Úc quyết không nhượng bộ Facebook
Facebook hôm 18-2 bất ngờ chặn người dùng Úc đọc và chia sẻ tin tức trên nền tảng mạng xã hội nổi tiếng này nhằm phản ứng với Dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức (NMBC) yêu cầu trả tiền cho báo chí nước này.
Trong khuôn khổ của dự luật, các hãng tin sẽ được yêu cầu đàm phán thỏa thuận thương mại cá nhân hoặc tập thể với Facebook và Google. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, một tổ chức "trọng tài" sẽ quyết định thỏa thuận của bên nào hợp lý hơn. Nếu vi phạm thỏa thuận, Facebook hoặc Google có thể đối mặt với các khoản phạt dân sự lên đến 7,4 triệu USD, theo Reuters.
Căng thẳng giữa Facebook và chính phủ Úc leo thang hôm 18-2 vì yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền cho báo chí.Ảnh: REUTERS
Facebook tiến hành động thái khiến căng thẳng leo thang nêu trên sau khi NMBC được Hạ viện Úc thông qua. Theo AP, Facebook nói riêng và các nền tảng kỹ thuật số nói chung lo ngại điều đang xảy ra tại Úc có thể trở thành một "tiền lệ đắt đỏ" mà những quốc gia lớn hơn sẽ làm theo. Facebook khẳng định NMBC, dự kiến được Quốc hội Úc thông qua trong vài ngày tới, "về cơ bản đã hiểu sai" mối quan hệ giữa nền tảng này với các nhà sản xuất tin tức, buộc họ đối mặt với một lựa chọn khó khăn giữa việc tuân thủ luật hoặc ngăn chặn các nội dung tin tức.
Nước đi nói trên đánh dấu lập trường cứng rắn hơn của Facebook so với Google sau nhiều năm họ cùng nhau vận động chống lại những dự luật như trên. Cả Facebook lẫn Google đều đe dọa hủy bỏ các dịch vụ của họ ở Úc nhưng khác với Facebook, Google đã đạt được một số thỏa thuận bước đầu với nhiều hãng tin tức trong những ngày gần đây.
Về phần mình, chính quyền Thủ tướng Úc Scott Morrison thể hiện sự giận dữ với quyết định của Facebook, đặc biệt là khi động thái này gây ảnh hưởng đến một số hoạt động liên lạc của chính phủ. "Những hành động hôm nay của Facebook nhằm hủy kết bạn với Úc, cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp, là một sự ngạo mạn đáng thất vọng" - Thủ tướng Morrison nhấn mạnh, đồng thời tuyên bố Úc sẽ không sợ sự bắt nạt của gã khổng lồ truyền thông này.
Cũng theo nhà lãnh đạo chính phủ Úc, hành động của Facebook một lần nữa cho thấy vì sao "ngày càng nhiều quốc gia thể hiện sự quan ngại đối với hành vi của các công ty công nghệ lớn, những thực thể nghĩ rằng họ lớn hơn chính phủ và không thể bị áp đặt bất kỳ quy tắc nào".
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg cho biết ông đã có "các cuộc thảo luận mang tính xây dựng" với nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg để lắng nghe những lo ngại về dự luật nêu trên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Frydenberg nhấn mạnh chính phủ của ông vẫn duy trì cam kết đối với dự luật đã giúp mang về những thỏa thuận chi trả hào phóng của Google dành cho truyền thông Úc.