Từ vụ bê bối chấn động của Diddy: Mặt tối của danh vọng
Các ngôi sao, nhất là sao nhí đương nhiên phải có một bộ máy hậu thuẫn mới có thể phát triển được sự nghiệp. Nhưng thành sao khi còn nhỏ tuổi đã ít, người có thể chịu được áp lực của danh vọng và hệ lụy để trưởng thành còn ít hơn. Vụ việc liên quan “ông trùm âm nhạc” Diddy và ngôi sao Justin Bieber làm lộ ra mặt tối của nền công nghiệp giải trí dẫn đầu thế giới.
Chuyện thần tiên thành ác mộng
Quãng đời đầu của Justin Bieber tưởng như chuyện thần tiên có thật, hẳn là động lực cho nhiều cậu bé, cô bé chăm chỉ đăng các bài hát cover lên YouTube. Để rồi một ngày biết đâu cũng được một nhà sản xuất nào đó (như Diddy) phát hiện.
Đành rằng, thế giới có không nhiều nhưng cũng chẳng ít tài năng như Justin Bieber, nhưng nổi tiếng cỡ Bieber chỉ có một. Cho nên ngoài tài năng nổi bật, bộ máy lăng xê cũng rất quan trọng.
Sẽ ra sao nếu người hậu thuẫn là kẻ thế lực và nguy hiểm, vừa muốn kiếm tiền vừa muốn thao túng nạn nhân. Hắn sẽ dùng mồi nhử là danh tiếng, tiền bạc đổi lại nạn nhân phải thỏa mãn một số đòi hỏi quái đản của hắn và thế lực đằng sau. Coi như đó là cái giá để tiến thân. Đó là một guồng quay vô độ đòi hỏi những kẻ mới gia nhập phải “hiến thân” cho danh vọng.
Trong một giai đoạn nào đó, nạn nhân cho rằng đó là việc cần thiết, không thể tránh khỏi để có thể bước vào thế giới của tiền tài danh vọng. Cho đến khi họ đủ trưởng thành và bản lĩnh để bứt được ra. Nhưng cũng không phải ai cũng may mắn sống được đến lúc đó.
Nước Mỹ tạo ra nhiều ngôi sao nổi tiếng , thành công từ tấm bé, kéo theo hàng loạt đổ vỡ, tranh chấp. Chủ yếu vì họ kiếm được quá nhiều tiền. Không ít ngôi sao xuất thân không khá giả, cũng không thể dựa dẫm vào gia đình. Họ buộc phải tách rời gia đình để dấn thân vào guồng quay giải trí.
Có những người vượt qua được như Drew Barrymore vẫn tiếp tục làm nghề, nhưng cũng có người như Macaulay Culkin còn sống đã là tốt rồi. Hoặc cũng có những người không qua khỏi tuổi 35 như Aaron Carter (1987-2022).
Bieber từng gián tiếp tố cáo thế lực đã lấy đi sự bình yên của anh qua một số MV, tiêu biểu là Yummy với hình ảnh anh để ảnh chân dung hồi bé của mình trên đĩa như một món ăn trên bàn tiệc của “người lớn”. Và qua cả lời anh vừa nói vừa khóc về đàn em Billie Eilish trong một cuộc phỏng vấn từ 2020: “Tôi muốn bảo vệ Billie. Tôi không muốn em ấy phải trải qua những gì mà tôi từng vấp ngã. Tôi không bao giờ muốn điều này xảy ra với bất cứ ai cả”.
Như vậy, ít ra Justin cũng đã chủ động chấm dứt chuỗi bạo lực liên hoàn kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, chỉ tráo đổi vị thế. Cụ thể, theo một số nguồn tin, Diddy từng là nạn nhân của các ông trùm trước đây, rồi khi đủ lông đủ cánh anh ta lại trở thành thủ phạm. Usher khi mới 13 tuổi từng được công ty quản lý gửi đến sống với Diddy để được đào tạo trong 1 năm tại cái gọi là Puffy Flavor Camp - nơi mà anh khẳng định sẽ không đời nào gửi con mình tới.
Nhưng cũng chính Usher giới thiệu Bieber cho Diddy mà dư luận bảo là để “thế chỗ” cho chính anh. Đương nhiên, Diddy phải có cả một bộ máy để lùa các nạn nhân vào tròng. Dường như việc trao đổi tình dục là một luật bất thành văn trong showbiz .
Truyền thống quấy rối
Bieber khi ở tuổi vị thành niên đã là miếng mồi ngon cho nhiều anh chị đồng nghiệp quấy rối tình dục bằng lời nói hay hành động. Với một ngôi sao vị thành niên như Bieber, các MC tự cho mình quyền hỏi những câu như: “Em sẽ chọn uống sinh tố giun hay biểu diễn mà không mặc gì?”, thậm chí họ nửa đùa nửa thật rằng muốn quan hệ tình dục với Bieber.
Cho đến lần bị MC Jenny McCarthy “cưỡng hôn” kèm đụng chạm vòng ba ngay trên sân khấu lễ trao giải American Music Awards, Bieber khi đó đã 18 tuổi tuyên bố tại chỗ: “Tôi cảm thấy mình vừa bị xâm hại”.
Việc lặp đi lặp lại mô thức giao tiếp này đối với Bieber giống như một kiểu huấn luyện trao truyền thông điệp ngầm từ tiền bối rằng hãy biết chấp nhận đánh đổi để được thành công?!
Những hành động này diễn ra công khai và được ghi lại. Vậy, còn những gì diễn ra trong bóng tối và không thể nói ra thì sao? Chắc trong phiên tòa tới đây xử Diddy, tấm màn sẽ được vén lên cho thấy cái ác và dục vọng đã thông đồng sau lưng nạn nhân thế nào.
Nhập nhằng “con nuôi”, học trò…
Việt Nam chưa có một hạ tầng phát triển đủ để giúp ngôi sao có sự nghiệp từ bé. Riêng Xuân Mai thành danh nhờ sự quản lý của cha ruột. Nhưng cũng có một số bậc cha mẹ nhận ra rằng, có thể đi đường tắt bằng cách gửi con cho ngôi sao mà họ cho rằng có đủ uy tín để truyền nghề và nâng đỡ cho con mình nhanh chóng thành sao. Đó là trường hợp của Hồ Văn Cường và Hoài Lâm khi còn ở tuổi vị thành niên đều được gia đình chấp thuận đến sống với thầy/cô là Phi Nhung hay Hoài Linh.
Dù sao cũng phải khẳng định rằng, danh vọng showbiz thường quá sức đối với một đứa trẻ. Còn đồng tiền đôi khi cũng đủ sức phá hủy cả tình cảm gia đình. Như trường hợp Britney Spear bị chính cha mẹ thao túng và bạo hành ngay cả khi đã trưởng thành.
Tuy nhiên, về sau quan hệ thầy trò đều nảy sinh nhiều sóng gió, dù chưa đến mức phải đưa ra pháp luật. Nhưng có vẻ mô hình đỡ đầu theo kiểu gia đình này không hiệu quả. Và thường ngôi sao trẻ phải gánh chịu thiệt hại trước tiên. Đến trường chuyên nghiệp để phát triển tài năng và nếu hợp tác với một đơn vị hay cá nhân nào cũng phải dựa trên hợp đồng chặt chẽ sẽ an toàn và bền vững hơn.
Dù sao cũng phải khẳng định rằng, danh vọng showbiz thường quá sức đối với một đứa trẻ. Còn đồng tiền đôi khi cũng đủ sức phá hủy cả tình cảm gia đình. Như trường hợp Britney Spear bị chính cha mẹ thao túng và bạo hành ngay cả khi đã trưởng thành.
Drew Barrymore năm 14 tuổi đã quyết định phải tự quản lý lấy mình sau vài phen ra vào trại cai nghiện (cô mắc nghiện cũng do bị những bạn đồng nghiệp lớn tuổi dụ dỗ). Tòa chấp thuận để cô tách khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Và đó là hành động đầu tiên để Barrymore tự cứu đời mình. Giờ đây là mẹ của hai con gái, cô khẳng định: “Tôi sẽ không để các con mình làm diễn viên khi còn nhỏ. Đó là một kịch bản của những thảm họa”.
Nhưng dù sao, nhiều bộ phim vẫn cần đến các diễn viên nhỏ tuổi. Và “kịch bản thảm họa” ít nhiều sẽ vẫn có xác suất xảy ra.