Tuyển sinh 2021: Thí sinh không muốn “trượt oan” thì ghi nhớ ngay các lưu ý này

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

Các trường ĐH đã tự chủ nên có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường trước khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH để tránh trượt oan.

Đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, phó trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội khuyên thí sinh phải dành thời gian đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học (đăng trên web trường) tránh việc đăng ký nguyện vọng theo số đông mà mình không đủ điều kiện để tránh trượt oan do thiếu thông tin.

Ví dụ, năm 2019, 2020 có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng không để ý tiêu chí phụ là điểm học bạ nên trượt nguyện vọng 1 một cách vô cùng đáng tiếc.

“Các em phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường để tránh sai sót không đáng có. Với những thí sinh quan tâm đến chỉ tiêu và điều kiện tuyển thẳng, tôi khuyên những bạn có giải nhì học sinh giỏi quốc gia vẫn nên tham gia và thi thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT vì đôi khi đây là tiêu chí phụ quan trọng để bạn chiếm ưu thế so với những thí sinh cùng giải nhì với bạn khi số thí sinh đăng ký tuyển thẳng quá đông”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói.

Tuyển sinh 2021: Thí sinh không muốn “trượt oan” thì ghi nhớ ngay các lưu ý này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ghi nhớ nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống

TS Nguyễn Đào Tùng - Phó giám đốc Học viện Tài chính cho biết nguyên tắc tuyển sinh của các trường là lấy điểm từ cao xuống thấp. Những học sinh có ba năm học sinh giỏi, có giải quốc gia, quốc tế đều được ưu tiên xét trước.

“Học viện Tài chính có quy định, học sinh trường chuyên chỉ cần 8.0 điểm ba môn là được đăng ký xét tuyển trước. Nhưng với học sinh trường không thuộc khối trường chuyên thì phải được 9.0 cả ba môn xét tuyển”, TS Nguyễn Đào Tùng nói.

Chú ý các điều kiện phụ để trúng tuyển

Mùa tuyển sinh 2020 vừa qua, hàng chục thí sinh đỗ theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, đã nhập học vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng bất ngờ nhận thông báo không đủ điều kiện trúng tuyển.

Lý giải về tình trạng này, TS. Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng không đủ điểm học bạ. Tình trạng này không chỉ xuất hiện trong năm 2020 mà cả những năm trước.

TS. Trần Trung Kiên khuyên thí sinh phải chú ý đọc kỹ điều kiện tuyển sinh của nhà trường để tránh những điều đáng tiếc. Không chỉ Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều trường khác cũng có thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng trượt vì học bạ. Nguyên nhân xuất phát từ việc thí sinh không đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường.

Nói về học phí ngành công nghệ thông tin tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Trần Trung Kiên thông tin mức học phí 20-24 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn, chương trình tiên tiến học phí gấp 1,5 lần.

Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin có hai ngành khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo học phí lên tới 50 triệu đồng/năm.

Chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng

Về công tác tuyển sinh 2021, bà Hoàng Thúy Nga - Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết hiện nay các trường ĐH đã tự chủ nên có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

“Thí sinh lưu ý việc chỉ được trúng duy nhất một nguyện vọng. Do đó học sinh cần sắp xếp nguyện vọng cao nhất lên đầu và các nguyện vọng tiếp theo theo thứ tự.

Học sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất bằng giấy và trực tuyến trên hệ thống.

Thí sinh phải có số điện thoại đăng ký trên hệ thống mới được điều chỉnh nguyện vọng.

Mọi thông tin phải hoàn toàn chính xác. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các em trúng tuyển sẽ nhận phiếu chứng nhận kết quả thi.

Nếu học sinh xác nhận phiếu này, các trường này sẽ xác nhận giấy này lên hệ thống, học sinh sẽ không thể đăng ký trường khác nữa”, bà Hoàng Thúy Nga lưu ý thí sinh.


Chia sẻ