Tuổi 30, bạn có thể thành công hoặc thất bại, nhưng hãy mạnh mẽ để 10 năm sau nhìn lại thấy mình đã sống thật hạnh phúc!

Minh Đức,
Chia sẻ

"10 năm sau, liệu bạn có hạnh phúc không? Có đang nắm giữ những điều quan trọng và tuyệt vời nhất không? Nếu như bạn trở thành người đã hoàn thành mọi thứ theo cách tốt nhất, tôi sẽ rất vui vì các bạn. Xin hãy là người mạnh mẽ và giữ chặt mọi thứ quý giá trong tay mình".

Bạn đã từng xem bộ phim “13 hóa 30” chưa? 

Câu chuyện kể một cô gái trẻ, ở tuổi 13 nhưng chỉ ước mình 30 tuổi thật nhanh để hưởng trọn những niềm hạnh phúc của cuộc sống. Phép màu đã xảy ra, và ở tuổi 30, cô gái có gì? Một công việc tốt, căn hộ đẹp giữa trung tâm phố lớn, chàng người yêu điển trai. Tiền tài, danh vọng, sắc vóc… tất cả mọi thứ đều không thiếu. 

Nhưng như một motif phim điển hình, cô không có hạnh phúc với những thứ như vậy. Những giả định về tuổi 30 luôn khiến chúng ta phấn khích. Tuổi 30 là một bước ngoặt lớn, từ một người trẻ tuổi chuyển dần sang cuộc sống của một người trưởng thành. Chúng ta tự hỏi liệu lúc đó đã mua được nhà chưa, có xe hơi chưa, công việc liệu đã ổn định chưa. Ít ai tự hỏi rằng: "Ở tuổi 30, liệu chúng ta có hạnh phúc không?"

Và nếu câu hỏi đó chúng ta gửi tới chính mình khi mới 20 tuổi, sẽ là "10 năm sau, liệu bạn có hạnh phúc không?"

“Bầu trời tình yêu” năm nào cũng đã cướp Hiro - nhân vật chính do Haruma Miura thủ vai, khỏi Yui và số phận giờ cũng đã cướp Haruma khỏi thế giới này. Lá thư anh viết vào năm 20 tuổi không liên quan gì tới sự ra đi của Haruma ở tuổi 30 nhưng cũng khiến không ít người chạnh lòng khi đọc lại và liên tục tự hỏi: Liệu Haruma Miura có hạnh phúc không? 

"10 năm sau, liệu bạn có hạnh phúc không? Có đang nắm giữ những điều quan trọng và tuyệt vời nhất không? Nếu như bạn trở thành người đã hoàn thành mọi thứ theo cách tốt nhất, tôi sẽ rất vui vì các bạn. Xin hãy là người mạnh mẽ và giữ chặt mọi thứ quý giá trong tay mình".

Tuổi 30 và áp lực thành công

Ngưỡng tuổi 30 như một cục nam châm hút người trẻ lại gần, có những người hăm hở chạy lại, đôi người khác chỉ muốn đẩy xa ra. Tuổi 30 gắn với nhiều những khuôn mẫu đè nặng lên vai người trẻ: Phải thành công, phải dần ổn định, có được một cuộc sống đầy đủ vật chất. Khuôn mẫu thành công ấy có thể thành động lực để nhiều cố gắng trong sự nghiệp nhưng bằng một cách nào đó cũng khiến nhiều người trẻ sợ hãi, lo lắng. 30 không còn là ngưỡng tuổi trẻ của mơ mộng; cái lằn ranh trưởng thành thực sự ấy khiến nhiều người hoang mang. Ở tuổi 22, khi ai đó than thở rằng họ đã "trưởng thành" rồi mà vẫn chưa có công việc, nó vẫn chỉ là lời nói không thực sự mang nặng trách nhiệm. Nhưng chỉ cần bước vào tuổi 30, bạn sẽ thấy điều đó không còn là một trò đùa.

Cuộc chạy đua tới tuổi 30 là cuộc đua bòn rút nhiều sức lực và tinh thần nhất của người trẻ. Thế giới rao giảng về việc "bạn cần phải làm gì trước tuổi 30", "có trong tay những gì trước tuổi 30". Nhiều người vẫn nói rằng: "Trước 30 tuổi không phải thời gian để nghĩ về hạnh phúc cá nhân hay mơ mộng, đó là quãng còn trẻ khỏe để nỗ lực hết mình và lao về phía trước". Nhân gian còn dài rộng mà sao 30 đã như điểm cuối cuộc đời là sao vậy?

Áp lực về cuộc sống, thành công thường rơi vào người trẻ trước tuổi 30. Những năm gần đây, báo chí thế giới thường rúng động bởi câu chuyện người trẻ tự tử, đều ở độ tuổi từ 20-30. Nhiều người tự hỏi rằng ở đỉnh cao danh vọng, sự nghiệp và tài năng đều có, tại sao họ lại chọn tự tử?

Danh vọng, sự nghiệp là một thang đo của xã hội vật chất nhưng con người luôn có một thế giới tinh thần để nương náu, thành công không đồng nghĩa với hạnh phúc. Và cuộc sống này, người ta đâu có biết đủ với thành công? Họ luôn kỳ vọng thành công hơn nữa, mong đợi hơn nữa ở người khác - còn hạnh phúc là thứ búi xùi, đặt dưới tất cả những giá trị vật chất trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta co rụt với thành công của bản thân, mệt mỏi với sự cố gắng mịt mù nhưng vẫn tiếp tục kỳ vọng, cổ xúy người khác "phải nỗ lực hơn nữa", "cố gắng lên rồi sẽ thành công". Một vòng luẩn quẩn là đấy.

Khủng hoảng tuổi 30 đã trở thành một điều được ghi nhận trong cuộc sống hiện đại. Thứ khủng hoảng hiện sinh ấy khiến chúng ta trăn trở, đi chênh vênh giữa hai lằn ranh: Một bên là nỗ lực để có được thành công vật chất, một bên đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Nghiêng về bên nào là lựa chọn của mỗi người. Nhưng đáng tiếc, nhiều người trẻ đã để cuộc đời ngã nhào xuống áp lực và sự kiệt quệ khi chọn con đường theo giá trị của thành công được áp đặt bởi xã hội.

Tìm gì giữa tuổi 30?

Những dòng thư tay của Haruma có lẽ là điều nhiều người cần phải hỏi chính mình và đi tìm trong cuộc sống. "10 năm sau, liệu bạn có hạnh phúc không?"

Ở tuổi 30, thay vì hỏi bản thân đã tích lũy đủ chưa, đã thỏa mãn được sự dòm ngó về vật chất của xã hội chưa, hãy tự hỏi bản thân và hỏi nhau xem liệu mình đã hạnh phúc hay chưa? Không có sự lựa chọn nào là sai, dù bạn chọn theo đuổi một công việc áp lực hay chọn cuộc sống nông nhàn. Tuổi 30 dĩ nhiên cũng không phải một cái đích cho hạnh phúc - hạnh phúc vốn dĩ không bao giờ là một cái đích để theo đuổi, nó được nảy sinh từ những điều bạn làm mỗi ngày. Tôi thích câu nói: "Nếu bạn không thấy hạnh phúc trong hiện tại, bạn cũng không bao giờ thấy hạnh phúc trong tương lai". Nhưng ở ngưỡng chuyển giao quan trọng với nhiều người này, bạn cũng thử soi chiếu bản thân xem mình có đang hạnh phúc với những điều mình làm, người mình yêu, công việc hiện tại và mọi thứ đang diễn ra?

Giữa tháng năm tuổi 30, chúng ta hãy tự hỏi bản thân xem cuộc sống đã đủ cân bằng? Trái đất tồn tại được là do sự đối trọng về lực vô cùng tinh tế. Con người tồn tại được vì biết đủ, biết tìm điểm cân bằng trong cuộc sống. Bạn không nhất thiết phải bỏ phố về quê để tìm hạnh phúc giản dị hay bỏ công việc nghìn đô để bắt đầu một công ty khởi nghiệp nho nhỏ nếu thấy chưa sẵn sàng. Sự cân bằng dạy người ta biết tìm điểm giao, nếu coi thành công vật chất và tinh thần khỏe mạnh không nằm trên một đường thẳng. Sự cân bằng trong cuộc sống dạy người ta biết hết mình vì công việc để mỗi buổi tối có thể thả mình trong yên tĩnh, chăm sóc một góc vườn nhỏ hay để tâm trí nghỉ ngơi. Tuổi 30, cần nhiều hơn cái tĩnh bên cạnh xáo động đời thường.

"Nếu như bạn trở thành người đã hoàn thành mọi thứ theo cách tốt nhất, tôi sẽ rất vui vì các bạn. Xin hãy là người mạnh mẽ và giữ chặt mọi thứ quý giá trong tay mình".

Dù ai có cố gắng giải thích như thế nào, với tôi, cuộc sống vẫn là thứ quý giá nhất trong tay mình - dù đôi khi mình để tuột nó khỏi sự kiểm soát. Ở tuổi 30, ai đó có thể thành công, ai đó sẽ thất bại. Có người đã vươn lên được những nấc thang cao trong xã hội nhưng có người vẫn chới với loay hoay ngước nhìn lên. Chúng ta cần lắm sự mạnh mẽ, tỉnh táo và chấp nhận ở tuổi 30 khi đó là giai đoạn mọi thứ có thể diễn ra theo hướng xấu nhất. 

Xin hãy là người mạnh mẽ vì đôi khi cuộc sống sẽ dập dềnh.

Xin hãy giữ chặt cuộc sống trong tay vì chúng ta không có thể ấn nút "restart" và chơi lại. 

Xin hãy trân trọng những gì mình đang có vì biết đâu một mai thức dậy, mọi thứ đã không còn ở đó nữa.

 - Ảnh 3.

Nếu bạn đã ở ngưỡng tuổi 30 mà không thấy cuộc đời trọn vẹn, hay cảm thấy mình đứng giữa bờ vực của những bóng tối thăm thẳm - đừng bỏ cuộc. Bạn có thể không giàu có, thành công ngay ngày mai nhưng sẽ tìm được những tia sáng khi biết rằng: Hạnh phúc luôn đi song hành với hiện tại và mình đang có những cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình. Nuôi dưỡng thật nhiều những ý niệm lạc quan và tích cực mới là điều cần nhất giữa thế giới bộn bề này.

Nếu bạn chưa chạm tới ngưỡng 30, hãy nhớ rằng 30 chỉ là một trạm trung chuyển trong cuộc đời và còn rất nhiều ga khác đang chờ đợi bạn. Thái độ của chúng ta ở tuổi 30 được quyết định bởi suy nghĩ, hành động ở những năm tháng 20s. Nếu bạn vẫn đang lao tới tuổi 30s như một chiếc máy, hãy thử ngoái đầu lại xem có bỏ quên điều gì? Đừng để sau này khi nhìn lại lá thư gửi năm 30 tuổi, chỉ thấy nghèn nghẹn khi biết mình đã không hạnh phúc như những gì từng kỳ vọng.

Dù mục tiêu trong cuộc sống của bạn là gì, hãy sống thế nào để 10 năm sau, và cả cuộc đời về sau nữa, chắc chắn chúng ta vẫn sẽ hạnh phúc. Hứa đi?

Chia sẻ