Từ tiếng Việt đến người Việt cũng phải "lú" vì có 7749 cách dùng: Ai biết hết chắc ngày xưa học giỏi lắm!
Bạn có biết cách dùng đúng của từ tiếng Việt này?
Tiếng Việt phong phú là điều không thể bàn cãi. Với 29 chữ cái khác nhau, 5 dấu thanh (sắc, hỏi, huyền, ngã, nặng) và một thanh bằng, chúng ta có thể tạo ra vô vàn từ mang sắc thái nghĩa khác nhau.
Trong tiếng Việt cũng có nhiều từ ngữ đa nghĩa có thể khiến cả người Việt lẫn người nước ngoài phát lú, điển hình như từ "ấy". Cụ thể bên dưới một bài viết chia sẻ về các từ ngữ có thể khiến du khách nước ngoài khó dùng bậc nhất, từ "ấy" đã được nêu tên trong top đầu. Lý do là bởi từ này có thể dùng trong rất nhiều trường hợp, thay thế cho danh từ, động từ, tính từ…
Theo từ điển Soha, từ "ấy" được dùng ở vị trí đại từ, trợ từ, hay thậm chí cả cảm từ.
Khi dùng là đại từ, từ "ấy" dùng để chỉ những cái đã được nhắc tới, biết tới, nhưng không ở kề bên người nói hoặc không thuộc về hiện tại (Ví dụ: Đưa tôi quyển sách ấy). Bên cạnh đó, từ này còn được dùng để gọi một cách thân mật người thuộc hàng bạn bè còn ít tuổi, thường không biết hoặc tránh gọi tên (Ví dụ: Ấy ơi tên là gì?).
Trong khẩu ngữ, từ "ấy" dùng để nhấn mạnh như muốn láy lại điều vừa nói đến (Ví dụ: Tôi ấy ư, lúc nào đi cũng được). Ngoài ra, từ "ấy" cũng là tiếng thốt ra đầu câu để gợi sự chú ý và để tỏ ý ngăn cản hay là không bằng lòng, hoặc ý khẳng định (Ví dụ: Ấy, đừng làm thế!).
Và trên thực tế, trong cuộc sống hàng ngày, từ "ấy" có thể thay thế cho bất kì từ nào mà chẳng cần tuân theo bất kỳ quy tắc nào. Điều kỳ diệu là chỉ cần biết ngữ cảnh và đối tượng của cuộc hội thoại, phần lớn thời gian chúng ta vẫn có thể đoán được từ "ấy" đó rốt cuộc là cái gì, thế mới hay.
Đọc xong bạn đã thấy phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam chưa?
Bên dưới bài đăng, nhiều dân mạng đã liệt kê thêm một số từ tiếng Việt đa nghĩa có thể gây lú khác như "nó, đó"… đồng thời chia sẻ thêm những tình huống dở khóc dở cười của mình.
- Đại từ xưng hô trong tiếng Anh chỉ có 7 nhưng ở tiếng Việt thì có vô vàn.
- Ấy còn là một từ rất tâm linh. Đôi khi người nói cứ "ấy" suốt cuộc nói chuyện nhưng người nghe vẫn hiểu "ấy" là gì.
- Mình cứ nghĩ tiếng Việt dễ cho đến khi vô đại học phải học môn chuyên ngành.
- Thường mẹ mình hay nói "con lấy cái ấy ở chỗ ấy qua đây". Dù không nói thẳng ra nhưng vẫn hiểu được mới tài.