Từng ghét cay ghét đắng những điều này ở Sài Gòn để rồi một ngày không "được ghét" nữa, chỉ muốn nói: "SÀI GÒN ƠI, HÕNG CÓ QUEN!"
Tôi chợt nhớ những gì tôi đã ghét cay ghét đắng ở Sài Gòn...
"Nắng gì mà muốn nổ cái đầu vậy Sài Gòn?!"
Sài Gòn bắt đầu "nóng tính" từ đầu tháng 3 đến tận tháng 7 và có khi lấn sang cả tháng 8. Lúc ấy, ai cũng hoạnh hoẹ: "Sài Gòn chỉ có 2 mùa, mùa nóng và mùa nóng thấy bà". Sài Gòn nắng như kiểu ai đã làm gì khiến nó bực bội, khắt khe.
Ngoài đường: "Chút nữa công an hốt nồi nước sôi của ông đó"
Gì thì gì nhưng cứ hễ nhắc nắng Sài Gòn, thì sẽ đi kèm với một "đặc sản" đó là... các Ninja.
Nắng Sài Gòn thích hoành hành trên da, trên thịt những ông chú lái xe ba gác, những người bán vé số nó cũng chẳng chừa. Nhưng bạn biết không? Người Sài Gòn sợ nắng nhất là ở những nơi có đèn giao thông.
Nắng thì nóng như lửa mà đèn giao thông Sài Gòn thì chằng chịt ở khắp nơi, để đỡ hứng trọn những đợt tấn công "tàn bạo" của cái nắng, người Sài Gòn dừng đèn đỏ theo một phong cách riêng, chỉ chọn chỗ có bóng râm, để một mình cái trụ đèn đếm ngược, khi nó nhẩm đến vài giây cuối thể nào còi xe từ sau cũng inh ỏi thúc người đi trước đến phát bực: "Đi nhanh đi, nắng muốn bể cái đầu mà còn ở đó"!
Ấy vậy mà hôm nay, hàng nghìn người đã nhớ cái nắng ấy, nhớ da diết.
"Mưa gì mà mưa hoài hõng thấy mệt hả Sài Gòn?"
"Nắng hõng ưa mà mưa cũng hõng chịu", câu đó là đủ kể cái tính kỳ lạ của người Sài Gòn. Nắng lên thì than "nắng quá" miệng lẩm bẩm cầu mưa, nhưng cứ hễ đến mùa mưa rơi thì lại trách: "Mưa hoài sao buôn bán trời?".
Dạ thưa, Sài Gòn vào mùa mưa ai cũng cầu nắng, nhưng nắng rồi lại nhớ mưa.
Nếu ở Sài Gòn lâu, trời mưa chắc chắn người ta sẽ tránh: đường Nguyễn Văn Quá, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Tô Ngọc Vân, đường Quang Trung, đường Lương Định Của, đường Thảo Điền,... kể làm sao hết!
Sài Gòn vào mùa mưa người ta sợ nhất là các thể loại xe lớn: xe buýt, xe tải, xe hơi, vì dàn xe này mà đi qua, thể nào người cũng ướt như vừa tắm mưa về. Các cô chú đón con tan học gặp trời mưa, đường thì ngập còn miệng thì cứ lẩm bẩm: "Chạy gì mà dữ thần, cái lũ ôn dịch này!".
Bây giờ đã là tháng 7 mưa ngâu, bao lâu rồi bạn không được thưởng thức "đặc sản" ngập đường ở Sài Gòn, bao lâu rồi bạn không thấy cảnh người ta dìu nhau khi xe chết máy, bao lâu rồi bạn không chửi thầm: "Mưa gì mà kỳ cục, cái Sài Gòn này!".
"Sài Gòn sao đi đâu cũng gặp đèn đỏ vậy cà?!"
Sống ở Sài Gòn bao lâu không quan trọng, quan trọng là bạn có trả lời được câu: "Sài Gòn bao nhiêu đèn đỏ?". Câu hát của Phạm Hồng Phước thấy vậy mà bị bỏ ngỏ. Bởi vì, có ai đếm được đâu?
Sài Gòn hơn 9 triệu dân bám víu, ai nấy đều đổ ra đường, để tránh kẹt xe, đèn đỏ sẽ gia tăng về mặt số lượng.
Đèn đỏ đứng im một chỗ, chỉ biết đếm số rồi chuyển màu nhưng lại là "nhân vật" bị cằn nhằn nhiều nhất Sài Gòn, đến nỗi may rủi người ta cũng vận vào đó: "Đèn đỏ gì mà hoài vậy, bữa nay xui xẻo quá".
Nhưng giờ có phải bạn đã nhớ cảm giác quạu, mồ hôi nhễ nhại mà phải dừng đèn đỏ?
"Ở Sài Gòn phải nhìn cho kỹ rồi mới tấp vô nha"
Có người nói: "Ở Sài Gòn mà tấp vô lề mua trái cây là còn non", đó cũng không phải câu nói ngẫu nhiên mà được đúc kết từ kinh nghiệm của những người từng trải.
Ở Sài Gòn lâu năm, chắc ít nhất một lần bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác hụt hẫng khi tấp vào mua trái cây ở những hàng xe đẩy và phát hiện giá của nó không giống như trên biển hiệu. Có người chẳng thèm mua và quay quắt bỏ đi, có người cũng mua đại cho... đỡ kỳ.
Người bán hàng không lừa lọc nhưng mẹo nhỏ giúp họ thu hút người đi đường là treo giá làm sao cho chiếc bảng chỉ hiện mức giá rẻ nhất. Màn "chốt sale" đỉnh cao này chắc cũng là một trong những "đặc sản" khó quên của Sài Gòn.
Mua một lần sẽ không có lần hai nhưng hiện tại khi tôi đang bị mắc kẹt trong khu vực phong tỏa, không có những lần hụt hẫng như thế nữa dù cũng rất muốn. Tôi bỗng dưng nghĩ đến những người bán trái cây ấy, họ đều là dân tứ xứ bám víu vào Sài Gòn, chỉ bán trái cây theo mùa vụ không bán quanh năm. Chẳng biết họ sẽ ra sao, có đủ cơm ăn, áo mặc, có phòng dịch tốt không?
"Bữa nào rảnh cà phê nha"
"Bữa nào cà phê", câu nói dài như một thế kỷ của những người bận rộn ở Sài Gòn.
Ở Sài Gòn, người ta không chào nhau bằng câu: "Tạm biệt" hay "Hẹn gặp lại" mà họ chào nhau bằng câu: "Bữa nào rảnh cà phê nha".
"Bữa nào" của người Sài Gòn không phải là tí nữa, mai hay mốt mà là rất lâu sau đó, thậm chí còn chưa tính được khi nào.
Bạn có nhớ cảm giác ngồi cà phê sáng sớm ở các ngã tư, các quán ăn nghi ngút khói chờ khách. Mùi cà phê thoang thoảng pha với mùi báo mới xồng xộc lên sóng mũi. Còn tôi, phải nói rằng, rất nhớ!
Giờ này có muốn xếp hàng dài vì một ly cà phê vợt cũng chẳng thể dù đã từng rất bực mình vì đợi đến lượt mình... Ảnh: Saigonfun
"3 chục đi hông? Nhiêu mới đi nói luôn, tui chở lấy giá bằng trên app"
Đó là cách mấy chú xe ôm truyền thống kéo khách khi phải cạnh tranh với hàng loạt xe ôm công nghệ. Ở các bến xe, các ngã tư, giọng nói của các bác xe ôm khiến người ta thấy phiền, cứ như thế nọ nói vang bên tai và bám lấy khách đến khi nào mất hết hi vọng thì thôi.
Cũng phải, thời buổi này, xe ôm truyền thống như mất nghề!
Nhưng rồi tôi chợt thắc mắc, những người phiền phức ấy đâu rồi nhỉ? Họ làm gì mùa dịch này và những ai tha phương sẽ trụ nổi với tiền trọ, tiền điện, tiền nước mỗi tháng?
"Mua vé đi cô, còn có mấy tờ à, mùa giùm đi mà cô...", dành cho ai từng thấy họ phiền thì giờ thấy thương họ không?
Mỗi khi ngồi cà phê vỉa hè ở Sài Gòn, bạn phải từ chối ít nhất 3 lượt mời mua vé số kiến thiết. Ở Sài Gòn, khi ngồi cà phê bàn chuyện đại sự, người ta thấy phiền nhất là những người bán vé số. Họ mời bằng giọng rất tỉ tê, nhịp điệu nói thì liên tục, hết xấp vé này đến xấp vé khác, xấp nào với họ cũng là cuối cùng.
Sài Gòn và các tỉnh miền Nam tạm dừng phát hành vé số kiến thiết, thế là người bán vé số thất nghiệp cho đến khi có chỉ đạo mới, khoảng thời gian đó kéo dài ít nhất là 20 ngày.
Bạn biết đấy, người bán vé số chẳng có ai là đầy đủ, ở Sài Gòn tôi đã có dịp chứng kiến cả người không tay, không chân, không nơi ở đi bán vé số. Nhưng giờ, họ ở đâu, làm gì và ăn uống như thế nào?
"Mua giùm tui đi mà cô chú ơi"
2h sáng: "Hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn, bắp xào đê" làm không có ngủ được! Nhưng giờ Sài Gòn làm ơn dậy dùm!
Quá xá là nhức đầu, cứ hễ đêm xuống, song hành với tiếng ồn của phố thị là tiếng lọc cọc của những chiếc xe đạp cũ, do mấy cô bán hàng rong đạp lộc cộc bán "món ăn lề đường truyền thống" của Sài Gòn: "Hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn, hột gà nướng, bắp xào đây".
Câu này dù là gõ trên mặt chữ cũng có thể "phát ra âm thanh" trong đầu hàng triệu người đang sống ở Sài Gòn. Nhức đầu nhất là lúc cả 2, 3 xe cùng đi qua một lúc, tiếng rao như tiếng chửi nhau chí choé, hợp sức với tiếng xe đô thị inh ỏi, người dân chỉ biết lắc đầu: "Rồi, tới công chuyện luôn".
Nhưng nếu không ồn ào vậy, thì đâu phải Sài Gòn!
"Lấy con 5 cái hột gà, nhiều rau răm, ít muối nha cô"
Những thứ bạn từng "ghét" ở Sài Gòn thì dĩ nhiên mọi thứ vẫn sẽ còn đó.
Nhưng bây giờ Sài Gòn cần lắm lời hỏi thăm của chúng ta để nó biết lắm lúc nó hay bị mắng, bị giận nhưng sự thật lại được thương nhiều đến mức nào. Và nếu bạn có đôi lời muốn nhắn gửi tới nó thì nhớ gắn thêm chiếc hashtag #saigonoikhongcoquen để Sài Gòn kịp đọc cho hết nha.
Sài Gòn đang chờ bạn đó...