Từ trường hợp dị ứng của ca sĩ Hương Tràm, chuyên gia đưa ra cách phòng bệnh tốt nhất cho bệnh da mùa đông
Dù là dị ứng cấp tính, viêm da cơ địa hay nổi mề đay thông thường… thì cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là giữ ẩm da đúng cách vào mùa đông, tránh tình trạng khô da.
Dị ứng cấp tính chưa rõ nguyên nhân hành hạ ca sĩ Hương Tràm gần 2 tuần nay
Mới đây, đại diện của ca sĩ Hương Tràm chia sẻ nữ ca sĩ bị dị ứng từ giao thừa năm 2019 khi ra Hà Nội để tập luyện cùng ban nhạc. Ban đầu, Hương Tràm chỉ bị ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ nên nghĩ là dị ứng do thời tiết ở mức độ khá nhẹ. Do chủ quan không đi khám, tình trạng dị ứng của cô ngày càng nặng thêm, cơ thể nổi từng mảng đỏ từ cổ xuống chân tay đến nỗi phải nhập viện khám chữa bệnh.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán giọng ca "Em gái mưa" bị dị ứng cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Trước đó, cô từng bị stress kéo dài và sút cân, mất ngủ thường xuyên vì quá lo lắng cho show diễn. Thậm chí còn luôn tự bóc da tay đến rỉ máu để giải tỏa áp lực. Tình trạng bóc da tay vẫn diễn ra thường xuyên và đến giờ vẫn chưa kết thúc.
Dị ứng cấp tính chưa rõ nguyên nhân hành hạ ca sĩ Hương Tràm gần 2 tuần nay.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình (Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai), dị ứng có thể biến đổi đột ngột, từ ngứa ngáy ở da sang khó thở, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Do đó, nếu mắc bệnh như ca sĩ Hương Tràm thì nhất định không được bỏ qua, cần đi khám và điều trị ngay. Tình trạng dị ứng đến nỗi sưng tấy, nổi thành từng mảng có thể là do trời lạnh, xuất phát từ cơ địa của từng người. Nếu ở mức độ nặng bắt buộc phải dùng thuốc chống dị ứng.
Đây chỉ là một chứng bệnh về da thường gặp vào mùa lạnh, nhất là những ngày tiết trời lạnh khắc nghiệt như hiện nay. Giới chuyên gia còn cảnh báo rất nhiều chứng bệnh về da khác mà bất cứ ai, dù là người già hay người trẻ, cũng không được chủ quan bỏ qua.
Đại diện của ca sĩ Hương Tràm chia sẻ nữ ca sĩ bị dị ứng từ giao thừa năm 2019 khi ra Hà Nội để tập luyện cùng ban nhạc.
Ngăn chặn khô da bằng giải pháp giữ ẩm là cách phòng bệnh da mùa đông tốt nhất
Theo TS Lê Hữu Doanh (Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương), bắt nguồn từ bệnh lý khô da, mất chất bảo vệ trên da và sự thay đổi thời tiết khiến viêm da hoành hành. Khi độ ẩm của không khí xuống thấp, tình trạng khô da càng nặng, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng luẩn quẩn: viêm da, ngứa da, càng chà sát càng viêm càng ngứa, khiến bệnh tình thêm nặng nề.
Theo BSCKII Nguyễn Thành (Nguyên trưởng khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương), khô da mùa đông rất dễ phát triển thành những căn bệnh nguy hiểm như á sừng, viêm da cơ địa, vảy nến, một số bệnh da dị ứng như nổi mề đay, bệnh cước lạnh… Biểu hiện thường gặp của những căn bệnh này thường là da quá khô, dẫn đến nứt nẻ, chảy máu và đau đớn kéo dài, có thể bị nhiễm trùng, sưng tấy.
Khô da mùa đông rất dễ rất phát triển thành những căn bệnh nguy hiểm.
Do đó, việc giữ ấm da đúng cách vào mùa đông là nhiệm vụ hàng đầu bất cứ ai cũng cần tuân thủ nếu không muốn phát sinh các bệnh về da vào mùa lạnh. Chúng ta có thể giữ ẩm da từ trong ra ngoài. Về việc bôi ngoài, chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm đúng cách, hạn chế sử dụng các sản phẩm có màu, mùi vì có thể gây dị ứng cho người vốn có cơ địa dị ứng.
Bạn cũng nên uống nhiều nước mỗi ngày, ăn những món ăn có khả năng phòng chống khô da. Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), bạn có thể tìm đến bác sĩ Đông y thăm khám và kê đơn thuốc uống, nên ăn nhiều chân giò om chuối xanh, đỗ trọng nấu gân bò… để làn da mướt mát hơn. Ngoài ra việc ăn nhiều thực phẩm giàu axit béo thiết yếu, ăn nhiều hoa quả và rau xanh, đặc biệt là rau quả có nhiều vitamin C, E như giá đỗ, cà chua, các loại đậu, rau ngót, rau bí, bắp cải, cam, bưởi... nhằm cung cấp độ ẩm cho da.
Cơ địa dị ứng thường tồn tại suốt đời với triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian.
Giới chuyên gia nhận định, cơ địa dị ứng thường tồn tại suốt đời với triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian. Thời tiết liên tục rét đậm rét hại, chuyển lạnh đột ngột, lạnh sâu lạnh buốt với nền không khí khô cao điểm rất dễ phát sinh viêm da, dị ứng. Khi bị dị ứng, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh việc tự ý chữa bệnh khiến bệnh nặng thêm hoặc tự ý gãi cọ, gây trầy xước, chảy máu, làm tình trạng stress kéo dài.