Uể oải, chán ăn, nam sinh choáng váng với chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối
Sau khi phát hiện suy thận giai đoạn cuối, Dũng xin bảo lưu kết quả học tập để đến bệnh viện lọc máu theo chu kỳ 3 lần/tuần.
Trong góc phòng bệnh khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Dũng (22 tuổi, quê Nam Định) mệt mỏi, hai mắt đờ đẫn, chán nản, bế tắc khi nghĩ về tương lai.
Tháng 2/2023, Dũng thấy cơ thể uể oải, chán ăn, mờ mắt, không có tinh thần. Cả gia đình không thể ngờ, những triệu chứng thông thường đó lại là dấu hiệu cảnh báo con trai đang mắc phải căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.
“Em không nghĩ lại mắc phải căn bệnh này. Mọi thứ đến quá bất ngờ”, nam sinh viên năm thứ 4 nói. Trước đó bản thân cậu sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đầy đủ, cơ thể khỏe mạnh, chưa khi nào thấy bất thường về sức khỏe.
Người thân của Dũng không có ai từng bị bệnh này, vì thế, khi nghe tin con trai bị bệnh nặng, gia đình rất hoảng sợ. “Tôi không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao. Việc học vẫn đang dang dở, còn cả tương lai phía trước” , Dũng chia sẻ.
Dũng được bác sĩ chỉ định phải lọc máu định kỳ 3 lần/tuần. Kể từ ngày phát hiện bệnh, Dũng phải xin thầy cô bảo lưu kết quả học tập để đến viện điều trị và chưa biết khi nào có thể trở lại trường học tiếp.
Một trường hợp bệnh nhân khác khi mới 30 tuổi cũng bị suy thận, phải lọc máu định kỳ suốt 2 năm nay là chị Nguyễn Thị Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Trước đây, chị Lan làm công việc tự do. Chị thường xuyên mệt mỏi, đuối sức, thậm chí một tháng ngất 1-2 lần. Thế nhưng, chị không đi khám bệnh, vì cho rằng do công việc vất vả nên mệt.
Có khi mệt quá, chị đến cơ sở y tế truyền đạm để hỗ trợ, phục hồi sức khỏe. Đầu năm 2023, khi sức khỏe giảm sút nhanh chóng chị mới đi khám và phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối.
Bệnh thận mạn tính xu hướng trẻ hoá
ThS.BS CKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hiện gần 350 bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại khoa. Trong số này, 30 - 40% bệnh nhân dưới 45 tuổi.
“Dù chưa có thống kê cụ thể song thực tế cho thấy, gần đây tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng bất thường”, bác sĩ Quốc nói.
Nhiều trường hợp tình cờ phát hiện bệnh từ dấu hiệu mờ nhạt như mệt mỏi, ăn không ngon miệng, buồn nôn. Có thanh niên 18 tuổi sức khoẻ bình thường nhưng phát hiện bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe định kỳ.
Triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.
Khi xuất hiện những biểu hiện rõ ràng, người bệnh hầu hết đều ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ. Nếu không chạy thận nhân tạo, suy thận sẽ gây ra các biến chứng có thể khiến tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc khuyến cáo các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn nếu không được quan tâm, điều trị sẽ dẫn tới suy thận mạn.
Ngoài ra, với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn.
Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh, đặc biệt những người trẻ tuổi cần có chế độ ăn cân bằng, uống đủ nước, không ăn mặn, hạn chế đồ ăn nhanh và lạm dụng thức uống có cồn, không hút thuốc lá.
Bác sĩ khuyên chúng ta cần tập thể dục thể thao hàng ngày tùy theo tình trạng sức khỏe từng cá nhân. Bạn cũng cần tránh sử dụng thuốc bừa bãi đặc biệt các thuốc không cần kê đơn, thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc.
Hiện chưa có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân buộc phải điều trị lọc máu hoặc ghép thận. Lúc này, cuộc sống người bệnh gần như gắn liền với bệnh viện.