Tỷ lệ sinh liên tục giảm, Trung Quốc tung hàng loạt biện pháp khuyến khích sinh đẻ mới
Tỷ lệ sinh vẫn giảm liên tục trong 5 năm qua, chuyên gia cảnh báo dân số Trung Quốc bắt đầu giảm dần vào năm 2025.
Những biện pháp thúc đẩy sinh đẻ mới ở Trung Quốc
Mục tiêu của những biện pháp này là giảm gánh nặng cho các gia đình trẻ, bằng cách hỗ trợ tiền cho các gia đình sinh 2-3 con cũng như hoàn thuế và ưu đãi bảo hiểm y tế cho họ. Tiếp nữa là ưu đãi thuê - mua nhà, tăng thời gian nghỉ thai sản, đảm bảo đủ các loại hình trường giữ trẻ 2-3 tuổi.
Theo phóng viên thường trú của Đài Truyền hình Việt Nam tại Trung Quốc thì chi phí nuôi dạy một đứa con quá đắt đỏ, gánh nặng của các cặp vợ chồng lo cho cha mẹ già hai bên, giới trẻ kết hôn ngày càng muộn là những nguyên nhân chính khiến cho cơ quan chức năng Trung Quốc dự báo từ năm 2025 dân số sẽ bắt đầu giảm và mối lo chưa giàu dân số đã già ngày càng rõ.
Có tới 17 cơ quan Trung ương trực thuộc Chính phủ như Ủy ban Y tế Quốc gia, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Giáo dục, Bộ Nhà ở vào cuộc để hướng dẫn các tỉnh thành triển khai các biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng tăng sinh từ hai con lên ba con. Đây là cơ sở để các địa phương đề ra chính sách cụ thể.
Đáng chú ý là Chính phủ sẽ tài trợ để mỗi quận, thành phố, tỉnh có cơ sở chăm sóc thai sản và trẻ; cung cấp các dịch vụ chi phí thấp. Tài trợ cho xây nhà trẻ để giữ trẻ từ 2 đến 3 tuổi. Toàn là những vấn đề hóc búa của các đô thị vốn quá tải bệnh viện sản nhi, dịch vụ khám chữa bệnh cho trẻ quá đắt đỏ. Trường mẫu giáo lâu nay chỉ giữ trẻ từ 3 tuổi trở lên, vốn quá tải nặng. Doanh nghiệp thì được khuyến nghị tạo cơ chế làm việc linh hoạt – cho phép bà mẹ làm việc tại nhà để chăm con… cũng là một vấn đề đau đầu về tính khả thi. Mục tiêu hướng đến là quá cao, theo các chuyên gia là vấn đề khó và cần một thời gian rất dài.
Doanh nghiệp Trung Quốc tốn kém bao nhiêu khi người lao động nghỉ sinh?
Theo các chuyên gia ước tính, mỗi lần một người lao động nghỉ sinh, một doanh nghiệp Trung Quốc mất trung bình 17.200 Nhân dân tệ, tương đương gần 60 triệu VNĐ. Vì vậy, các công ty không có động cơ ủng hộ chính sách tăng thời gian nghỉ sinh cho người lao động; thậm chí chính sách mới có thể khiến các doanh nghiệp ngại tuyển người lao động nữ.
Trong khi đó thì để sinh và nuôi dưỡng một đứa trẻ đòi hỏi các bậc phụ huynh Trung Quốc phải đầu tư cả thời gian lẫn tiền bạc, ngay từ những ngày mới mang thai. Những lo lắng đó trở thành áp lực khi họ đứng trước quyết định có nên sinh thêm con hay không.
Theo hãng tin Reuters, chi phí sinh con tại các bệnh viện công ở Trung Quốc, bao gồm cả các xét nghiệm trước và sau khi sinh thường do Bảo hiểm nhà nước chi trả. Song nguồn lực tại các bệnh viện công đang eo hẹp và ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc chuyển sang các phòng khám tư nhân, mức phí có thể lên tới hơn 100 nghìn Nhân dân tệ (tương đương hơn 345 triệu VNĐ).
Trong tháng ở cữ, các gia đình thường thuê bảo mẫu với giá khoảng 15.000 Nhân dân tệ. Các bà mẹ mới sinh cũng đang có xu hướng sử dụng dịch vụ chăm sóc sau sinh, một gói chăm sóc như vậy ở một cơ sở tại phố Vương Phủ Tỉnh, thành phố Bắc Kinh, có giá từ 150.000 đến 350.000 Nhân dân tệ (khoảng 520 triệu đến 1,2 tỷ VNĐ).
Ngoài ra, giáo dục chiếm một phần lớn trong chi phí nuôi con. Nhiều thành phố ở Trung Quốc quy định, nếu muốn xin cho con học trường tốt thì gia đình phải cư trú cùng quận với ngôi trường, những người không đủ điều kiện vào các trường công lập vì họ không có giấy phép cư trú thì phải theo học các trường tư thục, học phí từ 40.000 đến 250.000 Nhân dân tệ (gần 140 triệu đến hơn 860 triệu VNĐ) mỗi năm.
Chị Qiu Chunjuan - Phụ huynh có hai con, TP Thượng Hải, Trung Quốc: "Áp lực kinh tế ở Thượng Hải vẫn còn rất lớn, nếu phụ huynh muốn con theo học một trường trung học hoặc đại học tốt, thì họ sẽ đăng ký cho con học thêm các lớp phụ đạo. Con trai tôi học ở trường tư thục nên ngoài tiền học chính thì sẽ mất tiền học thêm nữa".
Khi con trưởng thành, cha mẹ lại đau đầu trước vấn đề mới, đó là hỗ trợ tài chính mua nhà cho con trai đi lấy vợ. Tờ Forbes thậm chí đã có bài phân tích "tình yêu có thúc đẩy bong bóng nhà ở tại Trung Quốc không"? Câu trả lời là có. Forbes chỉ ra rằng, hơn 60% phụ nữ tại 10 thành phố lớn nhất Trung Quốc đều mong muốn bạn trai có nhà trước khi kết hôn. Giới trẻ Trung Quốc cũng có xu hướng thích mua nhà hơn đi thuê, và các cặp vợ chồng trẻ sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ cha mẹ, thường lên đến một nửa chi phí căn hộ. Vậy nên nếu gia đình nào có hai con trai thì đó quả thực là gánh nặng lớn về tài chính.
Chị Tang Xiaohui - Phụ huynh có hai con, TP Thượng Hải, Trung Quốc: "Đối với thế hệ chúng tôi hầu hết đều là con một. Nếu tôi sinh thêm đứa thứ ba thì đúng như những câu nói đùa trên mạng, khi các con tôi lớn lên thì tôi đã 60 tuổi, tôi sẽ có bốn cha mẹ và ba đứa con - đó thực sự là áp lực rất lớn".
Nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc đã tháo gỡ được các khó khăn cụ thể nào của người dân?
Từ năm ngoái, Chính phủ nước này đã làm cuộc cách mạng cấm dạy thêm các môn học trong trường, các tổ chức kinh doanh giáo dục chuyển sang phi lợi nhuận để giảm áp lực học hành, giảm áp lực chi phí cho các gia đình trẻ. Ở Trung Quốc, các gia đình đầu tư rất nhiều tiền để chạy đua cho con học thêm, chạy đua cho con học trường điểm. Chính quyền một số thành phố cũng áp dụng nhiều chính sách như luân chuyển đội ngũ giáo viên theo chu kỳ để hạn chế tình trạng đua nhau mua nhà gần trường điểm lấy hộ khẩu để cho con học trường tốt.
Những giải pháp mạnh đó dường như chỉ giảm phần nào áp lực cho các gia đình trẻ, bởi về cơ bản xã hội Trung Quốc lâu nay vẫn trọng khoa cử, thi cao khảo (thi đại học) vẫn rất nặng nề, khắc nghiệt nên cũng khiến nhiều người băn khoăn, học thì nhẹ mà thi thì nặng nên các gia đình trẻ cũng dường như chưa thoải mái, hay yên tâm mà đẻ thêm con khi cuộc sống còn quá nhiều áp lực.
Bài học khuyến khích sinh đẻ từ Nhật Bản
Tại Nhật Bản, nơi vấn đề dân số già, tỷ lệ sinh quá thấp đã diễn ra trước cả Trung Quốc thì rất nhiều biện pháp khuyến khích sinh, khuyến khích kết hôn đã được áp dụng. Nhưng tới thời điểm này, Nhật Bản vẫn chưa đạt được mục tiêu, dù mục tiêu ấy chỉ là nâng tỷ lệ sinh lên 1,8 - tức là một phụ nữ trung bình có 1,8 con. Thậm chí, năm ngoái, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản còn giảm xuống 1,3.
Các khoản trợ cấp vẫn không thấm vào đâu so với chi phí và áp lực mà các ông bố và bà mẹ nuôi con nhỏ ở Nhật Bản phải gánh chịu. Ngân sách an sinh xã hội của Nhật Bản hàng năm tuy rất lớn, nhưng có đến 70% ngân sách phúc lợi xã hội dành cho các chương trình dành cho người cao tuổi, mà chỉ có 4% dành cho các dịch vụ trẻ em.