Chuyện về Loan: Năm 11 tuổi bị dây phơi quần áo đâm hỏng mắt, từng bị bắt nạt bằng đủ ngôn từ miệt thị và học bổng 1,5 tỷ đồng ở tuổi 22
"Chị biết cái dây phơi quần áo chứ? Họ giăng lên và có móc sắt thừa nhưng không cắt đi. Lúc em đi phơi đồ, cái dây đó lại đúng tầm mắt. Nó đâm vào nhãn cầu của em...", Loan kể lại.
Có người từng nói rằng: Cuộc sống vốn dĩ khó khăn! Nếu không khó, ta đã không khóc khi mới chào đời. Trước những thách thức của cuộc sống, có người chọn buông xuôi. Có người lại mạnh mẽ đối mặt. Chính suy nghĩ, thái độ sống khác biệt đó khiến chúng ta trưởng thành và khẳng định được vị trí trong xã hội - một xã hội vốn đầy rẫy bất công, phức tạp.
Với Nghiêm Thu Loan, em không may mắn khi sinh ra với đôi mắt bị khiếm thị. Nhưng bằng bản lĩnh sống, Loan dần chứng minh cho mọi người thấy: Thái độ sống tốt đẹp chính là thứ ánh sáng dẫn đường bền bỉ nhất...
Tai nạn thương tâm vĩnh viễn cướp đi ánh sáng của cô gái trẻ
Nghiêm Vũ Thu Loan (sinh năm 1998, quê quán ở Sơn Tây, Hà Nội) sinh ra trong một gia đình thuần nông có 5 chị em gái. Chị gái kế của Loan vừa chào đời đã có tật về mắt, chỉ có 10% thị lực. Đến khi mang bầu Loan, bố mẹ nơm nớp lo sợ em có thể mắc căn bệnh này. Nỗi lo cuối cùng thành hiện thực.
Loan bị khiếm thị bẩm sinh và phải lên bàn mổ khi mới vài tháng tuổi. Tuy nhiên những năm đầu đời, cô gái trẻ vẫn có thể nhìn thấy mờ mờ, phân biệt được sáng, tối. Và thế giới của Loan chìm vào bóng tối do một tai nạn thời trung học.
"Năm 11 tuổi, khi đang học tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, em gặp một tai nạn. Chị (PV) biết cái dây phơi quần áo chứ? Họ giăng lên và có móc sắt thừa nhưng không cắt đi. Lúc em đi phơi đồ, cái dây đó lại đúng tầm mắt. Nó đâm xuyên vào nhãn cầu của em, đúng vào con mắt em đang nhìn được mờ mờ. Từ đó, em mất hẳn ánh sáng", Loan kể lại bằng tông giọng bình thản. Dường như vụ tai nạn đã không còn ám ảnh em nữa. Sau đó, cô gái trẻ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật.
Nghiêm Vũ Thu Loan
Lần gần đây nhất, em lên bàn mổ để múc mắt thật đi. Bây giờ em lắp mắt giả, ra đường nếu nhìn nghiêng thì mọi người không phát hiện đâu.
Hành trình học tập đầy gian nan, bị từ chối dù đạt giải quốc gia
Cả khi khiếm thị đến lúc mất hoàn toàn ánh sáng, Loan đều gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia hòa nhập giáo dục cộng đồng. Loan kể, em bỏ qua giai đoạn học lớp 1, lớp 2 vì thời điểm đó đi chữa trị liên tục. Trường ở quê cũng không biết dạy một người như em thế nào nên thi thoảng chị gái dạy em ở nhà.
Sau đó Loan chuyển lên trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ lớp 4 đến hết cấp 2 (Trường hòa nhập dành cho người khiếm thị nhưng vẫn dạy cả học sinh bình thường). Đây cũng là lúc Loan đối mặt với vô vàn thử thách. Đầu tiên là việc thiếu sách vở chữ nổi, thứ hai là không nhìn được bảng nên luôn phải nghe chép.
Để có thể theo kịp tiến độ học, Loan thường xuyên phải mượn sách vở của bạn bè, đồng thời mang theo máy ghi âm để ghi lại bài giảng. Cả ở nhà và trên lớp, em đều phải xem trước và xem lại bài mấy lượt. Việc học vì vậy tốn thời gian gấp 3, 4 lần so với các bạn sáng mắt.
Đến khi lên cấp 3, Loan thật sự suy sụp vì không một trường công lập nào muốn nhận em. Bởi họ cũng không biết phải đào tạo người khiếm thị ra sao. "Khi lên cấp 2, em đã chuẩn bị sẵn cho việc học cấp 3. Theo những gì tìm hiểu, em biết được thí sinh khiếm thị sẽ không được tham gia kỳ thi tuyển sinh bình thường.
Vì vậy em tìm hiểu 1 cách thức khác để được vào cấp 3. Đó là đoạt giải quốc gia - thí sinh đoạt giải sẽ được chọn nhập học bất kỳ trường nào mong muốn. Lúc đó em đã được giải viết thư UPU và giải điền kinh", Loan chia sẻ.
Với người sáng mắt, học môn điền kinh đã rất mệt mỏi. Vậy mà một cô gái mất đi ánh sáng như Loan lại đoạt được giải quốc gia bộ môn này. Một điều phi thường mà không ai dám nghĩ tới.
"Chắc chị (PV) rất bất ngờ đúng không? (Loan bật cười). Tập điền kinh với người khuyết tật vô cùng vất vả. Nhưng lúc đó em có mục tiêu phải đoạt huy chương bằng được để có thể vào cấp 3. Em đã được các huấn luyện viên giúp đỡ rất nhiều. Khi em chạy sẽ có hai người chạy cùng. Một người dắt và một người chạy ngang hoặc sau để đảm bảo mình không chạy lệch đường. Ngoài ra còn có sợi dây buộc vào tay để mình không bị lạc".
Nghiêm Vũ Thu Loan
Tập điền kinh với người khuyết tật vô cùng vất vả. Nhưng lúc đó em có mục tiêu phải đoạt huy chương bằng được để có thể vào cấp 3.
Tuy nhiên có một điều mà Loan không ngờ tới. Đó là cả khi em đã được giải thì các trường vẫn từ chối không muốn nhận. Gia đình em đã đi xin xỏ, cầu cạnh khắp nơi, từng tuyệt vọng không thốt nên lời... May mắn đến với Loan khi trường hợp của em được nguyên Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - cô Nguyễn Thị Thúy Anh biết tới.
Cô Thúy Anh và một nhà báo sau đó đã giúp đỡ hết sức để Loan được nhập học tại trường. Nghĩ lại hành trình vất vả đó, Loan không khỏi xúc động và không ngừng bày tỏ lòng biết ơn tới ân nhân năm xưa. "Nếu không có cô Thúy Anh, em đã không được học cấp 3", cô gái trẻ nghẹn ngào.
Trường THPT Yên Hòa vốn là trường bình thường nên tại đây không có sách chữ nổi dành cho người khiếm thị. Khi làm bài kiểm tra, Loan cũng bị thiệt thòi về thời gian. Bởi nhiều lúc học sinh sáng mắt đã làm xong gần hết bài thì em vẫn đang loay đọc đề. Tuy vậy thành tích của cô gái trẻ vẫn luôn nằm trong tốp 3 của lớp.
Điều này cũng một phần nhờ cô Thúy Anh đã tạo điều kiện cho em hết mực, bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt nhất như nhắc giáo viên thay đổi cách dạy, không sử dụng các từ phiếm chỉ này nọ,... để Loan có thể định hướng, bắt nhịp cùng các bạn.
Sau khi Loan học xong cấp 3 thì lại tiếp tục câu chuyện không có trường đại học nào muốn nhận em. Hành trình lần này còn khó khăn hơn gấp vạn lần. Lúc đó Loan từng nghĩ đến việc học tại các trường quốc tế hoặc đi du học. Vậy là Loan quyết định nghỉ học 1 năm để chuẩn bị cho mình những kỹ năng mà một sinh viên quốc tế cần là tiếng Anh và tin học.
Trong thời gian này, Loan đã viết một cuốn sách đầu tay và được nhận học bổng trị giá 1,5 tỷ đồng tại trường ĐH quốc tế RMIT - tương đương với việc miễn phí 4 năm học. Tất nhiên đó là một cuộc cạnh tranh công bằng và không có sự ưu ái nào dành cho người khiếm thị.
Để đủ điều kiện đạt học bổng thì ngoài kiến thức, Loan phải trau dồi thêm các kỹ năng xã hội. Em tham gia các hoạt động ngoại khóa, đi làm trợ giảng tiếng Anh cho trung tâm Hội người mù Việt Nam, các buổi training, trở thành diễn giả,...
Sau nhiều nỗ lực, có cả nụ cười và nước mắt thì hiện tại, Loan đã trở thành cô sinh viên khoa Truyền thông chuyên nghiệp của ĐH quốc tế RMIT.
"Không nhìn thấy gì tủi thân lắm. Nhưng đó không phải lý do khiến em chùn bước"
Những năm tiểu học, Loan từng bị bạn bè bắt nạt, gọi bằng nhiều danh xưng miệt thị. "Trẻ con nên là "trẻ trâu" lắm chị, thích trêu những bạn khác với mình. Em từng bị bắt nạt bằng nhiều trò, rồi còn bị gọi là "con lé", "con lác", "con mù",... Nhưng giờ nghĩ lại những chuyện đó, em không còn buồn nữa.
Nhưng không có nghĩa là em không tủi thân đâu. Em đi làm diễn giả, em phát biểu trước nhiều người. Ai cũng thấy em tự tin nhưng không biết em run rẩy, sợ hãi như nào. Em cũng lo không biết mình có xấu không. Ngoại hình của mình có làm người khác ghét, buồn cười không?
Rồi em cũng là một cô gái trẻ, cũng muốn yêu đương. Nhưng em tự ti lắm. Liệu có ai thông cảm với hoàn cảnh của em và đến bên em không? Ở trường đại học của em không chỉ có khoảng cách giữa bạn sáng mắt và bạn khiếm thị. Còn cả khoảng cách giàu - nghèo nữa. Nhưng tất cả những điều đó không phải lý do để em sợ hãi, chùn bước trong cuộc sống.
Em có thể không nhìn thấy gì nhưng thái độ sống sẽ là kim chỉ nam để em tiếp tục vững bước", Loan tâm sự.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Loan cho biết uớc mơ của em là trở thành diễn giả và nhà văn. Thời gian tới Loan dự định ra mắt thêm một cuốn sách nữa vào giữa năm sau. Chủ yếu nói về cách phát triển bản thân gồm 2 phần: Phần 1 là các kỹ năng thực hiện ước mơ như kiên trì, tự tin và hành động. Phần 2 là làm sao có cuộc sống hạnh phúc như lạc quan, chân thành,...
Loan cũng định đi làm hoặc sang nước ngoài học thạc sĩ chuyên ngành phát triển quốc tế và ngành học về nhân quyền. Với Loan hiện tại, bị khiếm thị cũng là một sự trải nghiệm. Người bình thường cảm nhận thế giới trực tiếp qua đôi mắt. Nhưng với em, thế giới sẽ hiện ra thông qua các giác quan còn lại.
Bởi vì khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra...