Từ câu chuyện quạ và công đến bài học mang tên “con bé đó có gì mà hơn mình” của chị em dân công sở

Louis,
Chia sẻ

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng và việc cứ mãi đặt lên bàn cân cuộc đời của mình với người khác chỉ khiến những xúc cảm tiêu cực có dịp nảy sinh.

Đối với dân công sở mà nói, đều đặn mỗi ngày tiếp xúc với hàng trăm kiểu người là chuyện chẳng ngoa, nào đồng nghiệp, sếp, khách hàng, đối tác… Tiếp xúc rộng và quan sát nhiều khiến “thế giới” của người làm văn phòng lúc nào cũng rộng mở.

Từng hoàn cảnh là từng câu chuyện khác nhau, đa dạng và nhiều màu sắc như một tranh sặc sỡ. Việc tiếp xúc với nhiều kiểu, dạng người khác nhau giúp dân công sở có cái nhìn đa dạng, cảm thông cũng như trân quý cuộc sống hơn; tuy nhiên, đâu đó vẫn tồn tại những bất cập, tiêu cực xoay quanh câu chuyện này.

Đơn cử, có thể kể đến việc cân đo, so sánh bản thân mình với những hoàn cảnh xung quanh. Điều này có thể đơn thuần xuất phát từ tâm lý nhìn nghiêng, ngó dọc của tất cả chúng ta.

Từ câu chuyện quạ và công đến bài học mang tên “con bé đó có gì mà hơn mình” của chị em dân công sở - Ảnh 1.

“Tại sao cô đồng nghiệp lại luôn được mọi người yêu mến, trân quý?”, “năng lực của chị khách hàng ấy cũng bình thường, tại sao có thể giữ một vị trí quan trọng trong một công ty đa quốc gia như vậy?”,... là những câu hỏi ít nhiều được chị em công sở đã từng tự vấn.

Vậy việc nhìn nghiêng, ngó dọc, so sánh bản thân với những người xung quanh là tốt hay xấu và có đáng hay không? Câu chuyện ngụ ngôn về chú quạ bên dưới đây chắc chắn sẽ giúp chị em công sở tự có câu trả lời cho riêng bản thân mình.

Từ câu chuyện quạ và công đến bài học mang tên “con bé đó có gì mà hơn mình” của chị em dân công sở - Ảnh 2.

Chuyện kể rằng, có một chú quạ sống trong rừng, ngày ngày ung dung tự tại, hoàn toàn hài lòng, chẳng gì lo nghĩ. Một ngày, quạ tình cờ nhìn thấy thiên nga bay qua, thầm nghĩ: “Chị ấy có bộ lông trắng muốt trông thật đẹp, còn mình thì đen đúa thế này! Chị ấy đúng là loài chim hạnh phúc nhất thế giới!”.

Quạ gặp thiên nga, giãi bày nỗi lòng. Nhưng thiên nga chỉ lắc đầu ngao ngán: “Trước đây, tôi cũng từng nghĩ mình là loài chim hạnh phúc nhất, cho đến khi tôi nhìn thấy một cô vẹt. Cô ấy có bộ lông sặc sỡ, rực rỡ, óng ánh dưới nắng, thật đúng là hạnh phúc nhất”.

Nghe vậy, quạ lại tìm vẹt hỏi han. Vẹt biết chuyện, bèn thở dài: “Tôi đã từng sống một đời rất hạnh phúc trước khi nhìn thấy bác công. Bộ lông của bác ấy còn sặc sỡ hơn của tôi gấp trăm lần”.

Từ câu chuyện quạ và công đến bài học mang tên “con bé đó có gì mà hơn mình” của chị em dân công sở - Ảnh 3.

Quạ lại bay đến thăm chim công trong sở thú. Hàng trăm người đang tụ tập quanh chiếc lồng để bàn tán, ngắm nghía chim công xòe đuôi, xòe cánh. Khi khách về hết, quạ đến gần công hỏi nhỏ: “Bác thật là đẹp, tôi rất ngưỡng mộ, hàng trăm người đến chiêm ngưỡng bác, thật là hạnh phúc. Còn khi thấy tôi, ai nấy đều tránh xa, xua đuổi”.

Chẳng ngờ, công buồn thiu trả lời: “Chính tôi cũng từng nghĩ rằng mình đẹp và hạnh phúc nhất thế gian. Nhưng cũng chính vì bộ lông đẹp kia mà tôi suốt đời phải chịu giam hãm thế này. Như bác chẳng phải tốt đẹp biết bao, chẳng chịu giam hãm, cả ngày tự tại ung dung. Đổi lại, nếu tôi là một chú quạ thì thật tốt biết mấy, có thể tự do bay lượn khắp trời”.

Quạ nghe xong, chẳng biết nói gì. Nó nhìn xuống bộ lông màu đen tuyền của mình rồi lặng mình như đang ngẫm nghĩ gì đó. Ngoài kia, khách tham quan vườn thú lại đang lũ lượt tiến vào.

Từ câu chuyện quạ và công đến bài học mang tên “con bé đó có gì mà hơn mình” của chị em dân công sở - Ảnh 4.

Rõ ràng, một người trong số chúng ta đều có những xuất phát điểm khác nhau, những điểm mạnh yếu riêng, từ đó hoàn cảnh và cuộc sống cũng sẽ khác. Bên cạnh đó, ước vọng và khát khao của mỗi người cũng là thứ tạo nên chất riêng nên chẳng ai giống ai. Rất nhiều yếu tố chẳng có điểm chung như vậy dẫn đến mọi sự so sánh đều mang tính khập khiễng.

Hơn nữa, những điểm đặc biệt và thu hút mà chúng ta thấy ở người khác chỉ là thứ mà người đó muốn cho chúng ta thấy. Còn rất nhiều câu chuyện, góc khuất và ẩn tình mà người ngoài có thể thẳng bao giờ nhìn thấu được. Cho nên, việc cứ mãi nhìn nghiêng, ngó dọc để so sánh bản thân mình với người khác sẽ chỉ mãi mang đến những xúc cảm tiêu cực, đốt cháy sự lạc quan.

Tuy nhiên, nói như vậy cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta tự cho bản thân mình là hoàn thiện. Nhiều lúc, chúng ta cũng cần nhìn vào ưu điểm, sự lạc quan, tích cực và khát vọng của người khác để lấy đó làm động lực, học học và trau dồi bản thân một cách không ngừng nghỉ. Chỉ có như vậy con người ta mới có thể dần hoàn thiện hơn trong cuộc sống. 

Từ câu chuyện quạ và công đến bài học mang tên “con bé đó có gì mà hơn mình” của chị em dân công sở - Ảnh 5.

 

Chia sẻ