Túi bánh mì vừa mua về đã có một lát bị nấm mốc, bạn sẽ làm gì?
Mua phải túi bánh mì có lát bánh bị mốc, xử lý thế nào mới chuẩn? Nhiều người cứ tưởng chuyện này đơn giản, trước giờ mình làm là đúng cho đến khi nghe lý giải của chuyên gia...
Khi lát bánh mì bị nấm mốc tấn công, cắt bỏ phần nấm mốc đi rồi dùng là cách thường gặp nhất
Có một câu chuyện vẫn thường xảy ra hàng ngày như thế này: bạn đi mua bánh mì sandwich và rồi dưới ánh điện nhoang nhoáng hay nơi đặt có ánh sáng mập mờ thế nào đó, bạn chẳng thể nào chọn được một túi bánh mì hoàn toàn tươi ngon. Thế rồi, bạn xách túi bánh mì trở về nhà, lòng vui vẻ háo hức lấy ra từng lát bánh vào bữa sáng hôm sau thì phát hiện ra... có một lát bánh mì trong túi bánh này bị mốc một góc. Phải làm sao bây giờ?
Trong trường hợp này thường có 2 khả năng. Cách đầu tiên cũng chính là cách truyền thống, cách mà hầu như ai cũng sẽ làm vì tiếc của, vì những phần còn lại của miếng bánh vẫn thơm ngon. Đó là cắt bỏ phần bánh bị nấm mốc đi rồi dùng bình thường.
Trong khi đó, những người được đánh giá thông minh sáng suốt có thể sẽ vứt bỏ cả miếng bánh mì đi. Thậm chí, cẩn thận hơn, những người này còn có thể vứt thêm 2-3 lát bánh mì tiếp xúc gần nhất với lát bánh mì có dấu hiệu nấm mốc.
Bạn có biết, chuyên gia sẽ lựa chọn cách nào nếu rơi vào hoàn cảnh này không?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, cả hai cách trên đều không phải là lựa chọn của ông nếu rơi vào hoàn cảnh này.
Vì sao lại thế? Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, phần màu mốc xanh đỏ hiện trên miếng bánh chỉ là một phần nhỏ của nấm mốc nhưng bản thân cả miếng bánh đó, thậm chí những miếng xung quanh cũng có thể đã bị bào tử nấm mốc tấn công.
Ngay từ thời điểm nấm mốc mọc ra, các túi bào tử nấm đã giải phóng ra hàng ngàn các bào tử nấm bay ra trong khắp túi bánh mì của bạn, đáng tiếc là bạn không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường nên vẫn nghĩ có thể ăn ngon lành. Thế nên, là chuyên gia, ông sẽ chọn cách vứt cả túi bánh mì này đi và rút ra bài học kinh nghiệm hơn khi đi mua bánh mì vào những lần sau.
Thực phẩm nhiễm nấm mốc chứa độc tố Afflatoxin, nguyên nhân gây ung thư cực nguy hiểm!
Ở giai đoạn cấp tính, khi ăn những thực phẩm bị nấm mốc tấn công có thể ngay lập tức bị ngộ độc thực phẩm. Thế nhưng, nó cũng là nguyên nhân gây bệnh mãn tính, điển hình nhất, khó tránh khỏi chính là bệnh ung thư.
PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm) cho biết, những thực phẩm như bánh mì, những loại quả hạt như ngô, lạc, quả hạnh, hạt có dầu, quả khô, gạo, đậu và cả gia vị khi bị mốc, nếu vẫn cứ tiếp tục ăn sẽ rất nguy hiểm. Ăn những thực phẩm này khi bị nấm mốc, bạn có nguy cơ nhiễm độc tố Afflatoxin - nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu.
Chưa kể, những loại ngũ cốc, nho thối, rượu vang, cà phê, quả khô, một vài loại thịt động vật khi bị nấm mốc mà vẫn ăn bình thường sẽ khiến cơ thể nhiễm độc tố Ochratoxin gây ung thư thận, gan. Ngô, gạo bị mốc còn có thể nhiễm độc tố Fumonisin là nguyên nhân gây ung thư thực quản, ung thư gan.
Để bảo quản thực phẩm khỏi nguy cơ nấm mốc, bạn cần tránh để thức ăn tiếp xúc với bào tử nấm trong không khí. Bạn có thể sử dụng màng bọc thực phẩm để giữ ẩm trước khi bỏ vào tủ lạnh. Lưu ý bảo quản thực phẩm ở nơi khô ráo, độ ẩm thấp với nhiệt độ phù hợp.
Đối với các loại thực phẩm dễ hỏng bạn cần bỏ vào hộp đựng sạch sẽ rồi bảo quản trong tủ lạnh. Đặc biệt, với những thực phẩm dễ phát sinh nấm mốc như bánh mì nên mua lượng vừa đủ để có thể sử dụng nhanh chóng, ngăn ngừa nấm mốc phát triển.
Trong trường hợp, thực phẩm đã bị nhiễm nấm mốc, ngoài việc vứt bỏ hoàn toàn thì bạn không nên ngửi bởi nấm mốc từ thức ăn có thể gây ngộ độc đường hô hấp. Nói chung, đây là loại thực phẩm rất có hại cho sức khỏe, đừng vì tiếc của, vì nấm mốc chưa mọc đến phần này, vì thức ăn vẫn không có mùi lạ... mà giữ lại ăn vì sức khỏe của chính bạn và cả gia đình.