Từng rất ghét dậy sớm nhưng tôi vẫn có thể thức giấc lúc 5h30 nhờ nguyên tắc 50/30/10/10 đầy hiệu quả và khoa học
Dậy sớm không phải là việc bạn cứ đặt báo thức đúng giờ và tỉnh giấc. Nó phức tạp hơn thế nhiều và cần một sự cố gắng khoa học đấy!
Tôi chắc chắn mình không phải là "mẫu người buổi sáng".
Ấy vậy mà từ cuối năm ngoái, tôi thường thức dậy lúc 5:30, dành một tiếng để viết lách rồi mới bắt đầu công việc hàng ngày ở công xưởng. Đó là một trong những điều khó khăn nhất tôi từng làm. Nhưng tôi đã làm được.
Và tôi tin chắc bạn cũng có thể làm được như vậy.
Tưởng tượng xem một ngày của bạn sẽ tươi đẹp thế nào nếu những công việc quan trọng và khó khăn nhất được hoàn thành trước tiên. Sau đó phần còn lại của ngày sẽ thật nhẹ nhàng và dễ chịu. Bạn hoàn toàn có thể nghỉ ngơi thư giãn vào buổi tối mà không hề phải lo lắng về đống công việc ngổn ngang hay tự vấn bản thân đã lại để một ngày nữa trôi qua vô ích.
Bí quyết để tôi có thể dậy sớm là nguyên tắc 50/30/10/10: bao gồm 50% sự quyết tâm, 30% chuẩn bị, 10% thực hiện và 10% may mắn.
50% quyết tâm
5:30 sáng không phải là thời điểm thức giấc của hầu hết mọi người. Đáng tiếc là chúng ta chẳng có một chiếc công tắc nào để bật dậy vào lúc đó. Về cơ bản thì, việc này sẽ cần một chút nỗ lực đấy.
Nghe thì hơi giáo điều, nhưng nếu bạn muốn dậy sớm, bạn phải thực sự MUỐN cơ!
Vài năm trước, tôi đã từng thử dậy sớm để viết blog trước khi đi làm. Tôi làm vậy được một lần, cảm thấy thật tuyệt vào ngày hôm đó, và không bao giờ làm thế nữa.
Tôi KHÔNG MUỐN đủ nhiều.
Khó mà dậy sớm như vậy được khi bạn có một công việc toàn thời gian. Tạm gác chuyện viết lách lại thì tôi vẫn thấy một ngày của mình khá thành công, dù giấc mơ được cầm bút vẫn còn dang dở. Bạn cần phải thực sự đam mê với ước mơ của bạn, mục tiêu của bạn. Với tôi viết lách chính là mục tiêu như thế.
Bây giờ thì tôi dậy lúc 5:30 sáng mỗi ngày trong tuần (Tôi tự cho bản thân thêm 1-2 tiếng nghỉ ngơi vào ngày cuối tuần). Bắt đầu buổi sáng bằng việc viết, rồi sau đó mới đi làm. Bài viết này chẳng hạn, chính là một sản phẩm của thói quen dậy sớm.
Vậy điều gì đã làm nên sự thay đổi này?
Tôi nhận ra mình muốn trở thành một nhà văn thực sự. Tôi không cảm thấy thoả mãn khi cứ mãi là một tên nghiệp dư kiếm chút tiền online bằng công việc viết lách nửa vời.
Tôi yêu công việc ngành kỹ thuật của mình, nhưng tôi không muốn làm công việc đó cả đời. Tôi muốn là một nhà văn. Nhưng để có thể thực sự kiếm sống bằng nghề viết, tôi cần phải nâng cao khả năng của mình. Tôi thực sự ám ảnh với việc cần phải tốt lên mỗi ngày.
Tôi biết rằng nếu tôi muốn trở thành một nhà văn giỏi hơn và thay đổi cuộc sống của mình, tôi cần đưa việc luyện tập lên hàng đầu. Điều này trở thành động lực để tôi dậy sớm.
Nếu tôi không dậy sớm, tôi không có thời gian để viết.
Nếu không có thời gian viết, tôi không thể trở thành nhà văn.
Nếu không thể trở thành một nhà văn, vậy coi như tôi buông bỏ giấc mơ của mình.
Chỉ đến khi bạn thực sự nhận ra đam mê, ước muốn cháy bỏng nhất của mình thì bạn mới thôi tự thuyết phục bản thân là dậy sớm chẳng để làm gì. Vấn đề chính là, bạn đã thực sự mong muốn thực hiện dự định của mình chưa? Đó là điều cần xem xét đầu tiên.
30% sự chuẩn bị
Sự quyết tâm đã đưa tôi đi được nửa đường rồi, phần còn lại của mục tiêu dậy sớm là sự chuẩn bị, thực hành và may mắn.
5 việc sau là những điều tôi làm để giúp bản thân mình dậy sớm dễ dàng hơn.
1. Đi ngủ sớm hơn
Hầu hết mọi người sẽ hoạt động tốt nhất nếu có một khoảng thời gian nhất định để nghỉ ngơi. Có thể với vài người, 6 tiếng là đủ, nhưng với tôi thì phải 7-8 tiếng. Có lẽ bạn cũng vậy.
Tôi nhận ra, nếu mình định dậy sớm hơn 2 tiếng so với bình thường, mà mình cần ngủ 8 tiếng để cảm thấy khoẻ mạnh, thì tôi sẽ đi ngủ sớm hơn 2 tiếng để giữ nhịp đồng hồ sinh học và vẫn khoẻ mạnh tỉnh táo vào sáng hôm sau.
2. Thư giãn trước khi đi ngủ
Khó mà chìm vào giấc ngủ ngay được nếu bạn cứ hoạt động hết công suất cho đến lúc lên giường. Do vậy tôi đã tự tạo một quy trình để thư giãn trước khi ngủ, giúp cơ thể nhận ra đã đến lúc nghỉ ngơi rồi.
Khoảng một tiếng trước khi ngủ, tôi tránh xa mọi thiết bị điện tử. Trong một vài ngày không thể tuân theo quy tắc trên, tôi sẽ cố để màn hình điện thoại hay máy tính độ sáng thấp hơn so với bình thường.
Rồi tôi tự pha cho mình một cốc trà nóng, thiền khoảng 10 phút rồi lên giường. Khi đã yên vị, tôi sẽ bắt đầu đọc sách cho đến khi mí mắt nặng dần, và giấc ngủ sẽ đến một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhất.
3. Lên kế hoạch trước cho buổi sáng
Khi tôi mới bắt đầu cố gắng dậy sớm, tôi cũng thường trì hoãn các công việc bằng cách nằm ườn trên giường lướt mạng xã hội. Điều này dẫn tới việc dậy sớm trở nên thất bại.
Thay vào đó, tôi lên kế hoạch cho buổi sáng của mình từ ngày hôm trước, để bản thân biết chính xác cần phải làm gì. Điều này mang đến một thay đổi to lớn, cho tôi động lực để bước ngay xuống khỏi giường khi thức dậy và không lãng phí một phút nào.
Bằng cách này, một buổi sáng của tôi luôn đem đến cảm giác thành công, và tôi sẽ muốn tiếp tục dậy sớm như vậy.
4. Không uống cà phê sau 2 giờ chiều
Đây là một quy tắc tôi tự đặt ra cho bản thân sau khi đọc những ảnh hưởng của caffein đến giấc ngủ. Tôi nghĩ rằng quy tắc này sẽ hơi khác với mỗi người, nhưng nó có tác dụng với tôi.
5. Luyện tập thể dục trong ngày
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những người tập thể dục thường xuyên sẽ có chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Tôi luôn cố gắng luyện tập vào một thời gian nhất định trong ngày, từ đó tôi sẽ thấy dễ chìm vào giấc hơn khi đêm đến.
Tôi không khẳng định bạn phải làm cả 5 điều trên nếu muốn dậy sớm, nhưng đó là những thói quen đã giúp ích đáng kể cho tôi. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi để phù hợp với bản thân mình.
10% sự chấp hành
Giờ đã đến lúc phải thực sự thức dậy, hầu hết các công tác chuẩn bị đã được hoàn thành xong. Việc thức dậy mỗi sáng của tôi sẽ như sau:
Tôi đặt báo thức vào đêm hôm trước và tự nhắc bản thân: "Mình phải dậy vào 5:30 sáng mai để viết". Đừng bỏ qua bước này, nghe thì hơi ngớ ngẩn, nhưng tin tôi đi, sự chuẩn bị tinh thần nhỏ này thực sự có tác dụng đấy.
Sáng hôm sau, ngay khi nghe thấy tiếng chuông báo thức, tôi bật dậy và đi ra khỏi phòng ngủ. Không trì hoãn nhé. Ngay khi bắt đầu xuống giường, giữ bản thân luôn vận động.
ĐỪNG nằm trên giường lướt các mạng xã hội, kiểm tra email hay tin nhắn gì cả. Cứ dậy và xuống giường đi đã. Hãy cho bản thân một động lực gì đó để rời giường, ví dụ với tôi là một cốc cà phê nóng trước khi bắt đầu làm việc. Nếu bạn có thói quen trì hoãn, hãy thử đặt đồng hồ báo thức xa giường một chút xem sao. Khá nhiều người đã thành công với cách này đấy.
10% may mắn
Dù tôi rất muốn nhận rằng dậy sớm thành công hoàn toàn là do cố gắng của bản thân, nhưng sự thật thì không phải vậy.
Khoảng một tháng sau khi bắt đầu xây dựng thói quen dậy sớm, mọi thứ không đi theo đúng kế hoạch lắm: Tôi phải làm việc thêm giờ. Sau đó tôi mua một căn nhà mới và phải chuyển nhà. Có rất nhiều công việc bộn bề và áp lực nên tôi lại muốn dành thêm một chút thời gian nghỉ ngơi cho bản thân sau tất cả những điều đó.
Với hầu hết mọi người, đây sẽ là những lí do chính đáng để bỏ cuộc. May mắn thay là tôi và vợ đã nhận nuôi một chú cún, và nó đã giúp tôi rất nhiều trong việc giữ vững tinh thần lẫn thói quen dậy sớm.
Mỗi sáng, chú cún Mose sẽ dậy vào khoảng 4:30 đến 5:30 để đi vệ sinh. Và để giữ nhà của mình luôn sạch sẽ, luyện cho Mose một thói quen tốt, tôi cũng phải dậy vào giờ đó để cho nó ra ngoài. Khi đã thức dậy rồi, tôi nhận ra mình có thể bắt đầu viết ngay lúc đó.
Đôi khi thì không may mắn như thế. Trong trường hợp của tôi dùng từ may mắn có lẽ không hợp lí lắm, "trách nhiệm" nghe có vẻ sẽ phù hợp hơn.
Hãy cố tìm một người bạn đồng hành để giúp bạn luôn có trách nhiệm với họ (trong trường hợp của tôi thì là chú cún Mose). Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn đấy, giống như người ta thường nói: "Hãy tự tạo ra sự may mắn cho mình"
Và giờ thì đến giờ đi ngủ của tôi rồi, mọi người thì sao? Hẹn gặp lại vào sáng sớm mai nhé!
Lược dịch từ tác giả Jason Gutierrez