Từ chuyện hai cô bé 13 tuổi là lớp phó bị tẩy chay, uy hiếp... chuyên gia tâm lý khuyên một câu thấm thía, không chỉ đúng cho trẻ em mà cả phụ huynh
Hai cô bé 13 tuổi, cùng là lớp phó và đều bị... cô lập, tẩy chay. Một cô bé không chịu nổi áp lực đã uống thuốc diệt cỏ tự tử nhưng may được cứu sống. Câu hỏi nên làm gì khi con mình bị bắt nạt dù đã nhiều lần được đặt ra nhưng các bậc cha mẹ vẫn chưa tìm được đáp án.
Ngày 30/3, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết đã cứu chữa thành công cho bé N.T.N (13 tuổi, quê Long An) sau khi bệnh nhi uống thuốc trừ sâu. Người cha cho biết vào lớp 7 N. là lớp phó học tập, có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp nên dần dần, N. bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng. Em đã ngất xỉu 1 lần trong trường vì áp lực và do bị bắt nạt vào học kỳ 1 năm ngoái.
Sau khi được điều trị tâm lý, bé đã hối hận và hứa sẽ không còn làm chuyện dại dột nữa. Tuy nhiên, bắt nạt học đường luôn tồn tại và ám ảnh nhiều học sinh như một "bóng ma", nhiều khi bố mẹ người lớn không nhận ra nhưng hậu quả để lại thật vô cùng to lớn.
Chương trình Điều con muốn nói số mới nhất của tháng 3 cũng là câu chuyện bắt nạt học đường với nhân vật chính là Cẩm Hà - cô bé 13 tuổi năng nổ tham gia nghệ thuật, có nhiều cơ hội thể hiện bản thân nhưng lại không nhận được nhiều thiện cảm của bạn bè ở trường. Cẩm Hà hoàn toàn sốc khi bị bạn cùng lớp dọa nạt, tẩy chay.
"Các bạn nghĩ con mắc bệnh ngôi sao và xa lánh, gây sự với con nhiều hơn. Trong trường, hễ nghe nhắc đến tên con, các bạn sẽ nói xấu để bạn mới không chơi với con. Thỉnh thoảng, các bạn đi ngang, huých con thật mạnh. Các bạn còn nói các anh chị lớn đến uy hiếp, nói con liếc các anh chị". Trước những sự việc, Cẩm Hà kể lại với cô giáo chủ nhiệm và gia đình nhưng sự việc vẫn còn tồn tại hơn 1 năm nay.
Trong lớp, Cẩm Hà giữ vai trò lớp phó kỷ luật. Mỗi khi em ghi tên các bạn nói chuyện, các bạn sẽ phản ứng mạnh và nói những lời xúc phạm. Em bộc lộ nỗi lòng: "Con chỉ có 3 người bạn thân. Trong lớp có 52 bạn, chỉ có 2 bạn chơi với con, còn lại đều ghét con. Các bạn còn xúi giục lớp khác không chơi, cô lập con. Khi con hỏi bài, các bạn đều không trả lời. Con từng nghĩ sẽ thay đổi cách nói chuyện, tìm cách tác động, lôi kéo, tặng quà cho các bạn nhưng mọi chuyện vẫn vậy. Đôi lúc, con ước các bạn sẽ hòa đồng với con hơn".
"Trong đời, thực sự chúng ta chỉ có một vài người bạn thân, hiểu mình"
Khái niệm bạo lực không chỉ đơn thuần là đánh đập, gây tổn thương về mặt thể chất. Bạo lực học đường đang trở thành nỗi ám ảnh với học sinh khi được "cộng thêm" những hành vi nhục mạ, đe dọa, cô lập… gây tổn hại nặng nề đến tinh thần trẻ. Tẩy chay là một dạng bắt nạt về cảm xúc. Nó để lại vết sẹo lớn trong lòng, và rất khó để phục hồi. Tiếc thay, vết thương ấy là vô hình, rất khó để nắm bắt. Nạn nhân bị tẩy chay có thể bị chấn động tâm lý, thậm chí hình thành rối loạn lo âu hoặc trầm cảm. Một số trường hợp dẫn đến tự sát.
Chẳng hạn ở câu chuyện của Cẩm Hà, em bị ghét đôi khi chẳng vì lý do gì, đơn giản vì con có vẻ ngoài đặc biệt hơn các bạn. "Cẩm Hà xinh đẹp, dáng dấp cân đối thêm việc con tham gia nghệ thuật. Lứa tuổi nhỏ dễ bị tác động, ảnh hưởng suy nghĩ từ bạn bè, hùa theo số đông nói những điều không đúng. Phụ huynh của các bé cũng xem lại vì đây là câu chuyện giáo dục, từ nền tảng gia đình. Chúng ta phải đồng hành, giúp con hiểu về sự khác biệt và tôn trọng những khác biệt đó, để tạo ra những đứa trẻ không tỵ nạnh, ganh ghét với người khác", MC Ốc Thanh Vân nhận xét.
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A nhận định không ai và không cách nào để kiểm soát được việc yêu ghét của mỗi người. Chị nói: "Những người bạn ghét ta về ngoại hình, chiều cao… chúng ta không cần kết thân, nuôi dưỡng tình bạn ấy. Trong đời, thực sự chúng ta chỉ có một vài người bạn thân, hiểu mình. Sự nổi bật của bản thân không phải là lỗi của con nhưng vô tình tạo ra áp lực cho các bạn.
Cẩm Hà phải chủ động để các bạn hiểu, việc tỏa sáng không chỉ cho riêng bản thân con cũng nên gắn với thành tích của tập thể. Điều quan trọng nhất là Cẩm Hà phải được an toàn khi đến trường và kết nối với thầy cô bởi việc này có thể dẫn nguy cơ bạo lực học đường ở mức độ đáng báo động hơn qua các hành vi xô xát, hành hung bạn".
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Trung tâm GDĐB Diệp Quang, cha mẹ có thể nhận ra dấu hiệu con bị bắt nạt: Chẳng hạn trước đây trẻ hoạt bát, cởi mở, nay trở nên lầm lì, nhút nhát, không hợp tác với cha mẹ. Đặc biệt là trẻ rất sợ đến trường và luôn mong muốn được chuyển nơi học.
Khi phát hiện trẻ bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ đừng quy lỗi, nghi ngờ trẻ, hay nghĩ rằng con mình đã khiêu khích người khác. Cần khuyến khích trẻ mạnh dạn kể lại câu chuyện, tìm hiểu lý do tại sao trẻ bị bắt nạt. Hãy phân tích giúp con nhận ra vấn đề và luôn đứng về phía con, đặt niềm tin vào con. Cha mẹ cần làm trung gian giúp con tìm sự chia sẻ, cảm thông từ những bạn bè khác. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích trẻ mạnh dạn "tố" sự việc với thầy cô, gia đình.
Cha mẹ cần tránh vì quá bức xúc mà xúi giục trẻ có những hành vi bạo lực chống lại hoặc la mắng trẻ. Những phản ứng tiêu cực của cha mẹ dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực của trẻ.
Với những trẻ có đặc điểm nổi bật như xinh đẹp, ăn diện, học giỏi… cũng thường bị ghét. Những đối tượng này cần được người lớn hướng dẫn cách tự bảo vệ mình như cách ăn mặc, ứng xử, nói năng, hay đừng cho rằng điểm nổi bật của mình là hơn hẳn bạn bè.
Trên thực tế, sự khác biệt về hình thức và thể chất thực sự rất khó giải quyết. Tính nhỏ nhen và trẻ con là điều tồn tại ở bất kỳ đâu, dù là trường nào cũng vậy. Các em cần tìm bạn cho mình, không phải bạn này thì sẽ có những người bạn khác, bởi càng cô lập càng dễ bị… dọa.