Từ chuyện Diệp Lâm Anh, các bà mẹ chồng chia sẻ những quan điểm "độc - lạ" trong mối quan hệ với con dâu
"Không thể coi con dâu là con gái rồi bắt nó phải chăm sóc cả nhà chồng, phải hy sinh cho chồng, cho con", cô Nguyệt chia sẻ.
Mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện muôn thuở, muôn hình muôn vẻ. Mối quan hệ này không khó để duy trì sự bình ổn nhưng khiến 2 người phụ nữ có thể coi nhau như ruột thịt có phải điều phi lý?
Gần đây, câu chuyện xoay quanh Diệp Lâm Anh cùng nhà chồng cũ thu hút sự quan tâm của nhiều người. Khi mọi thứ càng phơi bày, khi những người từng là 1 gia đình đấu tố nhau chúng ta mới thấy, không có tình cảm nào là tuyệt đối.
Không bàn đến chuyện đúng sai vì chỉ người trong cuộc mới hiểu thực sự. Và đôi khi, người ta thắc mắc, liệu có phải những người nổi tiếng như Diệp Lâm Anh luôn cần giữ hình ảnh, giữ mối quan hệ đẹp với mẹ chồng trước công chúng?
Hãy cùng xem các bà mẹ chồng trong cuộc sống đời thường nói gì về mối quan hệ với con dâu nhé:
Không thể coi con dâu như con gái
Cô Nguyệt (59 tuổi, Hà Nội) có quan điểm rất thú vị khi đưa ra khái niệm về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Cô không ủng hộ lời khuyên: Hãy coi mẹ chồng như mẹ đẻ và con dâu như con gái.
Lý giải điều này cô Nguyệt bày tỏ: "Tôi không đặt nặng hay kì vọng bất cứ thứ gì. Tôi cũng nói với con dâu, mẹ đẻ là mẹ đẻ, mẹ chồng là mẹ chồng, không cần phải lấy lòng mẹ chồng làm gì cả. Có những ngày lễ Tết tôi còn bảo con dâu cứ về ngoại mà lo việc, nhà neo người, ở đây đã có mẹ làm hết. Tôi rất quý con dâu nhưng sai gì tôi vẫn mắng. Tôi cũng bảo cháu, không ai trên đời này hoàn hảo cả, bố mẹ cũng có lúc sai như các con, nên mọi người trong gia đình phải có trách nhiệm góp ý, bảo ban nhau cùng hoàn thiện.
Vấn đề không phải coi con dâu là con gái hay không mà quan trọng là đối xử với con dâu như thế nào. Không thể vì hôm nay nó quý mình mình mới quý lại, nhỡ mai nó không là dâu mình nữa thì mình ghét bỏ".
Cần giữ khoảng cách cần thiết với con dâu
Nhiều bà mẹ chồng cho rằng "cần giữ khoảng cần thiết với con dâu". Ví dụ: Không tỏ ra quá thân thiết, gần gũi để tránh lúc xung đột bị người ngoài soi xét; Không coi con dâu là đối tượng có thể sai bảo, bắt ép phải chăm sóc gia đình mình hay phải hi sinh cho chồng con…
Cô Hiền (62 tuổi, Nam Định) khẳng định: "Mẹ chồng tốt chính là chất xúc tác cho hạnh phúc của con trai và con dâu. Tôi có cả con trai, con gái, con gái tôi cũng đi làm dâu nên tôi không phân biệt dâu hay rể.
Cô Hiền và con dâu thường đi du lịch cùng nhau nhưng lại rất ít khi tâm sự những chuyện không vui
Vợ chồng con trai tôi cũng có thời kì khủng hoảng hôn nhân. Là người làm mẹ đương nhiên tôi không muốn điều ấy xảy ra. Tôi nói chuyện với con trai có phần gay gắt hơn, con dâu thì tôi vẫn giữ khoảng cách cần thiết. Con dâu của mình nhưng là con gái người ta, không thể cứ xối xả trách móc hay bắt ép con phải thế này thế kia cho phù hợp với phép tắc gia đình. Tôi luôn tôn trọng các con, tôi chỉ phân tích phải trái đúng sai chứ không quyết định thay các con được".
Cô Hiền và con dâu thường đi du lịch cùng nhau trong ánh mắt ngạc nhiên của nhiều người. Thế nhưng cô vẫn giữ quan điểm, chỉ nói chuyện vui với con dâu, hai bên thường không tâm sự chuyện buồn hay kể lể những áp lực.
Đôi khi nên để các con tự giải quyết mâu thuẫn, đừng đổ thêm dầu vào lửa
Là bà mẹ chồng rất trẻ trung và tính cách hướng ngoại, cô Hằng, 50 tuổi chia sẻ: "Mẹ chồng từng làm con dâu nhưng con dâu chưa có kinh nghiệm làm mẹ chồng thế nên mình phải cảm thông, chia sẻ với các con.
Vợ chồng va chạm nhau là điều khó tránh khỏi, một người mẹ chồng tốt sẽ không biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn, vô tâm bảo vệ khuyết điểm của con trai khiến con dâu tổn thương. Mẹ chồng tốt là người hiểu lý lẽ và công bằng. Mâu thuẫn giữa vợ chồng sẽ có thể tự dịu đi theo thời gian, không cần sự can thiệp hay hòa giải của mẹ chồng. Nói chung nếu không thể giải quyết, tốt nhất hãy im lặng để các con tự lập, tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Có thể hỗ trợ từ phía sau cũng là 1 cách hay nhưng đừng thêm dầu vào lửa".
Cần hội nhập với giới trẻ để hiểu nhau hơn
Cô Thu (65 tuổi, Lĩnh Nam, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Thời của tôi không có mạng xã hội như bây giờ nên thấy mọi thứ cũng đơn giản. Mẹ chồng - con dâu có gì không vừa lòng nhau là nói thẳng, không cần lên facebook đăng bài. Ở thế hệ tôi cũng có những cái truyền thống, con dâu làm cái gì không ưng là mẹ sẽ dạy bảo. Cả 2 bên thường không mấy khi to tiếng hay mâu thuẫn. Có những cái tôi biết con dâu không vừa ý với mình nhưng không dám nói ra, dần dần mình cũng thay đổi quan niệm, cách nhìn cho phù hợp với xã hội hiện đại".
Cô Thu cho biết, cô cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng các cụ ngày xưa nên dạy con dâu phải biết chăm sóc gia đình, vun vén, nhẫn nhịn chồng, khéo léo "lạt mềm buộc chặt". Nhưng từ ngày biết dùng facebook, hội nhập giới trẻ và đặc biệt là có cháu trai sắp lấy vợ cô dạy cháu "phải chiều vợ, phụ nữ rất dễ mềm lòng, cứ chiều vợ đi rồi gì cũng có".
Tạm kết
Đôi khi giữa mẹ chồng và con dâu không có ai sai, ai đúng, có chăng là họ thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ, bao dung dành cho nhau. Chúng ta càng xé toạc vấn đề thì người phải chắp nối chính là chúng ta, vết xé càng vụn thì thời gian xếp lại càng lâu. Vậy tại sao cứ phải phức tạp hóa mọi thứ lên trong khi ai cũng có thể đơn giản nó đi, bởi cái chúng ta hướng tới là sự hòa thuận trong mối quan hệ, sự bình yên của 1 gia đình chứ không phải cảm giác thắng - thua.
Mẹ chồng thắng con dâu chẳng ai khen oai, khen giỏi. Con dâu thắng mẹ chồng cũng chẳng ai bảo ngầu, bảo khôn. Hãy tự giữ thăng bằng cho mối quan hệ ấy mà không cần sự can thiệp của bất cứ ai. Bởi chỉ khi chính tay bạn xây đắp từ nền móng đầu tiên thì ngôi nhà mới không lung lay và bền chắc.