Từ vụ cháy nhà khiến 4 người trong gia đình tử vong ở Hà Nội: Lối thoát hiểm an toàn vẫn bị xem nhẹ, chạy lên tum giống như đi vào đường cùng
Sau những vụ cháy thương tâm, người ta lại nhớ ra rằng việc lắp chuồng cọp thay vì mở một lối thoát hiểm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như thế nào.
Rạng sáng 4/4, vụ cháy xảy ra tại nhà số 311 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo an toàn cháy nổ, lối thoát hiểm nhà riêng điều mà trước giờ vẫn bị người dân xem nhẹ.
Lắp "chuồng cọp" để bảo vệ tài sản - "yếu huyệt" khi xảy ra hỏa hoạn
Liên quan đến vụ cháy cửa hàng bán đồ sơ sinh trên phố Tôn Đức Thắng khiến 4 người tử vong, ngày 4/4, Đại tá Lê Văn Hiến, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa (Hà Nội), cho biết Đống Đa là một quận đặc thù nội thành Hà Nội, có rất nhiều ngõ nhỏ nhà trọ và nhà ở kết hợp kinh doanh dạng nhà ống, và qua khảo sát, rất nhiều nhà không có lối thoát nạn.
Chính vì vậy, khi xảy ra hỏa hoạn, nhà ở dạng này luôn tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao khi người dân không có lối thoát. Trước khi xảy ra vụ cháy cửa hàng bỉm sữa khiến 4 người chết, Công an Q.Đống Đa đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền xuống từng tổ dân phố về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt các hộ nhà ống, tập thể lắp chuồng cọp để tránh trộm cắp, Công an Q.Đống Đa khuyến cáo tháo dỡ bởi khung sắt khiến việc chữa cháy, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, thoát nạn cũng khó.
“Đối với những nhà ống 1 lối không thể mở lối thoát nạn, nếu có thể, cần phối hợp với hàng xóm mở lối thông để thoát nạn khi cần. Tuy nhiên vấn đề này rất khó, bởi nhà nào biết nhà ấy, sợ trộm cắp nên những dạng nhà này khi cháy rất dễ có người tử vong”, đại tá Hiến cho hay.
Theo đại tá Hiến, sắp tới, Công an Q.Đống Đa sẽ quyết liệt, có hình thức mạnh hơn để nâng cao công tác an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Đặc biệt, nghị định 136 mới có hiệu lực, những nhà dân kết hợp kinh doanh không đảm bảo, có nguy cơ cháy nổ sẽ giao các phường xử lý quyết liệt.
Vì vậy đã lường trước hậu quả những vụ cháy ở dạng nhà này, từ lâu rồi, từ TP đến các quận, huyện, sau khi xảy ra vụ cháy đã tổ chứ tuyển tuyền xuống các hộ gia đình.
"Vấn đề những nhà tập thể thường lắp 'chuồng cọp' để tránh trộm cắp, đã được tuyên truyền, khuyến cáo cần cắt bỏ tháo dỡ. Không nên hàn các khung sắt để ngăn cản khi cháy xảy ra chữa khó, thoát nạn khó.
Đồng thời chúng tôi đã có những lời khuyên đối với những nhà sinh sống gần nhau nên phối hợp làm một lối thông nhau để thoát nạn khi cần. Nhưng quả thật khó thực hiện vì nhà nào biết nhà đó, sợ trộm cắp nên những dạng nhà như vậy khi cháy xảy ra rất dễ có trường hợp tử vong", ông Hiến cho biết.
Khi xảy ra hỏa hoạn, không chạy lên tầng tum khi ở đó không có lối thoát hiểm
Để tránh thương vong từ những vụ cháy, việc mở lối thoát nạn là vấn đề cốt lõi. Ngoài ra, các hộ gia đình cần trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc và trang bị kỹ năng sinh tồn cho mình.
"Ví dụ, khi đi ngủ cần ngắt thiết bị điện ở những khu vực không cần thiết, thường xuyên bảo dưỡng thiết bị điện, lắp những thiết bị an toàn hơn. Nếu xảy ra cháy, không tự dập được thì cần dùng mặt nạ chống độc hoặc khăn ướt trùm vào mặt để vượt qua đám cháy, thoát ra bên ngoài dù có bị bỏng.
Kiên quyết không được chạy lên tum không lối thoát, vì lên đó là đường cùng, rất ít cơ hội sống sót, chết ngạt rất nhanh”, đại tá Hiến nói.
Ông Hiến cho biết thêm, sắp tới quận sẽ quyết liệt yêu cầu vận động mạnh mẽ hơn. Việc không đảm bảo PCCC sẽ giao cơ sở xã phường quản lý, tuyên truyền hướng dẫn theo nghị định 136 mới.
"Những trường hợp hộ gia đình kiểm tra nếu không chấp hành, dẫn tới nguy cơ cháy nổ cao sẽ xử lý quyết liệt. Về vấn đề chập điện, chúng tôi khuyến cáo người dân đường điện, hệ thống an toàn về điện trong gia đình phải lắp đặt thiết bị an toàn hơn.
Khi đi ngủ, không cần thiết thì ngắt điện để đảm bảo an toàn. Thường xuyên bảo dưỡng thiết bị điện, điều này chắc chắn nhiều người phải chú ý đến. Những thiết bị như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, chống độc nên được trang bị trong gia đình.
Đặc biệt, khi xảy ra cháy, người dân không được chạy lên phía trên. Nên tìm mặt nạ hoặc khăn ướt để thoát ra ngoài, dù có bị bỏng. Trường hợp mới xảy ra là do không biết cách hoặc phát hiện quá muộn, nhưng chạy lên tum là giải pháp không hề an toàn.
Trong tình huống này phải chạy xuống và vượt qua đám cháy. Chỉ chạy nếu có lối thoát còn không thà bị bỏng vẫn phải vượt qua may ra còn có cơ hội sống sót", đại tá Hiến chia sẻ.