Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Thấp thỏm chờ phương án thi mới
Liên quan kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 của Hà Nội, thời điểm này Sở GD&ĐT Hà Nội mới chỉ thông báo sẽ tổ chức bằng phương thức thi tuyển, học sinh vẫn thấp thỏm hóng 3 hay 4 môn thi. Trong khi đó, kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 đã cận kề, đến nay Bộ GD&ĐT vẫn “đang lấy ý kiến”.
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 mới đây của Sở GD&ĐT Hà Nội mới chỉ công bố thông tin: “Năm học 2024 - 2025 đơn vị sẽ tiếp tục tuyển sinh theo phương thức thi tuyển”. Tuy nhiên, thi tuyển 3 hay 4 môn, thời điểm này học sinh vẫn chưa được biết.
Trong khi đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm thu hút để tuyển chọn được những học sinh giỏi, nâng cao chất lượng tuyển sinh vào các trường THPT.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ chuẩn bị phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025 - 2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình GDPT 2018.
Nhiều năm nay, Hà Nội chủ trương sẽ thi tuyển 4 môn, trong đó 3 môn chốt từ đầu gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn bất kỳ trong các môn còn lại sẽ được công bố sát kỳ thi. Phương án này nhằm để học sinh học đều tất cả các môn.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và ý kiến của giáo viên, học sinh, rằng việc thi môn thứ 4 gây áp lực “không đáng có” cho học sinh. Bởi lẽ, môn thi thứ 4 công bố sát kỳ thi, trong quá trình đó, ngoài 3 môn “cứng”, học sinh sẽ phải ôn luyện tất cả các môn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục Công dân, Địa lý.
Lịch học thêm của học sinh bậc THCS vì đó mà cũng kín mít, kể cả cuối tuần. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023-2024, Hà Nội đã buộc phải lấy ý kiến giáo viên về phương án thi và cuối cùng đi đến quyết định tổ chức thi 3 môn, bỏ thi môn thứ 4.
Tháng 8/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong quý IV/2023 sẽ công bố phương án thi mới. Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh phương án thi để làm sao không gây bất ngờ, không gây sốc đối với thí sinh, phụ huynh thí sinh nhằm phù hợp với lứa học sinh chưa trải nghiệm đầy đủ toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đến thời điểm này, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (với học sinh hiện đang học lớp 11) cũng chưa được Bộ GD&ĐT công bố trong khi chỉ còn 1 năm nữa lứa học sinh đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thi tốt nghiệp.
Báo cáo quá trình xây dựng dự thảo phương án thi Tốt nghiệp từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT mới đây cho thấy, phương án thi dự kiến đã nhận được sự đồng thuận cao về mục đích kỳ thi, hình thức môn thi, lộ trình triển khai, số lượng môn thi tự chọn.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến phân tán về số lượng môn thi bắt buộc vì nếu tăng số lượng môn thi bắt buộc sẽ làm tăng áp lực thi cử, dễ gây nên việc chọn khối khoa học xã hội (KHXH) nhiều hơn so với khoa học tự nhiên (KHTN). Điều đó, sẽ ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của học sinh cũng như phân công giáo viên trong quá trình giảng dạy tại nhà trường, môn thừa, môn thiếu.
Kết quả khảo sát, lấy ý kiến giáo viên trên toàn quốc về phương án thi được Bộ GD&ĐT thống kê cho thấy có tới 73,6% số chọn thi 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn chiếm hơn 73,6%; nhiều hơn 4 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn (chỉ có hơn 26%).
Trong quá trình đánh giá tác động, nhiều chuyên gia, địa phương còn đề xuất thêm phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm khác nhau, gây tranh cãi. Do đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục xin ý kiến về số lượng môn thi phù hợp để sớm trình các cấp có thẩm quyền.
Học sinh vẫn phải chờ
Cô Đặng Thị Ngọc Huệ, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, ngay từ khi học sinh học lớp 10 chương trình giáo dục phổ thông mới, cô trò đã rất mong chờ hình hài phương án thi Tốt nghiệp THPT mới. Thực tế, học sinh vẫn “thi gì, học nấy” nên khi chưa có phương án thi sẽ có sự hoang mang, lo lắng.
Trên lớp, thầy cô vẫn động viên học sinh, nắm chắc kiến thức theo chương trình, phương án nào cũng có thể thực hiện tốt. “Tuy nhiên, nhiều năm qua cho thấy, thi tốt nghiệp THPT có sự khác biệt so với đề thi đánh giá năng lực của các trường ĐH. Do đó, bộ cần có sự chuẩn bị dài hơi, công bố sớm để học sinh yên tâm học tập, có định hướng thi cử”, cô Huệ nói.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho rằng, cơ quan quản lý là Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã khảo sát lấy ý kiến giáo viên, học sinh về phương án thi mới. Qua đó, kết quả khảo sát, thể hiện rõ nhất mong muốn của người dạy và người học về phương án thi mới.
Lý giải về việc chưa chốt phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), phương án thi mới sẽ ảnh hưởng đến vấn đề dạy và học ở các trường phổ thông, do đó Bộ GD&ĐT xây dựng, triển khai lấy ý kiến chuyên gia, nhà giáo ở 63 tỉnh/thành phố từng bước cẩn trọng.
Đối với kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Thanh Xuân cho rằng, phương án thi 3 hay 4 môn như hiện nay đang lệch pha với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hà Nội công bố môn thi thứ 4 là môn gì cũng không phù hợp với đại đa số học sinh bởi lẽ khi lên lớp 10 THPT, học sinh sẽ học bắt buộc 4 môn và số còn lại là các môn tự chọn.
“Như vậy, trong kỳ thi năm tới 2024-2025, Hà Nội nên chốt 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn. Khi đó, học sinh có thể đăng ký môn thi thứ 4 là môn bất kỳ phù hợp với năng lực, sở trường. Cách làm như vậy sẽ giảm áp lực cho học sinh và phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018”, hiệu trưởng này nói.