều tra 1.575 vụ, với 3.399 bị can. Riêng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ, 2.771 đối tượng; đã khởi tố 1.038 vụ, 2.025 bị can…
Chia sẻ