Từ vụ kiện Johnny Depp - Amber Heard, chuyên gia tâm lý: "Không có mối quan hệ bạo hành lẫn nhau"
Chuyên gia tâm lý khẳng định trong một mối quan hệ có yếu tố lạm dụng, bạo hành và ngược đãi, sẽ luôn có một người nắm quyền lực tối đa.
Trong phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Johnny Depp và Amber Heard, bác sĩ tư vấn hôn nhân trước đây của cặp đôi đã làm chứng lời khai của Amber và khẳng định mối quan hệ của cả hai là mối quan hệ "bạo hành lẫn nhau". Tuy nhiên, thực tế, theo các chuyên gia tâm lý, việc "lạm dụng lẫn nhau" này không hề tồn tại trong một mối quan hệ bởi điều đó cũng đồng nghĩa với việc nó bỏ qua quyền lực vốn có trong các mối quan hệ dạng lạm dụng và ngược đãi này.
Theo nhà tâm lý học Lori Beth Bisbey - người đã có 30 năm kinh nghiệm trong nghề, trong một mối quan hệ bạo hành sẽ chỉ tồn tại kẻ tấn công và nạn nhân mà thôi. "Một mối quan hệ lạm dụng đòi hỏi một người kiểm soát người còn lại. Một mối quan hệ có thể độc hại đối với cả hai đối tượng, tức là người này không ủng hộ người kia và cả hai đều giả tạo trước mặt nhau. Tuy nhiên, với việc lạm dụng và bạo hành sẽ chỉ diễn ra một chiều mà thôi", nhà tâm lý cho biết.
Lạm dụng được định nghĩa là "một kiểu hành vi một người sử dụng để duy trì quyền lực và kiểm soát đối với người kia trong một mối quan hệ thân mật". Lạm dụng không chỉ giới hạn ở bạo lực thể xác mà còn xuất hiện dưới nhiều hình thức, ví dụ như bạo hành tình cảm, bạo hành lời nói (bao gồm cả những lời đe dọa, lăng mạ). Dù thực hiện dưới hình thức nào, mục đích của kẻ tấn công chính là nhằm tước quyền lực cũng như thích kiểm soát đối phương.
Giám đốc điều hành của Liên minh quốc gia chống bạo lực gia đình Mỹ cũng khẳng định trong một mối quan hệ lạm dụng, cả hai người đều có thể hành động theo những cách độc hại với nhau và đẩy mối quan hệ đi đến kết cục không lành mạnh. Tuy nhiên, với riêng hành vi lạm dụng vẫn sẽ đòi hỏi một người gây hấn chính. Nếu như người còn lại phản ứng mãnh liệt về mặt thể chất hoặc tinh thần thì điều đó có nghĩa họ đang tự bảo vệ chính mình, không phải trở thành kẻ bạo hành.
(Ảnh: Cleveland Clinic)
Từ hướng nhìn của một người thứ ba về mối quan hệ của hai người trong cuộc, những biểu hiện độc hại có thể xuất phát từ cả hai người, nhưng điều đó không có nghĩa là có sự "lạm dụng hoặc bạo hành lẫn nhau". Việc một người chống trả lại kẻ tấn công có thể được coi là tự vệ, xuất hiện dưới nhiều hình thức như miệt thị bằng lời nói hoặc bằng hành động vật lý. Việc tự vệ này sẽ bắt đầu trong thời điểm hành vi bạo lực đang diễn ra hoặc nạn nhân tin rằng họ chuẩn bị bị lạm dụng, điều đó khiến họ cảm nhận được mối đe dọa và bắt đầu tự vệ. Điều này cũng có nghĩa là, nếu hành vi phòng thủ xảy ra mà không hề có mối đe dọa nào thì sẽ không còn được gọi là hành vi tự vệ nữa.
Nguồn: Insider