Tuổi 20 của cô gái bị kẻ nghi nhiễm HIV chích kim vào ngực
Bệnh viện Thủ Đức. Khoa nội. Phòng bệnh nặng. Một cô gái nằm li bì trên giường. Mặt sưng to. Những nốt xuất huyết dưới da lấm tấm, to nhỏ khắp người. Một mắt vừa tháo băng, nhưng không nhìn thấy gì.
Sau sáu năm làm trụ cột gia đình, nay Liên nằm bất động. Mẹ bươn bả từ Quảng Ngãi vào chăm sóc con gái tại phòng bệnh nặng, khoa nội - Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) sáng 24-11 - Ảnh: TỰ TRUNG
Mắt bên cạnh chỉ nhìn được lờ mờ. Cả người phù nề nhưng chân thì teo nhỏ. Thi thoảng, một giọt nước mắt lăn xuống thái dương. Đầu giường cô, phiếu điều trị ghi hàng loạt triệu chứng: xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm màng bồ đào, viêm dạ dày, tiểu đường...
Cô em gái ngồi bên cạnh, vùi đầu vào cuốn giáo trình toán cao cấp năm thứ nhất đại học. Chốc chốc nghe chị u ơ, cô lại vuốt lưng, vuốt ngực, dỗ: “Chị Hai ngồi lên chút nghen. Ráng ngồi lên cho dễ thở...”.
Tai họa từ kẻ lạ
Cô gái ấy tên Nguyễn Thị Kim Liên. Cách nay chỉ vài tháng, cô còn là một công nhân tươi trẻ, năng động ở Khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM, và đây không phải lần đầu tên cô được nhắc đến trên báo chí.
Lật lại tư liệu: tháng 12-2015 - Khu công nghệ cao quận 9. Chín nữ công nhân trẻ trên đường đi làm bị một kẻ lạ mặt nghi nhiễm HIV chích kim tiêm vào ngực ngay ở đường nội bộ gần cổng công ty. Sự việc gây xôn xao một thời gian rồi lắng xuống.
Các cô công nhân sau những ngày hoảng hốt, lo lắng, uống thuốc phơi nhiễm rồi cũng đi làm, vui tươi trở lại. Dư luận mau chóng quên đi vì những sự kiện nóng bỏng khác, và vì không có chuyện tương tự xảy ra nữa.
Cô gái đầu tiên phát hiện mình bị kẻ lạ mặt đâm kim vào người trên đường đi làm ấy là Nguyễn Thị Kim Liên. Khi đó cô mới tròn 20 tuổi.
Kim Đoàn, em gái Liên, mở trang Facebook của chị. Như mọi cô gái khác, Facebook Liên tràn ngập những tấm ảnh chụp cô và các bạn gái cùng công ty, cùng dây chuyền làm việc, cùng phòng trọ.
Những cô gái xinh tươi tuổi 20 với bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu ước mơ, dự tính cho tương lai. Nhưng đó là mấy tháng trước. Hôm nay Liên không nói được nữa, nghe mọi người hỏi han, cô chỉ nằm im lặng.
Bà Kim Thông, mẹ của Liên, dắt cậu em trai út vào thăm. Người phụ nữ gầy ốm, nhỏ thó cầm cây quạt giấy quạt cho con gái, giọng Quảng Ngãi ngọt dịu: “Mau khỏe rồi về. Chi mà cực dữ bay...”.
Bà gượng cười, kể cho con gái nghe chuyện vừa phải đứng chờ mãi chú xe ôm quen vì không biết đường. Liên vẫn nằm lặng lẽ, bất động. Bà nhìn con, quay đi lau nước mắt.
Bằng cách nào đó, Liên đã tìm được một chân làm công nhân dù chưa đủ tuổi. Liên chăm chỉ học hỏi, miệt mài tăng ca, tiết kiệm mọi chi tiêu để có một khoản tiền đều đặn gửi về nhà, giúp mẹ nuôi em.
20 tuổi, Liên đã có năm năm thâm niên, đã đóng được học phí, mua được sách vở, xe đạp cho các em, mua được xe máy cho cha, sửa nhà cho mẹ.
Cô em gái Kim Đoàn thì thầm: “Trước giờ, việc học của em là chị Hai lo”. Đoàn đậu đại học, như là quả ngọt đầu tiên Liên hái được. Em chọn học Trường Sư phạm kỹ thuật để được ở cùng chị, ấy vậy mà năm học mới bắt đầu được vài tháng, Đoàn đã phải bỏ lớp để vào viện chăm chị.
Liên trước khi bị bệnh - Ảnh: TỰ TRUNG
“Bác sĩ nói chị Liên bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, gặp mấy loại thuốc phơi nhiễm có tác dụng ức chế tiểu cầu khiến chị bị tác dụng phụ. Các bệnh chính là tiểu đường, viêm phổi, xuất huyết.
Mấy đợt nằm viện rồi, hai tháng nay chân chị không đi được nữa. Lần cấp cứu mới đây do viêm màng bồ đào, viêm dạ dày, viêm phổi, rồi lại biến chứng...” - Đoàn thay mẹ nói như thuộc lòng về bệnh tình của chị, giọng run run, mắt rưng rưng.
Em tự thay ống truyền dịch cho Liên, nâng dậy, đỡ xuống thành thạo như một nhân viên điều dưỡng. Khi Liên nằm im, Đoàn lại mang sách ra học, làm bài tập.
Bác sĩ Huỳnh Công Giới, người đang trực tiếp điều trị cho Liên, lo lắng: “Bệnh cảnh của Liên rất phức tạp, từ bệnh nền là xuất huyết giảm tiểu cầu mà sinh ra nhiều bệnh khác. Sau khi điều trị viêm màng bồ đào và viêm dạ dày đã đỡ thì bệnh nhân đột ngột bị xuất huyết não, tràn khí màng phổi, không loại trừ lao phổi.
Các loại thuốc thông thường không đáp ứng, chúng tôi vừa đổi sang dùng thuốc đặc trị, ngoài ra ngày nào cũng phải truyền tiểu cầu... Tuổi em còn quá trẻ mà bệnh lại quá nặng, bệnh viện rất quan tâm nhưng khó có thể nói trước điều gì”.
Liên có bảo hiểm công nhân, khi vào viện các bạn đồng nghiệp tổ chức quyên góp giúp đỡ. Liên dự định điều trị đỡ bệnh sẽ lại đi làm, lại tiếp tục làm trụ cột gia đình, lại đi tiếp những dự định, mơ ước.
Thế nhưng bệnh ngày càng nặng, một tháng nay cô không rời được khỏi giường, lại phải mổ, thuốc đặc trị giá lên tới 70 triệu đồng/liều/ngày.
Cha mẹ chạy đôn chạy đáo, bán xe, vay mượn từ ở Quảng Ngãi vào đến TP.HCM để ứng tiền thuốc, tiền phẫu thuật. Hỏi tới chuyện của Liên những ngày này, nước mắt ai cũng chảy dài...
|