Từng xung đột nặng nề với mẹ chồng đến mức không muốn đối mặt nhau, 5 năm sau nàng dâu tìm ra quy luật đơn giản chỉ cần 2 từ
Vậy mà, sau cuộc tranh cãi nảy lửa chồng cô lại yêu cầu vợ phải xin lỗi mẹ với lý lẽ: "Bà bỏ công bỏ việc ra chăm em em còn không biết điều".
Câu chuyện của 5 năm về trước...
Cô lấy anh vì 2 người từng là bạn rất thân, 2 nhà gần nhau, 2 bên gia đình đều quen biết nhau. Tình yêu của họ không có sóng gió lại được phụ huynh ủng hộ. Cô cứ ngỡ mình sẽ có 1 cuộc hôn nhân viên mãn lắm. Nhưng không...
Về làm dâu cô mới thấy người bác quen biết mà cô vẫn yêu quý ngày nào bỗng dưng trở nên khó tính, khó gần, khó ưa trong 1 vị trí mới mang tên mẹ chồng.
Về làm vợ anh cô mới hiểu tại sao người ta nói hôn nhân là mồ chôn tình yêu. Anh không còn chiều chuộng cô nữa, anh không dám đứng ra bảo vệ vợ, thậm chí anh còn bắt cô dù không sai cũng hãy cứ "xin lỗi cho mẹ đỡ buồn".
Mọi thứ vỡ vụn, cảm xúc tan nát theo những kì vọng sụp đổ. Sau khi sinh xong, cô càng thấy mẹ chồng là nhân tố khiến mình mệt mỏi vô cùng.
Bà bắt con dâu phải ăn uống theo ý bà, không cho ra ngoài chơi, chăm sóc cháu nội từng ly từng tý cẩn thận 1 cách thái quá.
Bà ép con trai phải ngủ riêng, bà tách từng người trong gia đình chỉ để đảm bảo giấc ngủ theo tiêu chuẩn của bà.
Bà yêu cầu mọi thành viên không ai được dung túng cho cô ăn vặt, cho cô dùng điện thoại quá 2 tiếng 1 ngày, ăn những món cô yêu thích cho tới khi con bé cai sữa.
Mẹ chồng làm mọi thứ khiến cô hiểu rằng, bà chỉ đang lo cho cháu nội của bà 1 cách độc đoán và gia trưởng.
1 lần "tức nước vỡ bờ", cô gào lên cãi mẹ chồng chỉ vì 1 việc vô cùng nhỏ nhặt. Bà đã nhìn thẳng mặt cô mà quát không chút nể nang hay khách sáo:
"Mày ở nhà chứ mày đi đâu mà phải sợ người ta cười đầu bẩn. Tao bảo cố thêm 2 ngày cho khỏe hẳn đi tao đun bồ kết lá bưởi cho gội, bật cái máy sưởi lên, gái đẻ mà không biết suy nghĩ gì cả", vậy đấy, luôn luôn là mày - tao và lúc nào cũng áp đặt cho người khác.
Vậy mà, sau cuộc tranh cãi nảy lửa chồng cô lại yêu cầu vợ phải xin lỗi mẹ với lý lẽ: "Bà bỏ công bỏ việc ra chăm em em còn không biết điều".
Cứ như vậy họ giống 2 thái cực, chỉ cần nói đến 1 vấn đề là "auto" 2 dòng quan điểm. Bà bảo con dâu láo, hay cãi. Cô lại thấy mẹ chồng nhỏ nhen, chấp vặt.
... câu chuyện của 5 năm sau kể từ ngày ấy
Hôm nay cô thông báo với chồng rằng tuần tới đi công tác sẽ đưa mẹ đi chơi cùng. Không riêng gì chồng cô mà cả gia đình chồng cũng sốc không thốt nên lời. Họ đi với nhau có khác gì mặt trăng - mặt trời cùng xuất hiện.
Lúc đi chợ về có vài người hàng xóm hỏi han, đúng là trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông. Họ thấy lạ vì nay mẹ chồng cô khoe đi du lịch cùng con dâu nên phải mua nhiều thứ để chuẩn bị.
Một chị kéo cô vào quán ngồi hỏi han sao đợt này hòa hợp mẹ chồng thế, cô chỉ cười đáp: "Không biết do bà dễ tính hơn hay do em trưởng thành lên nữa".
Cô phát hiện ra, cô cũng giống như 1 chú chim, khi bị bắt nhốt sẽ khó chịu tìm cách thoát ra. Nhưng sống lâu quen môi trường con chim ấy lại học cách làm cho mình trở nên nổi bật, thu hút người khác. Cũng có thể nói đó là sự trưởng thành, vượt qua chính mình và chiến thắng ngoại cảnh.
Nếu nghĩ lại ngày ấy cô chỉ thấy mình đang phức tạp hóa mọi thứ, nhìn nhận vấn đề bằng con mắt thiển cận, trẻ con.
Và trong quá trình tự mình trưởng thành để trở nên dễ dàng hòa nhập với cuộc sống, với mọi người xung quanh cô đúc kết:
"Thay vì muốn thoát ra tôi sẽ tìm cách thích nghi với nó thật vui vẻ. Tôi tập cho mình không để ý quá nhiều thứ vụn vặt. Tôi luôn đặt 2 từ Mẹ ơi như 1 câu cửa miệng: 'Mẹ ơi con về rồi', 'Mẹ ơi cái này làm như nào ạ?', 'Mẹ ơi nay cơm có gì mà ngon thế?', 'Mẹ ơi con làm thế này đúng chưa?', 'Mẹ ơi mẹ mệt à?'... Bí quyết là tôi thực sự chẳng cần làm gì cả, chỉ cần hét thật to câu Mẹ ơi mỗi ngày để mẹ chồng tôi thấy bà được coi trọng như 1 người mẹ, thực sự rất quan trọng với con cháu".
Đôi khi giữa mẹ chồng và con dâu không có ai sai, ai đúng, có chăng là họ thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ, bao dung dành cho nhau. Chúng ta càng xé toạc vấn đề thì người phải chắp nối chính là chúng ta, vết xé càng vụn thì thời gian xếp lại càng lâu. Vậy tại sao cứ phải phức tạp hóa mọi thứ lên trong khi ai cũng có thể đơn giản nó đi? Bởi cái chúng ta hướng tới là sự hòa thuận trong mối quan hệ, sự bình yên của 1 gia đình chứ không phải cảm giác thắng - thua.
Mẹ chồng thắng con dâu chẳng ai khen oai, khen giỏi. Con dâu thắng mẹ chồng cũng chẳng ai bảo ngầu, bảo khôn. Hãy tự giữ thăng bằng cho mối quan hệ ấy mà không cần sự can thiệp của chồng. Bởi chỉ khi chính tay bạn xây đắp từ nền móng đầu tiên thì ngôi nhà mới không lung lay và bền chắc.