Từ vụ học sinh Gateway bị bỏ quên dẫn đến tử vong: Những lỗ hổng chết người trong quy trình vận hành xe bus trường học mà phụ huynh phải biết

HH,
Chia sẻ

Câu chuyện của trường Gateway khiến các trường khối ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội phải rà soát lại quy trình vận hành xe bus đưa đón học sinh của đơn vị mình. Điều đáng nói là quy trình đó có tồn tại hay không?

Mập mờ quy trình vận hành xe bus trường học

Ngay đêm 6/8, Hiệu trưởng Trường Marie Curie đã phát đi văn bản đặc biệt nhằm trấn an phụ huynh giữa cơn bão hoang mang. Hiệu trưởng nhấn mạnh ba nguyên tắc vận hành xe bus của trường: 1. Trưởng xe và lái xe phải kiểm tra xe trước khi đưa xe về bãi tập kết, đồng thời báo cáo về Trung tâm quản lý xe theo quy định; 2. Lái xe cần đỗ sát vỉa hè và quan sát kỹ trước khi đóng mở cửa xe và chuyển bánh; 3. Lái xe phải đi chậm và tuân theo sự dẫn dắt của giám thị.

"Báo động đỏ" này nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng phụ huynh của trường.

Sáng 7/8, Ban giám hiệu Trường TH-THCS Pascal gửi thông báo tới các giáo viên chủ nhiệm yêu cầu đưa nội dung thoát hiểm trên xe ô tô khi bị bỏ quên vào tiết học kỹ năng sống. Còn chiều cùng ngày, Trường TH Brendon đã tổ chức tập huấn mẫu cho học sinh lớp 5.

Một số trường dân lập chất lượng cao khác từ chối trả lời truyền thông và cho biết đang tập trung rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành xe bus để đảm bảo an toàn hơn nữa cho học sinh. Nhưng quy trình đó là gì thì các trường từ chối cung cấp.

Duy có Trường PTLC Đa Trí Tuệ (MIS) công khai văn bản thông báo về việc đón trả học sinh đi xe tuyến ban hành ngày 1/8 và bảng danh sách điểm danh học sinh hằng ngày có các dấu tích xanh viết tay của tài xế.

2

Về việc đưa học sinh bằng xe bus, thông thường, các trường đều áp dụng bộ nguyên tắc chung như Hiệu trưởng trường Marie Curie chia sẻ. Hàng năm, trường học sẽ tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng với một đơn vị vận tải trường học. Đối với xe đưa đón học sinh tiểu học và mầm non, các trường luôn bố trí một giám sinh đi cùng. Giám sinh là nhân viên của đơn vị vận tải hoặc là nhân viên của nhà trường. Xe đưa đón học sinh THCS và THPT có thể không có giám sinh.

Cùng với lái xe, giám sinh sẽ là người trực tiếp liên lạc với gia đình, đưa đón học sinh lên xe và xuống xe, điểm danh, nhắc nhở trẻ tuân thủ nội quy trên xe, báo cáo khi gặp sự cố, kiểm soát an toàn trên xe, chăm sóc trẻ khi cần thiết (với những trẻ bị đau ốm, khuyết tật hay có bệnh lý đặc biệt...).

Cũng thông thường sau khi trẻ xuống xe, lái xe và giám sinh sẽ điểm danh lần cuối trước khi trao trẻ cho cô giáo phụ trách, đi rà soát một lượt trên xe xem trẻ có bỏ quên đồ hay không, sau đó tiến hành đưa xe về bãi tập kết.

DSC_9961

Gọi là "thông thường", bởi lẽ không có bất kỳ một văn bản nào ghi rõ các nguyên tắc ứng xử trên xe bus trường học dành cho lái xe, giám sinh hay nói cách khác là một văn bản chi tiết về quy trình vận hành xe bus được gửi tới phụ huynh có con sử dụng dịch vụ này theo tham khảo từ nhiều trường. Khi phụ huynh không có quy trình trong tay, đồng nghĩa với việc họ không có khả năng giám sát hoạt động này. Và từ đó, mọi điều cứ nghĩ là "thông thường", là "đương nhiên" vào một ngày xấu trời đã không được thực hiện.

Niềm tin cẩu thả của người lớn và những cái giá đắt con trẻ có thể phải trả

Chị T.T.H, phụ huynh học sinh trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, con chị sử dụng dịch vụ xe bus của trường đã 5 năm nay và chưa gặp bất kỳ sự cố nào. Chị H. mô tả: "Xe đưa đón của trường Đoàn Thị Điểm là xe 16 chỗ. Các con lớp 1, 2 còn thấp bé luôn được bố trí ngồi khu vực đầu, các anh chị lớp lớn ngồi dần về phía sau. Theo lời con kể, mỗi khi xuống xe, cô đều điểm danh và quay vào trong xe kiểm tra một lượt." Tuy nhiên, chị H. chia sẻ chưa từng được nhà trường trao cho văn bản quy định nào về các nguyên tắc trên xe bus để phụ huynh theo dõi.

Sau sự việc tại trường Gateway, điều chị H. quan tâm là những sự cố có thể xảy ra trên xe bus có quá nhiều so với một câu chuyện bỏ quên trẻ và liệu nhà trường có phương án phòng ngừa, xử lý hạn chế tối đa sự cố để đảm bảo an toàn cho học sinh hay chưa? Nếu có thì quy định đó được lưu hành trong phạm vi nào?

Cùng một câu hỏi, chị Nguyễn Mai Hương, phụ huynh học sinh trường PTLC Newton cũng băn khoăn khi nhà trường không có bộ nguyên tắc nào phổ biến tới phụ huynh và học sinh sử dụng dịch vụ xe đưa đón của trường. "Các quy định đều được thông báo bằng việc trao đổi miệng, không có văn bản, không có cam kết. Nhiều phụ huynh chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới phải có những quy định cụ thể bằng văn bản đó cho đến khi vụ việc ở trường Gateway xảy ra."

Chị Hương cũng chia sẻ thêm, vụ việc của trường Gateway khiến chị bất an thêm nhiều vấn đề khác khi con đi học bằng xe bus. "Một chi tiết khiến tôi hay băn khoăn, và giờ rất lo lắng là các con tiểu học đi bus mà ít hoặc không thắt dây an toàn. Đây là thói quen mà người lớn ở Việt Nam cũng không có, nên thực ra rất khó góp ý với nhà trường thay đổi, vì không phải phụ huynh nào cũng xem chuyện này là quan trọng. Khi con tôi còn học mầm non, Hiệu trưởng trường KoolKid - nơi con tôi theo học - yêu cầu các gia đình sử dụng xe bus phải mua car seat (ghế ngồi cho trẻ trên xe hơi), nếu không sẽ từ chối vận chuyển. Tuy nhiên, theo tôi được biết, rất nhiều xe bus đưa đón trẻ mầm non không có yêu cầu này. Nguy cơ từ việc trẻ mầm non ngồi trên xe ô tô không có car seat rất cao, nhưng vì chưa xảy ra sự cố gì đáng tiếc nên người ta vẫn còn chưa quan tâm tới nó."

4

"Mất bò mới lo làm chuồng", đó là câu chuyện đang diễn ra tại các trường học trong những giờ qua. Thay vì lên một bộ quy trình chuẩn với các nguyên tắc ứng xử chi tiết dành cho những người tham gia vào hoạt động vận hành xe bus trường học, từ Ban điều hành trường, Ban Giám hiệu, đơn vị vận tải tới nhân viên lái xe, nhân viên giám sinh, học sinh, phụ huynh, giáo viên chuyên trách..., tất cả chỉ làm việc với nhau trên cơ sở một NIỀM TIN CẨU THẢ: Đảm bảo sự an toàn cho học sinh! Nhưng đảm bảo như thế nào và làm những gì để đảm bảo thì tất cả đều mù mờ.

Phụ huynh không được biết về quy trình, không được tham gia góp ý vào quy trình và tất nhiên không được giám sát.

Và cũng vì không có quy trình hay bộ nguyên tắc nào, các trường học cũng đầy lỗ hổng trong việc kí kết hợp đồng với đơn vị vận tải. Rất nhiều vấn đề nằm ngoài vòng giám sát của nhà trường như: Lái xe có lý lịch ra sao, có sử dụng chất kích thích hay không, có được tập huấn về dịch vụ đưa đón học sinh hay không, có lịch sử vi phạm giao thông như thế nào, phương tiện xe có đủ tiêu chuẩn an toàn để đưa đón học sinh hay không, trên xe có đầy đủ thiết bị thoát hiểm khi gặp nạn hay không.

a10-15651735526371652070378

Sau sự vụ thương tâm, nhiều trường đã tập huấn cho học sinh kỹ năng thoát hiểm trên xe ô tô.

Bên cạnh đó, khóa tập huấn kỹ năng dành cho học sinh đi xe bus cũng không được các trường học triển khai cho tới khi có sự cố chết người. Các học sinh không hề được dạy về cách thoát hiểm khi bị nhốt trong xe cũng như khi gặp nạn, không được dạy về việc quan tâm, để ý tới các bạn đi cùng xe, không được dạy cả về cách giám sát người lớn để kịp thời phản ánh những hành vi chưa đúng của lái xe, giám sinh tới cha mẹ và người có trách nhiệm. Dù rằng, số lượng học sinh sử dụng bus ở mỗi trường có thể lên đến con số hàng nghìn.

Tương tự như vậy, phần lớn bậc làm cha mẹ đều dành sự tin tưởng cho nhà trường, nơi họ bỏ ra một khoản phí không hề nhỏ mỗi tháng cho việc sử dụng dịch vụ bus. Họ tin rằng, với việc trả dịch vụ đó, họ được quyền an tâm mà không yêu cầu nhà trường đưa ra bất kì một đảm bảo cụ thể, vững chắc nào cho sự an tâm của mình. 

Cha mẹ đặt niềm tin cẩu thả cho thầy cô, nhà trường. Nhà trường đặt niềm tin cẩu thả cho cha mẹ và nhà xe. Cả một hệ thống đầy lỗ hổng khiến cho bọn trẻ bất kì lúc nào cũng có nguy cơ sụt hố.

Đó là một vòng tròn luẩn quẩn và cẩu thả của niềm tin. Cha mẹ đặt niềm tin cẩu thả cho thầy cô, nhà trường. Nhà trường đặt niềm tin cẩu thả cho cha mẹ và nhà xe. Thế mới có chuyện, một đứa trẻ vắng mặt tại trường mà không có bất kì thông báo nào được phát đi tìm hiểu nguyên nhân. Cô chủ nhiệm thì tin nhà trường đã liên lạc, nhà trường thì tin cha mẹ chắc cho con tự ý nghỉ học, cha mẹ thì tin không có chuyện gì xảy ra với con của mình. Cả một hệ thống đầy lỗ hổng khiến cho bọn trẻ bất kì lúc nào cũng có nguy cơ sụt hố. 

Để rồi khi một đứa trẻ ra đi trong đau đớn tận cùng, người ta mới hốt hoảng lên đi vá cái lỗ hổng mà trẻ vừa sa chân, thứ mà không phải là không thể dự liệu, phòng ngừa từ trước.

Nỗi đau đớn này không chỉ có mình trường Gateway chịu trách nhiệm, cũng không chỉ riêng ngành giáo dục chịu sai trái. Đó là hệ quả của một xã hội người lớn đầy tắc trách và thiếu kỷ luật, làm gì cũng đặt cái tình lên trên cái lý để biện hộ cho sự đại khái cẩu thả, lười làm chi tiết, suy nghĩ ngắn hạn, đổ vấy trách nhiệm... Lãnh hậu quả cuối cùng vẫn là những đứa trẻ non nớt mà chúng ta đứt ruột đứt gan sinh nở, chăm bẵm, dạy dỗ. Hôm nay ở trường Gateway, ngày mai có thể là một trường khác, nếu thái độ và hành động của người lớn chúng ta không thay đổi.

Chia sẻ