Từng cho con học TRƯỜNG TƯ rồi chuyển sang TRƯỜNG CÔNG, ông bố ở Hà Nội chia sẻ những điều cha mẹ cần lưu ý
Theo anh Giang, giáo dục đích thực là phải thắp lên được ngọn lửa đam mê, phát hiện được sở trường, năng khiếu, vạch ra mục tiêu, con đường cho người học nỗ lực.
Hiện nay, ngoài trường công lập, cha mẹ còn có thể cho con theo học tại các trường tư thục, quốc tế. Tuy nhiên, mô hình trường công và trường tư có nhiều điểm khác biệt, cha mẹ cần tìm hiểu rõ để giúp việc học của con diễn ra thuận lợi nhất.
Anh Trần Đức Giang là một phụ huynh ở Hà Nội. Anh có 2 con trai, con lớn học trường tư đến hết năm lớp 12, con nhỏ học trường tư đến khi lên lớp 7 rồi chuyển sang trường công. Hiện tại, con trai lớn của anh đã tốt nghiệp đại học, còn con nhỏ đang học lớp 11. Từ những kinh nghiệm đồng hành cùng con, anh Giang cho rằng, đây là những điều mà phụ huynh cần lưu ý:
- Về đi lại và kỹ năng sống
"Nhà mình ở xa trường nên hàng ngày các cháu sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe buýt. Cái này có ưu điểm an toàn, yên tâm cho phụ huynh tuy nhiên lại hạn chế kỹ năng tự lập trong việc tham gia giao thông của các con", anh Giang chia sẻ. Vì các con ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài xã hội nên theo anh Giang là "khá tồ". Thời gian chủ yếu của các con là ở nhà, xe ô tô, trường học nên hạn chế về khả năng thích nghi và nhân sinh quan khá hạn hẹp, ít bạn bè.
- Về giáo viên
Giáo viên ở trường tư đa số không bị áp lực thành tích nhiều. Tuy nhiên họ lại bị áp lực về việc làm phụ huynh hài lòng nên nhận xét về các con cũng chưa thật sự sát với năng lực. Theo anh Giang, trẻ được khen, động viên nhiều, ít khi bị chê trách. Lợi ích là khiến học sinh tự tin, vui vẻ nhưng hại ở chỗ các con ngộ nhận, không định vị được đúng năng lực của bản thân.
"Hai cậu bạn nhà mình lúc nào cũng nghĩ bản thân giỏi nhưng thực ra kiến thức, kỹ năng các con học được ở trường rất hời hợt", anh Giang cho hay.
- Về môi trường xung quanh
Phụ huynh trường tư thường có điều kiện kinh tế hơn và cũng khá chiều, bao bọc, chăm lo cho con các con từ A-Z. Cùng với đó, dịch vụ ở trường tư khá đầy đủ nên nhiều con bị ỷ lại hơn so với trường công. Các con cũng ít chủ động hơn trong việc học tập, rèn luyện.
Năm con trai thứ 2 lên lớp 7, anh Giang quyết định chuyển con về trường công lập gần nhà và dành thời gian tự rèn con, không ép con học thêm lấy thành tích hay thi chuyên, chọn. Anh quan điểm, điểm số cao thấp không quan trọng, chỉ cần học thực chất, hiểu bản chất để nhớ và áp dụng. Cái chính là các con cần biết nỗ lực tự học.
Lúc đầu con anh Giang cũng bị sức ép vì các bạn ở trường công học giỏi và nhanh hơn do học thêm nhiều. Trước đó ở trường tư, con anh lúc nào cũng trong số 1 hoặc số 2 ở lớp nhưng khi chuyển sang trường công thì chỉ ở mức trung bình.
Tuy nhiên sau vài năm rèn con, anh nhận thấy thành quả tiến bộ rõ rệt. Các kỹ năng của con khá hơn rất nhiều. Con cứng cáp hơn, tự tin tham gia giao thông, tự đạp xe đi học. Con đã tự ra ngoài đi chơi, cùng bạn bè đi đá bóng, mua sắm, đến nhà nhau chơi và rất vui vẻ.
"Giờ con bảo ở lớp học đông, ồn, học không hiệu quả bằng tự học ở nhà. Con cũng dành được nhiều thời gian hơn cho lao động việc nhà, học môn năng khiếu mình thích do không phải học ở trường cả ngày. Con kém anh 5 tuổi nhưng mình thấy nhận thức, kiến thức và kỹ năng khá hơn anh", anh Giang cho hay.
Theo anh Giang, phụ huynh cần tham khảo để có giải pháp hỗ trợ con khắc phục các hạn chế ở các môi trường học, vì mỗi gia đình có mục tiêu khác nhau trong từng giai đoạn. Cấp 1 kiến thức chưa quan trọng, cần cho con vui vẻ và tự tin, thích học. Cấp 2, cấp 3 cần phải tích cực rèn luyện nhiều hơn, nên cần thời gian và môi trường phù hợp để phát triển năng khiếu cho các con.
Các gia đình phải dành thời gian tự trang bị kiến thức, rèn kỹ năng, lao động, tăng cường trải nghiệm xã hội. Đặc biệt cần trang bị nhận thức, giúp con định vị đúng năng lực bản thân, rèn kỹ năng tự học cho con, không nên chạy theo thành tích, điểm số, học thêm tối ngày như ở trường công, hay lớt phớt như nhiều trường tư thì đều không ổn.
"Giáo dục đích thực là phải thắp lên được ngọn lửa đam mê, phát hiện được sở trường, năng khiếu, vạch ra mục tiêu, con đường cho người học nỗ lực chứ không phải nhồi nhét, ganh đua thi cử những kiến thức, những bài toán lý thuyết ít dùng. Môi trường nào làm được việc đó thì đã là hoàn thành sứ mệnh của giáo dục nhà trường và đấy là môi trường tốt nhất theo quan điểm của gia đình mình", anh Giang nhận định.