Tỷ lệ sinh viên của Việt Nam còn rất thấp

PV,
Chia sẻ

So với các nước trên thế giới và trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân của Việt Nam còn rất thấp.

Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khi nhận định về thực trạng mạng lưới hiện nay. Theo bà Thủy, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể về quy mô đào tạo nhưng so với các nước trên thế giới và trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân của Việt Nam còn rất thấp. Hệ thống phát triển không đồng đều, vẫn còn rất nhiều cơ sở giáo dục đại học quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả. Nhiều cơ sở không mở rộng, phát triển được theo định hướng chiến lược phát triển của trường.

Thị trường giáo dục đại học chưa được điều tiết ở tầm vĩ mô. Nhiều cơ sở chưa xác định rõ vai trò, vị trí. Phần lớn cơ sở giáo dục đại học chưa xác định được định vị chiến lược một cách rõ ràng. Mô hình quản lý của cơ quan nhà nước còn thiếu thống nhất và phân mảnh; động lực cạnh tranh trong hệ thống còn yếu.

Trước thực trạng đó, bà Thủy cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những số định hướng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học.

Tỷ lệ sinh viên của Việt Nam còn rất thấp - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng: "Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của các vùng kinh tế và các vùng đô thị lớn - có vai trò gắn kết, trở thành động lực phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu, vừa tạo động lực dẫn dắt sự phát triển kinh tế-xã hội đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của người dân.

Phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đại học thống nhất trong đa dạng, thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh; mở rộng quy mô đào tạo gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống. Bộ khuyến khích phát triển các trường đại học lớn đủ năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế; sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng.

Các đơn vị cũng cần tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho giáo dục đại học; trong đó ưu tiên ngân sách Nhà nước để phát triển các cơ sở trọng điểm làm nòng cốt và dẫn dắt hệ thống, tăng cường đầu tư cho các cơ sở trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo công bằng trong đầu tư phát triển các cơ sở công và tư;

Bộ chủ trương phát triển các cơ sở giáo dục đại học công lập theo hướng mở rộng quy mô gắn với nâng cao chất lượng nhưng không tăng số lượng đầu mối; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Với khối ngoài công lập, bộ khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục nhằm thu hút nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục đại học, mở rộng cơ hội học tập của người dân và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các vùng và địa phương. Với khối sư phạm, bộ sẽ phát triển mạng cơ sở đào tạo giáo viên bao gồm các trường đại học sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học đa ngành có khoa, trường đào tạo giáo viên; đầu tư xây dựng hệ thống các trường đại học trọng điểm ngành sư phạm".

"Việc thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới các trường đại học nói chung và hệ thống đại học, cao đẳng sư phạm nói riêng là một chủ trương lớn được Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang từng bước thực hiện triển khai theo kế hoạch của Chính phủ giao", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Chia sẻ