Từ cắm hoa sang mê gốm, người phụ nữ sưu tập hơn 200 đồ gốm Việt trong một năm qua

Hạnh Mỹ, Ảnh: NVCC,
Chia sẻ

Với chị Nhài, giờ đây hoa và gốm là hai thứ song hành trong cuộc sống, không thể tách rời nhau.

Nếu là người theo dõi các bài cắm hoa, hẳn nhiều người không lạ gì với chị Vũ Thị Thanh Nhài khi chị là người tích cực chia sẻ các cách cắm hoa từ đơn giản đến độc đáo trên mạng xã hội. 

Bên cạnh học hỏi kinh nghiệm cắm hoa, không ít người bị thu hút bởi vô số chiếc bình hoa đa dạng kiểu dáng. Và dường như, mỗi chiếc bình đều có cả phụ kiện gốm trang trí đi kèm, tạo nên nét riêng cho các bộ ảnh cắm hoa của chị. 

Từ đam mê cắm hoa tới người sở hữu bộ sưu tập gốm đồ sộ

Chia sẻ với chúng tôi, chị Vũ Thị Thanh Nhài (sinh năm 1980, Quảng Ninh) tiết lộ từng có 17 năm là công chức nhà nước. Vào năm 2019, chị đã xin nghỉ về kinh doanh quán cà phê gốm hoa theo đam mê cá nhân. 

Ban đầu, chị Nhài chọn gốm chủ yếu phục vụ nhu cầu cắm hoa, trang trí cho quán cà phê của gia đình. Dần dần, niềm đam mê cắm hoa ngày một tăng, cũng tỉ lệ thuận với số đồ gốm trong nhà và ở quán cà phê ngày một nhiều. Các tác phẩm gốm đều được chị cẩn thận lựa chọn đến từ nhiều dòng gốm khác nhau và chủ yếu đến từ nghệ nhân hay tác giả có tiếng ở trong nước. “Có thể kể đến như gốm sành Hương Canh, gốm của tác giả Lê Lâm (Bắc Ninh), tác giả Nguyễn Thị Dũng (Nam Bộ), Nguyễn Trường Sơn (Bát Tràng)...” 

Thời điểm dịch Covid-19, chị Nhài đã bán đi phần lớn các bình gốm, chỉ giữ lại những chiếc bình mình thích. Và đến hiện tại, chị cho biết mình là người sưu tập gốm chứ không còn giao lưu, bán đi các tác phẩm nữa.

Từ đam mê hoa, người phụ nữ một năm sưu tập hơn 200 đồ gốm để “chữa lành” - Ảnh 1.

Một góc bình gốm đang được trưng bày ở quán cà phê gốm hoa của chị Nhài.

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, chị Thanh Nhài chủ yếu sưu tập dòng gốm men lam. Nói về cơ duyên dấn thân vào dòng gốm này, chị đã kể về cảm nhận đầu tiên khi nhìn thấy các đồ gốm. "Mình cảm thấy rất dễ chịu bởi các tác phẩm gốm vừa mang vẻ đẹp hoài cổ, vừa có những nét hiện đại. Hoài cổ bởi các hoạ tiết hoa văn vẽ lam khắp bề mặt, được tô điểm bởi sắc xanh đủ sắc thái đậm nhạt. Trong khi đó, việc được phủ một lớp men trắng bóng bên ngoài, có độ thủy tinh hóa cao sau khi nung nên khử được tạp chất, lại tạo nên những bộ sản phẩm sang trọng, tinh tế”, chị nói. 

“Với mình còn có một lý do lớn hơn nữa là men lam khiến mình yêu thích cắm hoa hơn bởi cắm hoa gì, cành lá gì mình cũng thấy đẹp, thấy hợp. Điều này có lẽ mọi người cũng thấy được từ chính những bình hoa các màu, các hệ lá mình cắm”, chị nói thêm. 

Những bình hoa gốm và gốm men lam được chị Nhài cắm đủ mọi loại hoa, cành, quả. 

Sưu tập không nằm ở số lượng mà là sự phù hợp với nhu cầu

Nhận được câu hỏi về số lượng các bình gốm đang sở hữu, chị Thanh Nhài cười và cho biết: “Quan điểm của mình, sưu tập gốm không nằm ở số lượng mà nằm ở những thứ mình cần cho không gian và nhu cầu hàng ngày. Nhưng hiện tại chắc mình cũng có hơn 200 món đồ lam khác nhau rồi”

Ban đầu chị Nhài sưu tầm gốm men lam chỉ đơn giản là để trang trí, cắm hoa hàng ngày ở quán cà phê và nhà cửa nên không quá nặng nề về nguồn gốc sản phẩm. Song, qua tìm hiểu những ưu điểm của dòng gốm men lam, nên dần dần chị Nhài đã mua về thay thế cả cốc chén uống nước, đĩa đựng trái cây, bộ bát đĩa đựng đồ thờ cúng. Có lẽ bởi vậy nên số đồ gốm men lam trong một năm 2023 của chị mới vượt qua mốc 200.

“Men lam thường thiết kế theo hơi hướng các bình cổ hay đồ thờ cúng như đỉnh, mai bình, lục bình, mâm bồng, choé… không chỉ đặc biệt về hình dáng mà mình ấn tượng đặc biệt với các nét vẽ hoa dây (phù dung, hoa sen, hoa cúc, mẫu đơn, hồng…), chim hạc, đồng tiền cổ, cành trúc, chim công nhưng khi kết hợp trong không gian hiện đại không hề bị lỗi mốt”. 

Hơn thế nữa, chị Nhài khẳng định gốm nói chung và gốm men lam nói riêng không chỉ là những vật trang trí vô tri vô giác, mà gốm cùng với hoa và cây xanh là món ăn tinh thần rất lớn đối với cá nhân chị. 

Thời điểm sau khi sinh các bé cùng với những áp lực của công việc và chăm sóc con cái, gia đình, chị từng bị mất ngủ một thời gian dài dẫn đến chứng rối loạn lo âu trong nhiều năm. “Mình từng thiếu tự tin, hay cáu gắt, hay suy nghĩ tiêu cực, dễ tổn thương, hay khóc một mình và đặc biệt da sạm đen và tóc rụng nhiều kinh khủng. Từ khi tìm đến niềm vui với gốm và hoa, mình thấy cuộc sống của mình thay đổi theo hướng tích cực, tính khí hoà đồng dễ chịu hơn nhiều, không còn sống khép kín mà cởi mở vui vẻ, tâm trạng luôn vui vẻ phấn chấn, giấc ngủ tự nhiên quay lại, mình làm mọi việc không thấy mệt mỏi”. 

Từ đam mê hoa, người phụ nữ một năm sưu tập hơn 200 đồ gốm để “chữa lành” - Ảnh 4.

Cắm hoa và sưu tập các bình gốm khiến chị Nhài tìm lại cảm giác luôn đặt toàn tâm toàn ý vào bất cứ một việc gì từ nhỏ đến lớn. Chị cũng rất tâm đắc câu nói triết lý chữa lành tổn thương từ đồ gốm vỡ của người Nhật: "Đồ gốm và cuộc sống" có thể vỡ ra thành nghìn mảnh, nhưng không vì lý do đó mà chúng ta không tiếp tục sống hết mình mỗi ngày. “Với mình, gốm và hoa là người bạn “chữa lành”, chị chia sẻ.

"Cũng thêm một chút duy mĩ và duy tâm nữa đấy. Nội thất nhà chị chủ yếu màu nâu đen, khi trưng gốm men lam rất phù hợp, chúng lại bền màu theo thời gian. Ngoài ra, cả vợ chồng chị và con gái lớn đều mệnh mộc, thích màu xanh lam mang ý nghĩa về sự may mắn, trường tồn... nên giờ nhìn đâu cũng chỉ thấy men lam đẹp", chị Nhài nói thêm. 

Đồ gốm men lam dễ sưu tập và có giá trị bền vững

Chia sẻ thêm về quá trình sưu tập đồ gốm nói chung và men lam nói riêng, chị Thanh Nhài cho biết không có quá nhiều khó khăn. Bởi ở các làng gốm miền Bắc nước ta, tiêu biểu như Bát Tràng, vẫn còn rất nhiều nghệ nhân đang theo đuổi dòng vẽ lam có niên đại từ thế kỷ 14 này. "Hiện đồ gốm sứ men lam không những tồn tại mà còn phát triển bền vững cho đến ngày nay, một phần nhiều là nhờ những ưu điểm độc đáo, tiện dụng của chúng như những gì đã nói ở trên". 

Từ cắm hoa sang mê gốm, người phụ nữ sưu tập hơn 200 đồ gốm Việt trong một năm qua - Ảnh 5.

Cũng như một số người sưu tập gốm để trang trí, trưng bày, chị Nhài đồng tình rằng khó khăn lớn nhất là có đủ tài chính để mua các món gốm mình thích hay không. Về các sản phẩm của mình, chị thường mua của các tiệm ở làng gốm Bát Tràng, kể cả trực tiếp đến trực tuyến uy tín. Giá các đồ trong bộ sưu tập của chị dao động từ 200.000đ đến trên 2.000.000đ, tùy từng sản phẩm. 

"Đặc điểm mà chỉ những người từng tìm hiểu về men lam mới nhận ra của những dòng chất lượng cao là nét vẽ tinh tế, màu sắc rõ nét, từ xanh chì đến xanh thẫm. Việc phủ bóng lớp sứ chỉn chu sẽ không làm lem loang các nét vẽ. Đặc biệt, vì được nung ở nhiệt độ cao nên gõ nhẹ vào bề mặt sẽ có tiếng kêu thanh vang", chị Nhài chia sẻ kinh nghiệm nhận dạng gốm men lam chất lượng cao. 

Chia sẻ