Tuyển sinh lớp 10: Cân nhắc chiến thuật chọn trường
Cuối tháng 2, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp và môn thi thứ 3 trong kì thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026. Năm đầu tiên học sinh tốt nghiệp THCS dự thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới nên học sinh, phụ huynh đều hoang mang.
Phụ huynh, thí sinh rơi vào cảnh "chơi xổ số"
Chia sẻ với phóng viên, em N.N.H , học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, từ sau ngày 14/2, học sinh khối 9 của trường không học buổi chiều. Chưa quen với việc tự học trong khi chỉ thời gian ngắn nữa là kì thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra, H lo lắng vì kế hoạch học tập bị đảo lộn. “Học sinh ở Hà Nội chưa biết môn thi thứ 3, các buổi chiều không được sự hỗ trợ, ôn tập của thầy cô, em cảm thấy mông lung, mất phương hướng”, H nói.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Ngày hội tự tin vào lớp 10 Ảnh: DANH KHANG
Anh Nguyễn Ngọc Hưng (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 9 chia sẻ, hiện các con phải học nhiều môn để đảm bảo kiến thức toàn diện. Chương trình giáo dục luôn được Bộ GD&ĐT khẳng định giảm tải, lẽ ra học sinh học xong THCS sẽ phải có chỗ vào lớp 10, không nhất thiết phải căng thẳng như những năm qua. Năm nào thi vào lớp 10 phụ huynh, thí sinh cũng căng như dây đàn, lo đến mất ăn mất ngủ, có thí sinh không trúng tuyển đã nghĩ quẩn. Những chuyện đau lòng như vậy, bao giờ mới chấm dứt. “Tôi mong những gì liên quan đến thi cử được quyết sớm để thí sinh, nhà trường đỡ khổ. Một kì thi vốn đã căng thẳng mà thay đổi liên tục khiến nhiều gia đình có con học lớp 9 thấy mệt mỏi vô cùng”, anh Hưng nói.
Những thay đổi ngay trước kì thi tuyển sinh lớp 10, khiến không ít phụ huynh, học sinh bối rối. Bởi thực tế, kế hoạch đào tạo, giảng dạy được nhà trường thiết kế xây dựng từ đầu năm học. Hết học kì I, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 về dạy thêm học thêm, Thông tư 30 về tuyển sinh THCS, THPT với nhiều điểm mới đã phá vỡ những dự định trước đó của nhà trường, phụ huynh đối với học sinh. Không những thế, việc chậm công bố môn thi thứ ba cũng tạo thêm áp lực.
Có phụ huynh cho rằng, việc tuyển sinh vào lớp 10 hiện đang như chơi xổ số. Chẳng hạn năm ngoái, Trường THPT Đoàn Kết Hai Bà Trưng (Hà Nội), một trường được đánh giá chất lượng đào tạo tốt, giảm điểm chuẩn "sốc", trong khi một số trường chất lượng đào tạo trung bình điểm chuẩn cao, khiến nhiều phụ huynh ngã ngửa. Điều này rất khó cho phụ huynh định hướng lựa chọn nguyện vọng cho các con.
Ông Nghiêm Văn Bình , Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lí thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, năm nay, như những năm trước, học sinh lớp 9 của Hà Nội có 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Trong đó nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định. Nguyện vọng 3 đăng kí trong một khu vực tuyển sinh bất kì của 12 khu vực tuyển sinh tại Hà Nội. Như mọi năm, thành phố Hà Nội được chia làm 12 khu vực tuyển sinh.
Về cách tính điểm chuẩn lớp 10 của kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, thực hiện Thông tư số 30 , dự kiến Hà Nội sẽ không nhân hệ số 2 với các môn thi Toán, Ngữ văn như các năm trước. Vì thế, tổng điểm chuẩn có thể sẽ hạ so với các năm trước, nhưng không có nghĩa đề thi khó hơn hay kết quả thi sẽ giảm mà do thay đổi cách tính điểm.
Cần chọn trường phù hợp
Ông Bình chia sẻ, khi đăng kí các nguyện vọng, học sinh cần cân nhắc không đăng kí nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 với trường có sức hút tương tự nhau (thể hiện ở số lượng đăng kí, điểm chuẩn những năm gần đây), nên cân nhắc kĩ khi sắp xếp nguyện vọng bởi khi đã đỗ nguyện vọng 1, sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2, 3. Thí sinh không có cơ hội điều chỉnh nguyện vọng khi đã hết hạn đăng kí.
Ông Lưu Văn Thông , Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, thí sinh có thể lượng được năng lực của bản thân dựa vào điểm chuẩn các năm ở trường có nguyện vọng thi tuyển. Từ đó, có kế hoạch ôn tập, làm các bài kiểm tra, các bài thi thử để đối chiếu. “Ví dụ điểm trung bình trong các bài kiểm tra, thi thử chỉ đạt 6 - 7 thì nên cân nhắc đăng kí vào trường thường có điểm thi trung bình 8 - 9 điểm/môn”, ông Thông nhắn nhủ.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An chia sẻ, việc chọn trường quan trọng nhất là phải có chiến thuật. Đầu tiên là phải đặt mục tiêu đạt điểm từng môn và đặt mục tiêu theo từng giai đoạn. Theo bà Nhiếp, sự phù hợp ở đây thể hiện qua vị trí, khoảng cách đi lại; phù hợp với năng lực của học sinh; phù hợp với nguyện vọng sau này muốn học đại học. Bà Nhiếp ví dụ, nếu học sinh muốn theo học đại học những trường yêu cầu các môn Toán, Lí, Hóa cần tìm hiểu kĩ trường muốn theo học tổ chức dạy nhiều tổ hợp liên quan đến các môn này. “Một trường mà con rất thích nhưng không dạy nhiều về Lí, Hóa, không phù hợp với việc đi du học hay các trường đại học tuyển sinh sau này. Vậy cần lưu ý tìm hiểu kĩ, vì lên THPT, học sinh được lựa chọn môn học.Tránh tình trạng đỗ rồi mới thấy “chơi vơi”, bà Nhiếp khuyên. Theo bà Nhiếp, việc chọn trường "tốt" không quan trọng bằng trường phù hợp.
Toàn TP Hà Nội năm nay có khoảng hơn 100.000 học sinh đang học lớp 9. Như mọi năm, khoảng hơn 60% trong số này sẽ được tuyển vào trường THPT công lập, còn lại được tuyển vào các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.