Từ vụ việc nữ tài xế lái BMW uống rượu trước khi tông xe liên hoàn và lời cảnh tỉnh của chuyên gia
Uống rượu nói chung không tốt cho sức khỏe và việc quá chén khi còn phải lái xe thì hậu quả vô cùng khó lường, cần hết sức lên án.
Kinh hoàng câu chuyện nữ tài xế lái BMW uống rượu trước khi tông xe liên hoàn ở Sài Gòn
Mấy ngày gần đây, câu chuyện về nữ tài xế lái BMW có uống rượu trước khi xảy ra tai nạn tông xe liên hoàn ở Sài Gòn khiến không ít người cảm thấy kinh hãi. Theo đó, khoảng 23h30 khuya 21/10, một ôtô hiệu BMW do nữ tài xế tên Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ phường An Phú Đông, quận 12) điều khiển, chạy trên đường Điện Biên Phủ, hướng quận 3 đi cầu Sài Gòn.
Khi đến ngã tư cầu vượt Hàng Xanh, xe này bất ngờ mất lái, tông 5 xe máy và một taxi đang lưu thông cùng chiều, sau đó tiếp tục đâm vào một chiếc taxi. Vụ tai nạn khiến 1 phụ nữ tử vong tại chỗ, 7 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu. Đến sáng 22/10, 5 người bị thương nhẹ đã được xuất viện, 2 nạn nhân còn lại đang trong tình trạng nguy kịch.
Câu chuyện về nữ tài xế lái BMW có uống rượu trước khi xảy ra tai nạn tông xe liên hoàn ở Sài Gòn khiến không ít người cảm thấy kinh hãi.
Tại thời điểm gây tai nạn, bà Nga say xỉn, với nồng độ cồn 0,94 mg/1 lít khí thở. Tại trụ sở công an, bà Nga khai nhận có uống nhiều bia rượu tại một nhà hàng ở quận 1 trước khi lái xe. Trên đường lái xe về nhà, bà ngủ gục, không làm chủ tốc độ và gây ra vụ tai nạn kinh hoàng này.
Từ câu chuyện này, lật lại vẫn thấy văn hóa ép uống rượu bia cũng như tự mình uống cho say mềm rồi vẫn lái xe như bình thường thật quá đỗi tệ hại. Không xét về hành vi gây nguy hiểm cho người khác, việc uống rượu bia cũng vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người uống. Thường xuyên uống rượu bia sẽ gây tổn thương gan, dẫn đến những căn bệnh mãn tính nhưng người Việt dường như vẫn còn dửng dưng.
Từ câu chuyện này, lật lại vẫn thấy văn hóa ép uống rượu bia cũng như tự mình uống cho say mềm rồi vẫn lái xe như bình thường thật quá đỗi tệ hại.
Uống rượu bia – Đừng để chuyện ép nhau phải chết!
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (Giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), khi rượu bia đi vào cơ thể, trước tiên sẽ chuyển hóa ngay trong dạ dày. Nếu chưa được chuyển hóa thì chúng sẽ làm nồng độ cồn – chính là Ethanol – tăng lên. Khi công an kiểm tra một người có vi phạm quy định khi lái xe do uống rượu bia hay không thường dựa vào nồng độ cồn.
Tiêu chuẩn của WHO nhằm xác định lượng rượu bia sử dụng tương ứng với nồng độ cồn sinh ra trong cơ thể người như sau: Một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gam cồn. 1 đơn vị này tương đương 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30 ml); 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml); 1 vại bia hơi (330 ml); 2/3 chai (lon) bia (330 ml).
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mức tiêu thụ rượu bia trung bình của mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi là 8,3 lít cồn nguyên chất trong năm 2016 – tương đương với mức trung bình của Thái Lan.
Theo đó, để nồng độ cồn dưới giới hạn vi phạm khi tham gia giao thông (dưới 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở) thì nam giới không nên uống quá 2 đơn vị uống chuẩn trong giờ đầu tiên và không uống quá một đơn vị chuẩn nữa trong mỗi giờ sau đó. Với nữ giới, không nên uống quá một đơn vị và không uống quá một đơn vị uống chuẩn trong mỗi giờ sau đó. Tất nhiên, điều này chỉ có tính tham khảo.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mức tiêu thụ rượu bia trung bình của mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi là 8,3 lít cồn nguyên chất trong năm 2016 – tương đương với mức trung bình của Thái Lan. So với các quốc gia khác trong khu vực, mức tiêu thụ đồ uống này của nước ta cao hơn nhiều. Điển hình như Mông Cổ, mức tiêu thụ trung bình (7,4 lít), Trung Quốc (7,2 lít), Campuchia (6,7 lít), Philippines (6,6 lít) và Singapore (2 lít).
Uống nhiều rượu bia sẽ gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe về lâu dài.
Không chỉ uống nhiều, theo ghi nhận của cơ quan chức năng, khả năng tiêu thụ rượu bia trong dân cũng gia tăng nhanh chóng. Năm 2015, lượng tiêu thụ của những người uống rượu bia là nam giới đã tăng 15% so với 5 năm trước đó. Điều tra của Bộ Y tế cho thấy, hầu hết các hộ gia đình đều có người uống rượu bia trong 12 tháng qua, 80% gia đình có người uống rượu bia trong 30 ngày gần đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), nước chúng ta là đất nước có nền văn minh lúa nước, không thể cấm rượu vì đó là nét văn hóa của người Việt, nhất là vào những dịp Tết. Trên bàn nhậu, người ta thường truyền tai nhau những sáng kiến giúp hết say rượu bia bằng việc ăn nhiều đồ ăn trước khi uống, kết hợp nhiều loại đồ ăn với nhau, uống nước khoáng có ga sau mỗi lần uống chén rượu để đỡ khé cổ, làm nhẹ rượu…
Cách tốt nhất là mỗi người, dù là nam hay nữ cũng cần biết tự điều chỉnh lượng uống phù hợp, tránh tình trạng quá chén, gây mất kiểm soát khi uống rượu.
"Hành động này chỉ là một cách làm nhẹ rượu giả tạo. Thực tế thì dù có làm loãng ra, lượng rượu trong cơ thể vẫn không thay đổi. Khi rượu ngấm vào cơ thể sẽ sinh ra những độc tố tác động đến hệ thống thần kinh, trở thành chất độc", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.
Ông cho biết thêm: "Khi uống nhiều rượu, nạn nhân dễ phát ngôn linh tinh, không làm chủ bản thân, trở nên hung hăng khi uống, nặng có thể gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho bản thân và người tham gia giao thông. Nếu uống nhiều rượu sẽ tác động vào gan, não gây viêm gan, thần kinh bị giảm dẫn tới không tỉnh táo. Tình trạng kéo dài sẽ còn tích lũy gây ngộ độc mãn tính như ung thư gan".
Theo chuyên gia, cách tốt nhất là mỗi người, dù là nam hay nữ cũng cần biết tự điều chỉnh lượng uống phù hợp, tránh tình trạng quá chén, gây mất kiểm soát. Khi có tình trạng say xỉn nên uống một cốc nước chanh lớn để đào thải chất độc ra bên ngoài nhanh hơn. Đặc biệt, đã uống rượu bia thì không lái xe, tránh gây ra hậu quả cho bản thân cũng như người tham gia giao thông.