Từ những vụ tử vong khi đang lái xe nghi do đột quỵ, điều cần ghi nhớ để phòng tránh nguy cơ
Thời gian gần đây, nhiều vụ tử vong khi đang lái xe nghi do đột quỵ xuất hiện liên tục khiến nhiều người hoang mang.
Nhiều vụ tử vong khi đang lái xe nghi do đột quỵ
Thời gian gần đây xuất hiện liên tiếp các vụ tử vong khi đang lái xe nghi do đột quỵ khiến nhiều người hoang mang.
Vào chiều 4/9, chính quyền địa phương thị xã La Gi (Bình Thuận) xác nhận thi thể anh N.T.B, tài xế xe khách chạy tuyến La Gi – TP HCM, nghi bị đột quỵ, tử vong khi đang lái xe chở khách đã được đưa về nhà lo hậu sự.
Trước đó, vụ việc được camera hành trình trên xe ghi lại vào sáng 2/9, khi anh B. đang lái xe chở khách từ La Gi đến địa bàn Quận 5 (TP HCM) thì ngã gục, co giật, có dấu hiệu đột quỵ nhưng vẫn cố gượng dậy, cho xe dừng lại.
Hành khách trên xe mới phát hiện và gọi cấp cứu đưa anh đến một bệnh viện tại Quận 5. Đáng tiếc, anh đã không qua khỏi, được đưa về nhà lo hậu sự.
Trước đó, vào trưa 1/9, một vụ tài xế khác lái xe chở khách nghi bị đột quỵ và tử vong, diễn ra tại Bình Thuận.
Vào tháng trước, một tài xế chở khách từ TP.HCM đi Sóc Trăng cũng bị đột quỵ, dẫn đến tử vong. Để đảm bảo an toàn cho hành khách, tài xế vẫn cố gắng đánh lái, tấp xe vào lề. Sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Từ những vụ việc đau lòng như trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần chú ý đề phòng đột quỵ khi điều khiển phương tiện giao thông nói chung. Trong thực tế, đột quỵ có thể gây ảnh hưởng đến bất cứ ai, vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Tuy nhiên, đột quỵ khi đang lái xe, nhất là với những người lái xe ô tô, có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Do đó, ngoài việc kiểm tra thị lực, thính lực, người lái xe cần được kiểm tra định kỳ các bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, tiền sử co giật... phòng tránh các trường hợp đáng tiếc. Người dân nói chung cũng nên học cách sơ cứu đột quỵ để có thể kịp thời ứng cứu, song song việc gọi cấp cứu.
Theo ThS.BS Lương Quốc Chính (Bệnh viện Bạch Mai), đây là việc làm quan trọng nhất khi thấy một người bị đột quỵ. Vì với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng.
Trong lúc chờ đợi nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng, tay trên gấp, tay dưới duỗi thẳng ra trước mặt, chân trên co, chân dưới duỗi thẳng. Có thể dùng vải hoặc gối để kê giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế như vậy. Tuyệt đối không áp dụng các biện pháp dân gian như chích máu đầu ngón tay... cho người nghi bị đột quỵ, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Phòng tránh đột quỵ, tránh tử vong đáng tiếc theo gợi ý của chuyên gia
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam), đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa khi thay đổi lối sống và điều trị tích cực. Đây mới là điều quan trọng nhất giúp bạn an toàn khi tham gia giao thông.
Có 6 việc cần làm ngay để phòng tránh đột quỵ, người trẻ cũng nên thực hiện để phòng tránh từ bây giờ:
- Có chế độ ăn uống hợp lý, cố gắng ăn ít thức ăn nhiều dầu mỡ, chứa cholesterol cao, nhiều đường, nhiều muối...
- Nên ăn nhiều rau quả tươi để đào thải các chất dư thừa trong cơ thể. Từ đó sẽ chuyển hóa lipid thừa ra ngoài cơ thể bằng quá trình trao đổi chất, giúp lưu thông mạch máu, giảm tắc nghẽn mạch máu, ngăn ngừa các bệnh về mạch máu như nhồi máu não.
- Nên ăn nhiều rau quả để đào thải các chất dư thừa trong cơ thể.
- Tập thể dục với các bài tập như đi bộ, chạy bộ... để thúc đẩy tuần hoàn máu, đẩy nhanh tốc độ trao đổi chất trong cơ thể, tránh lắng đọng một lượng lớn các chất có hại trong mạch máu và giữ cho mạch máu luôn sạch.
- Ăn ngủ điều độ, tránh thức quá khuya.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng đột quỵ. Nó không chỉ gây hại sức khỏe bản thân mà còn cả những người xung quanh. Do đó nên từ bỏ thuốc lá để tránh đột quỵ cũng như nhiều bệnh lý khác.