Từ câu chuyện em bé bị hen phế quản vì hút thuốc lá thụ động, bác sĩ lần nữa đưa ra cảnh báo
Mọi người vẫn thường cho rằng hút thuốc lá thụ động có thể phòng tránh nếu tránh xa khói thuốc. Thực tế thì suy nghĩ ấy không đủ để giúp bạn sống sót cùng những người có thói quen hút thuốc lá.
Câu chuyện em bé bị ho kéo dài, chuyển sang hen phế quản, phổi có tiếng rít chỉ trong đúng 1 ngày
Mới đây, mạng xã hội facebook đang xôn xao câu chuyện một em bé bị hen phế quản, khó thở, có thể gây ảnh hưởng tính mạng. Theo đó, mẹ của bé cho biết, trong vòng 1 ngày, con chị chuyển từ cơn ho thông thường sang ho kéo dài, ho sâu. Khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, con chị lên cơn khó thở, nồng độ oxy trong máu quá thấp. Sau 3 ngày điều trị, con đã khá hơn nhưng bác sĩ nói phổi vẫn chưa hoạt động ổn định bình thường, phải uống tiếp kháng sinh để điều trị dứt điểm.
Nói về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh nguy hiểm chỉ sau những cơn ho trong ngày, bác sĩ nói do thời tiết và môi trường bây giờ khắc nghiệt. Tuy nhiên còn có nguyên nhân đáng sợ hơn, sâu xa hơn mà bác sĩ nhắc tới chính là khói thuốc lá. Con chị có sức đề kháng kém, lại từng bị viêm tiểu phế quản nên hít phải hơi thuốc lá, khói thuốc lá chính là nguyên nhân kinh khủng nhất.
Đến lúc này chị mới ngã ngửa vì trong nhà có chồng mình và ông trẻ hút thuốc lá. Mặc dù chị đã cẩn thận cho cháu cực ít tiếp xúc với khói thuốc lá, mọi người cũng đều tránh cháu, ra ngoài hút xong rồi mới vào nhà nhưng điều này không ngăn chặn hết nguy hiểm. Theo lời chị, bác sĩ thăm khám và điều trị cho bé, mặc dù gia đình có ý thức bảo vệ sức khỏe cho bé nhưng trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh do hấp thu hơi/khói thuốc thụ động, thậm chí cao hơn nhiều lần người hút thuốc.Chia sẻ của chị sau 2 ngày đã nhận được 4.200 lượt bày tỏ cảm xúc, 9.086 lượt share, thể hiện tinh thần cộng đồng chung tay ngăn chặn hút thuốc lá.
Đàn ông Việt Nam có thói quen hút thuốc lá cũng như bao đàn ông ở các nước trên thế giới.
Chúng ta đều biết, đàn ông Việt Nam có thói quen hút thuốc lá cũng như bao đàn ông ở các nước trên thế giới. Khi khói thuốc bay ra, nạn nhân hít phải cũng chính là đối tượng hút thuốc lá thụ động và nguy cơ bị bệnh ung thư cũng không kém người hút thuốc lá chủ động.
Người hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc bệnh như người hút thuốc lá chủ động
Theo TS Đinh Văn Lượng (Phó Giám đốc Trung tâm Ung thư phổi Quốc gia, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương), tác hại của hút thuốc lá thụ động giống với hút thuốc lá chủ động. Nếu bạn cho rằng người hút thuốc mới mắc bệnh, còn người không hút mà chỉ hít phải khói thuốc ít có nguy cơ hơn là quan niệm hết sức chủ quan, khiến bạn sai lầm không phòng tránh bệnh.
"Nguy hiểm nhất là người hút thuốc lá thụ động sẽ hít phải khói thuốc lá của người bên cạnh hoặc vô tình tiếp xúc khói thuốc lá qua việc ôm ấp, tiếp xúc gần với nhau… thường chủ quan không phòng tránh", chuyên gia khẳng định.
Nếu bạn cho rằng người hút thuốc mới mắc bệnh, còn người không hút mà chỉ hít phải khói thuốc ít có nguy cơ hơn là quan niệm sai lầm.
Như trong trường hợp của em bé là chưa có ý thức về tác hại của khói thuốc lá, thói quen phòng tránh mà mẹ đặt ra cũng chưa đảm bảo hoàn toàn. Đối với người hút thuốc, họ hít sâu hơi thuốc vào sâu trong phổi. Việc khói thuốc bay lên và tan vào không khí chỉ là cái chúng ta nhìn thấy và vô hình chung mọi người tin rằng khi tránh xa nơi có khói thuốc, đợi khói thuốc tan vào không khí trên cao là đảm bảo sức khỏe. Thực tế thì, hơi thuốc nồng đậm còn phả dần qua từng hơi thở, vô tình hít thở cùng luồng không khí sẽ lây nhiễm vào trẻ nhỏ, những người xung quanh nói chung. Thói quen đáng sợ này dường như bất cứ phụ huynh nào cũng mắc vô tình gây bệnh cho con, hoặc nói chung người muốn tránh khói thuốc lá cũng đều mắc phải. Tất nhiên không chỉ khói thuốc lá mới gây ra căn bệnh này nhưng đây là nguyên nhân hàng đầu, kinh khủng nhất, tồi tệ nhất dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về phổi.
Không chỉ trẻ em, sự thật là những người không hút thuốc như chị em phụ nữ đang bị tăng nguy cơ lên rất nhiều từ thói quen hút thuốc của phái mạnh, của những người xung quanh, trong đó đặc biệt là cả những người thân trong gia đình. Hội Bác sỹ Phẫu thuật Hoa Kỳ ước tính việc sống cùng với người hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư phổi của những người không hút thuốc đến 20-30%. Tiến sĩ Kenneth C. Johnson, Cơ quan Y tế cộng đồng Canada từng phân tích 19 nghiên cứu và thấy rằng hút thuốc lá thụ động trong thời gian dài làm tăng trung bình 27% nguy cơ mắc ung thư vú…
Tại Việt Nam, GS Nguyễn Bá Đức (nguyên giám đốc bệnh viện K) cho biết thêm, phụ nữ Việt Nam hiện tại mắc ung thư vú sớm hơn phụ nữ các nước khác trên thế giới khoảng 10 năm. Hút thuốc lá không phải nguyên nhân chính gây ra căn bệnh ung thư vú nhưng nó chính là một tác nhân khiến nguy cơ mắc căn bệnh này tăng lên đáng kể.
Hút thuốc lá không phải nguyên nhân chính gây ra căn bệnh ung thư vú nhưng nó chính là một tác nhân khiến nguy cơ mắc căn bệnh này tăng lên đáng kể.
Trung bình trên thế giới có 10000 người chết mỗi ngày do thuốc lá. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020, người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá còn nhiều hơn cả người chết do HIV/AIDS, bệnh lao, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại. Theo PGS.TS Trần Đáng, khói thuốc lá chứa nhiều chất gây ung thư như Benzen, Naphthylamin, PAHs… gây ung thư phổi, thực quản, bàng quang, gan, thận, đại trực tràng, dạ dày ruột, khí quản.
Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta vẫn là nâng cao ý thức cảnh giác. Mỗi người hãy nghĩ đến sức khỏe, không chỉ riêng bản thân mình mà còn là sức khỏe của vợ con, bố mẹ mình, của mọi thành viên trong gia đình. Suy nghĩ tích cực ấy sẽ giúp bạn hình thành những cách cai nghiện thuốc lá phù hợp nhất.