Tương tư bánh pía Sóc Trăng
Về Sóc Trăng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng đất Tây Nam Bộ mà còn được thưởng thức những chiếc bánh pía thơm ngon, một đặc sản của Sóc Trăng nói riêng và miền Nam nói chung.
Theo lời kể lại, bánh pía đã xuất hiện tại Sóc Trăng từ thế kỉ 17. Bánh pía khi đó là lương thực để ăn dọc đường, theo chân người Hán di cư đến phương Nam. Chữ "pía" phiên âm trong tiếng Tiều có nghĩ là nướng. Tuy bánh pía có mặt ở khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ nhưng không đâu bánh pía được ngon như vùng Sóc Trăng. Trước kia, chiếc bánh pía khá đơn giản với vỏ ngoài làm bằng bột mì, nhiều lớp, da mỏng bao lấy phần nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo. Qua thời gian, chiếc bánh dần được hoàn thiện về nguyên liệu nên ngày nay, bánh pía có thể được làm từ nhiều hương vị khác nhau như sầu riêng, khoai môn; vị mặn và chút béo ngậy của trứng muối.
Với nhiều người, chiếc bánh pía gây ấn tượng đặc biệt nhất là ở lớp vỏ bánh nên làm vỏ cũng là công đoạn cầu kì nhất trong quá trình làm bánh Vỏ bánh làm từ nước, dầu ăn, đường, bột mì nhào trộn, sau đó cán mỏng và cuộn tròn nhiều lần. Những khối bột dẻo dai mịn màng dần thành hình, tạo ra những lớp vỏ xếp mỏng tang, ôm lấy phần nhân béo ngậy bên trong.
Đậu xanh làm nhân bánh được đem ngâm, chà vỏ rồi hấp chín, xay bột, ngào với đường và mỡ. Sầu riêng tươi tách nhân, xay nhuyễn, tạo thành hỗn hợp sệt cho công đoạn làm nhân. Vỏ bánh pía Sóc Trăng mềm dẻo, mịn màng chứ không khô cứng. Nhân bánh có vị ngọt ngậy của sầu riêng, vị bùi của đậu xanh, vị mặn mà của lòng đỏ trứng muối, tạo nên hương vị vô cùng khó quên, kích thích vị giác của người thưởng thức.
Công đoạn gói bánh cũng đòi hỏi những người thợ có tay nghề cao. Tùy từng loại bánh mà người ta sẽ đặt nhân lần lượt lên vỏ bánh. Một lớp đậu xanh, một lớp sầu riêng, sau đó đặt lòng đỏ trứng muối vừa vặn vào trong cùng, vo kín bột, tạo hình chiếc bánh. Trên mỗi chiếc bánh pía đều có một dấu đỏ mang tên riêng của hiệu sản xuất như một cách quảng cáo rất khéo cho thương hiệu.
Bánh pía được phết thêm một lớp lòng đỏ để sau khi nướng, bánh thành phẩm có màu vàng ngậy, mềm xốp, các lớp bánh gắn kết mà vẫn có thể bóc tách dễ dàng.
Ăn bánh pía phải uống trà mới đúng điệu. Cắn một miếng bánh, hớp một ngụm trà, độ ngọt của bánh hòa cùng vị đắng của trà tan ra nơi đầu lưỡi tạo dư vị ngọt ngào thanh tao. thú ẩm thực này đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của văn hóa Sóc Trăng nói riêng và của người Tây Nam Bộ nói chung. Bao tinh hoa của nghệ thuật làm bánh công phu của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khơme đều thấm đẫm trong hương vị khó quên của chiếc bánh pía.