Từ chuyện con gái diva Mỹ Linh gây tranh cãi khi phát biểu nửa Việt nửa Anh trên sóng truyền hình: Là thói quen hay cố thể hiện cá tính?
Khi tiếng Anh ngày càng phố biến thì vấn đề này cũng trở nên quen thuộc, nhất là trong giới trẻ.
Sau ồn ào vì những bức ảnh khoe vòng 3 phản cảm, xuất hiện trong một chương trình truyền hình mới đây, Mỹ Anh - con gái diva Mỹ Linh lại tiếp tục "khơi mào" những tranh cãi trái chiều.
Với tạo hình đậm chất châu Á, Mỹ Anh mang đến ca khúc Got You hát hoàn toàn bằng... tiếng Anh. Nói về ý tưởng cho bài biểu diễn, nữ ca sĩ bày tỏ: "Nhân vật của em là một chiến binh, em muốn represent (đại diện) được cái culture (văn hóa) của em là người Việt Nam".
Cách nói "tiếng Việt ft. tiếng Anh" (kết hợp tiếng Việt và tiếng Anh cùng một lúc) của Mỹ Anh nhận về hai luồng ý kiến. Người cho rằng bình thường, người cảm thấy hơi lấn cấn vì mặc dù chia sẻ là muốn thể hiện rõ văn hóa Việt nhưng ngay ở ngôn ngữ, cô nàng vẫn chưa phát biểu bằng tiếng mẹ đẻ. Không biết Mỹ Anh sẽ thể hiện những điều khác ra sao?
Còn nhớ cách đây một thời gian, câu chuyện một cô gái tham gia gameshow trong mỗi câu nói bằng tiếng Việt đều chèn thêm một vài từ tiếng Anh như là "Em là một người rất sentimental nên luôn muốn partner phải ở bên cạnh mình... Nếu như phải đi đến long distance relationship thì đó phải là mối quan hệ rất serious đối với em..." cũng từng khiến dân tình tranh cãi.
Thực ra vấn đề này không mới, nó đã tồn tại từ khá lâu. Khi tiếng Anh ngày càng phố biến ở nước ta thì chuyện pha Anh - Việt trong giao tiếp cũng trở nên quen thuộc, nhất là trong giới trẻ.
Chêm tiếng Anh vào tiếng Việt: Bình thường hay cố thể hiện cá tính?
Vì sao nhiều người lại có cách nói tiếng Việt pha tiếng Anh như vậy? Có người vì sống lâu ở nước ngoài nên khi nói tiếng Việt cũng ít nhiều quên một số từ ngữ. Có người làm việc thường xuyên trong môi trường ngôn ngữ nước ngoài nên hình thành thói quen "loạn ngữ". Có người lại cố tập cách nói kiểu này để tỏ ra có cá tính...
Trong mắt những người khắt khe, người ta sẽ đánh giá cách nói như vậy là thiếu sự tôn trọng. Theo họ, có những người sống lâu ở nước ngoài, khi về nước nói tiếng Việt đôi khi bị quên và buột miệng những từ tiếng Anh nhưng họ sẽ lập tức dừng tại đó, cố gắng lục lọi trí nhớ về từ tiếng Việt và sửa lại câu nói. Có những người làm việc trong môi trường phải dùng nhiều tiếng Anh nhưng khi tiếp chuyện một người Việt họ luôn ý thức phải nói tiếng Việt 100%. Đó là sự tôn trọng.
Chị P.H, một bà mẹ có hai con đang sinh sống tại quận 2, TP.HCM cho biết: "Mình cưới chồng người nước ngoài, mình làm việc trong môi trường nói tiếng Anh thường xuyên, chỉ khi ra khỏi công ty mới nói tiếng Việt, đôi khi nói chuyện với bạn vô tình bật qua tiếng Anh vài từ mình cực kỳ ngại, phải cố gắng sửa lại từ tiếng Việt vì quên bất chợt.
Khi có con mình hoàn toàn dùng tiếng Việt với con và tiếng Anh với chồng. Mình cũng sửa được vấn đề của mình, vì thế mình tin rằng không khó để nói rõ cả 2 tiếng, đừng nghĩ rằng chêm từ tiếng Anh vô thì nó sẽ hay và người ta sẽ đánh giá cao bạn. Ngôn ngữ mẹ đẻ mà không tôn trọng thì sau này bạn không thể dạy con mình được".
"Nhiều người trong chúng ta cũng chêm tiếng Anh hằng ngày"
"Đừng quá quan trọng về sự tôn trọng. Chêm tiếng Anh vào tiếng Việt lúc nói chuyện cũng tốt và dễ hiểu. Ví dụ: Ok, No, Cancel, Thank you... có thể dùng mọi lúc mọi nơi. Bạn có dám chắc bạn chưa từng nói lẫn lộn hai ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp hay không?", một người nêu ý kiến.
Đồng tình với nhận định này, cô Trần Thu Giang, giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội, đồng thời có nhiều năm học tập và sinh sống ở nước ngoài chia sẻ: "Bản thân mình thấy việc thỉnh thoảng chêm vài từ tiếng Anh là bình thường. Nhiều lúc ngôn ngữ học nhiều tiếng Anh quá nên nói lồng vào tiếng Việt, đặc biệt nếu ai đi nước ngoài như mình thì thực sự là không phải cố ý hay tỏ vẻ để làm điều đấy đâu mà nó thành thói quen.
Tuy vậy phải ý thức việc mình dùng trong hoàn cảnh nào. Cùng một cách nói nhưng trong quá trình dạy học, giao tiếp thân mật hay công việc thì có thể không sao nhưng với người lớn đôi khi sẽ xảy ra mâu thuẫn. Vậy nên bản thân người nói phải biết tiết chế và chỉnh sửa thói quen để không bị quá đà".
Nguyên Thảo, một cựu sinh viên Ngoại thương đồng thời đang là nhân viên trong một công ty nước ngoài cho biết: "Mình học ngoại ngữ đồng thời làm việc ở môi trường nước ngoài, tiếp xúc nhiều với môi trường sử dụng tiếng Anh, kể cả thuyết trình hay viết báo cáo cho khách hàng, giao tiếp hằng ngày với đồng nghiệp đều bằng ngôn ngữ này cả, nên việc sử dụng tiếng Việt xen lẫn vài từ tiếng Anh là điều không thể tránh khỏi. Nhiều lúc cũng đệm tiếng Anh vào cho nó đơn giản, vì đôi lúc nói 1 từ tiếng Anh nhưng nếu giải thích ra tiếng Việt thì dài dòng lắm.
Ví dụ cái khách sạn đấy boutique phết. Đơn giản người nước ngoài hiểu boutique là "xinh xinh, không hoành tráng nhưng sang trọng mà giá cả chấp nhận được...". Chêm ngoại ngữ vào lời nói hàng ngày chẳng phải chuyện xấu, có điều, sử dụng nó ra sao và có duyên dáng như thế nào thì phụ thuộc vào người nói nữa".
Vlogger Giang Ơi, trong một clip của mình từng cho rằng: "Với mình, mục đích của ngôn ngữ là để giao tiếp cho nên khi bạn nói mà người nghe không hiểu được ý mà bạn vừa diễn đạt thì mục đích giao tiếp sẽ không đạt được. Bên cạnh đó, mình nghĩ chúng ta cần phải tinh tế một chút để xem trong hoàn cảnh đó bạn dùng tiếng Anh chêm vào tiếng Việt có phù hợp không hoặc có gây khó chịu cho người nghe hay không.
Việc chêm tiếng Anh vào tiếng Việt là rất phổ biến và bản chất thì không xấu. Nhưng dù bạn chêm tiếng Anh vào tiếng Việt vì bất cứ lý do nào mình gợi ý bạn nên để ý 2 điều này: đối tượng nghe và hoàn cảnh".