"Tuyên ngôn" vàng của những nàng dâu hiện đại

Hoa Ti-gôn,
Chia sẻ

Nhiều nàng dâu thời nay chấp nhận bị chê trách là "dâu Tây" vì dám sống với những "tuyên ngôn" có phần đi ngược lại thói quen, lề lối cũ.

Mọi người trong công ty ai cũng thắc mắc bởi Châu (Hoàng Mai, Hà Nội) dù đã có gia đình, chồng con đề huề nhưng lúc nào cô cũng vui tươi phơi phới và đủng đỉnh đi về. Trong khi những chị em khác thì cả ngày quay cuồng với việc nhà, chăm chồng, làm tròn trách nhiệm của nàng dâu với gia đình chồng cũng hết hơi, chẳng còn lúc nào mà ngẩng mặt lên huống chi là được thản nhiên, đàng hoàng như Châu.
 
Ai mới quen thì hỏi Châu: “Chồng em đợt này đi công tác, có 2 mẹ con ở nhà thôi à?”. Các chị em đồng nghiệp thì xúm vào: “Em có bí kíp gì thế? Bật mí đi!”. Cánh đàn ông thấy cô luôn đẹp đẽ, gọn gàng thì ganh tị: “Cũng phải làm vợ, làm mẹ mà sao so với vợ mình lại khác nhau một trời một vực thế này!”.
 
Châu nghe được lời của mấy gã đàn ông thì chỉ cười. Nhưng chị em nào thân thiết, hỏi han chân tình thì cô cũng chia sẻ thật lòng: “Mình chẳng có bí kíp gì cả, chỉ là sống bằng 'tuyên ngôn' có lẽ hơi khác người thôi. Đối với mình, con cái luôn được ưu tiên xếp số 1, bản thân số 2, số 3 là bố mẹ đẻ rồi mới đến chồng và gia đình chồng!”.
 
Chị em phụ nữ mình xưa nay khi lấy chồng thường coi chồng và gia đình chồng là cả thế giới. Các cụ ngày xưa bảo, con gái là con người ta mà. Nhưng giờ, trong khi có nhiều chị em còn chọn độc thân hoặc làm single mom thì lấy chồng là phải được trao đi và nhận lại yêu thương một cách có đi có lại. 

Hà cớ gì các chị em lại luôn tự đặt cho mình bổn phận phải hy sinh vì chồng và gia đình chồng? Sao không nghĩ rằng chồng cũng phải có trách nhiệm yêu thương và chăm sóc vợ? Các chị em nên nghĩ, lấy chồng là để được hạnh phúc, nếu không mình lập gia đình để làm gì?” - Châu biện giải.
 
Suy cho cùng, chồng cũng là một người bạn - bạn đời. Còn gia đình chồng có mối liên quan đến mình cũng là vì chồng. Hôn nhân còn khi tình yêu, tình nghĩa còn. Một khi chồng muốn ra đi thì cuộc hôn nhân ấy cũng tan theo mây khói, vợ chồng, nhà chồng bỗng chốc cũng trở thành người xa lạ. Nếu hy sinh quên mình thì một khi hôn nhân có ‘biến’, người phụ nữ sẽ chỉ còn lại bàn tay trắng! Mà bản thân mình thì vẫn phải sống và làm việc, nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ!”.
 
Chồng yêu mình là có điều kiện, bố mẹ chồng thì lại càng đòi hỏi điều kiện cao hơn nữa. Chỉ có con cái và cha mẹ là cả đời không rời bỏ và luôn yêu thương mình vô điều kiện. Vậy sao chị em mình lại bỏ quên những điều đó mà đi móc gan ruột cho những thứ có tính mạo hiểm và nguy cơ rủi ro hơn rất nhiều, đó là chồng và gia đình chồng!” – Châu dùng cách nói đậm mùi… doanh nhân.
 
Cuối cùng, Châu kết luận: “Không biết có phải do cách sống của mình không mà chồng mình rất quấn vợ và nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò của người đàn ông, người chồng trong gia đình. Những trách nhiệm cơ bản của người vợ, vai trò của người phụ nữ trong gia đình mình vẫn làm tròn, chả có lí gì chồng trách được mình. Còn nếu chồng đòi hỏi một người vợ bằng trâu ngựa thì đó lại không phải mẫu đàn ông của mình và mình không bao giờ cưới một người như vậy!”.
 

"Đối với mình, con cái luôn được ưu tiên xếp số 1, bản thân số 2, số 3 là bố mẹ đẻ rồi mới đến chồng và gia đình chồng!”.

Chị Thủy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn bị mẹ chồng kêu ca là “nàng dâu Tây”. Lí do cũng bởi chị có lối sống hiện đại, tự tin và độc lập, không nai lưng ra làm phục vụ chồng và nhà chồng. Thủy cũng không nhẫn nhịn chịu đựng những vô lý quá đáng của mẹ chồng, không khúm núm đội chồng lên đầu như mong muốn của mẹ chồng.

Nhưng chị cũng không phiền lòng lắm với lời nhận xét của bà. Phận là dâu con, chị vẫn làm tròn bổn phận của mình với ông bà để không phải cảm thấy áy náy là được. Mẹ chồng chị nổi tiếng phong kiến và ghê gớm, chị có cố đến mấy cũng chẳng thể làm hài lòng bà.

Vấn đề mấu chốt là cuộc sống của mình còn rất nhiều vấn đề cần lo và phải làm, chứ mình không sống chỉ để đi lấy lòng mẹ chồng và đợi nhận được lời khen của bà. Mình còn phải làm việc để lo cho con cái, cho bản thân và báo đáp công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ bao năm chứ!” - chị Thủy nói.

Chị còn "tuyên ngôn" rất hùng hồn: “Đối với mình, 2 con là tài sản quý giá nhất và sẽ luôn được ưu tiên hàng đầu. Tiếp đến là bản thân mình, có chăm lo cho cho mình tốt mới có sức khỏe, có tinh thần để làm việc nuôi con và báo đáp công ơn bố mẹ. Rồi tới bố mẹ đẻ - người đã sinh thành, nuôi nấng và yêu thương mình vô điều kiện. Chồng và nhà chồng xếp cuối đi. Bao năm qua mình vẫn sống thế và thực sự thoải mái, vui vẻ với cuộc sống như vậy!”.

Chị Thủy chia sẻ rất thật lòng: “Mình không gồng mình lên để chỉ được khen là nàng dâu hiền, dâu đảm. Cái hư danh đó chẳng giúp mình sống hạnh phúc hơn, lo cho con cái cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn đối với chồng, cứ không phải nhẫn nhịn hy sinh là sẽ được các ông ấy quý trọng. Đời phàm là những thứ có sẵn và dễ dàng đạt được thì người ta sẽ coi nhẹ và cho nó là hiển nhiên. Đã có nhiều các chị em dốc gan dốc ruột vì chồng và nhà chồng nhưng cuối cùng cái nhận lại được cũng chỉ là cay đắng mà thôi. Câu nói ‘Gái có công chồng chẳng phụ’ xưa rồi.

Với lại, cuộc sống ngắn ngủi lắm, phải chịu khổ đến bao giờ để cuối cùng các ông ấy mới nhận ra công lao và tấm lòng của vợ? Trong lúc ấy, những điều đáng lẽ mình cần phải quan tâm là con cái và bố mẹ thì vì chỉ chăm chăm vào chồng mà xao lãng, có khi bỏ quên hẳn. Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, mình không thích chờ đợi để được yêu thương và hối hận vì đã không đủ yêu thương cho những người xứng đáng…
”.

Có lẽ vì thế mà chồng chị Thủy rất tôn trọng vợ. Anh cũng luôn hiểu rõ một điều, vợ có thể hy sinh vì mình nhưng tình yêu của vợ không phải là thứ có sẵn và mãi mãi để anh thoải mái hưởng thụ vô điều kiện...



Chia sẻ