Công an TP HCM xử lý hàng chục app cho vay "tín dụng đen"
Xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen". Các ứng dụng thường xuyên được thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP HCM đã phát hiện, xử lý 133 vụ, 206 đối tượng; triệt xóa 27 app cho vay "tín dụng đen".
Thông tin trên được thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM, nêu tại buổi họp báo cung cấp thông tin về vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố chiều 3-8. Một số app bị triệt xóa như: Goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay…
Theo ông Lê Mạnh Hà,hoạt động "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua app của các băng nhóm tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM cung cấp thông tin tại buổi họp báo.
Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen".
Các ứng dụng thường xuyên được thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào tiền vay và cài đặt các ứng dụng vay khác.
"Lãi suất trong các hợp đồng cho vay trực tuyến này thường không vượt quá 20%/năm, tuy nhiên người đi vay sẽ phải trả thêm các loại phí như: phí dịch vụ, phí phạt do đó lãi suất thực tế có thể lên đến vài chục %/tháng. Khi hết kỳ hạn vay tiền, khách vay sẽ chuyển trả tiền vào các tài khoản ngân hàng do các công ty cho vay trực tuyến này quản lý" - ông Lê Mạnh Hà nói.
Xử lý doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm
Ông Lê Mạnh Hà cho hay Công an thành phố đang xác minh, củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý các vụ việc liên quan doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình xác minh tin báo, kiến nghị khởi tố liên quan việc trốn đóng bảo hiểm xã hội còn chậm.
Một số nguyên nhân là hồ sơ bảo hiểm xã hội chuyển giao cho Cơ quan điều tra chưa đảm bảo giá trị pháp lý; hồ sơ chuyển giao không có chứng từ tài liệu thể hiện hành vi cố tình trốn tránh không đóng bảo hiểm, các biện pháp cưỡng chế của cơ quan bảo hiểm xã hội đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm.
Trong các kiến nghị khởi tố của cơ quan bảo hiểm xã hội, nhiều trường hợp vi phạm có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động lần đầu, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nên hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm; công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan bảo hiểm diễn ra đã lâu, có hồ sơ trước thời điểm năm 2017.
Theo ông Lê Mạnh Hà, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã không còn hoạt động hoặc đã chuyển sang địa phương khác. Trong nhiều trường hợp, tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm lợi dụng kẻ hở của pháp luật để thay đổi pháp nhân hoặc tuyên bố phá sản để tránh né các nghĩa vụ phải thực hiện đối với người lao động, gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, cơ quan điều tra cần phải thu thập toàn bộ hồ sơ thanh tra, các quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra của các cơ quan này còn chậm, làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải quyết vụ việc.