TS, BS Vương Thị Ngọc Lan - tác giả của nghiên cứu về TTTON: Sẽ xây dựng một nhóm nghiên cứu về Y học sinh sản dẫn đầu khu vực
TS, BS Vương Thị Ngọc Lan cho biết sau nghiên cứu được công bố trên NEJM, bà cùng công sự đang tiến hành song song 2 nghiên cứu khác về TTTON và dự kiến sẽ xây dựng một nhóm nghiên cứu dẫn đầu khu vực về Y học sinh sản trong vòng 5 năm tới.
Mới đây, Đại học Y dược (ĐHYD) TP.HCM đã quyết định khen thưởng Tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Phó chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản, tác giả chính của nghiên cứu về thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) được công bố trên tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine (NEJM) hồi đầu tháng 1/2018 với số tiền lên đến gần 300 triệu đồng. Đây được xem là mức thưởng kỷ lục. mang tính "lịch sử" kể từ khi ĐHYD thành lập. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn người được nhận thưởng xoay quanh vấn đề này.
TS.BS Vương Thị Ngọc Lan (thứ tư từ phải qua) trong một hội nghị y khoa.
Theo quy định của ĐHYD TP.HCM, mức thưởng dành cho cán bộ, giảng viên có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế dựa vào chỉ số Impact factor của bài báo là 2 triệu đồng/1 chỉ số, tuy nhiên TS.BS Vương Thị Ngọc Lan lại được thưởng gấp đôi. Vì sao lại có chuyện này ạ?
ĐHYD TP.HCM quy định về khen thưởng giảng viên có bài báo công bố quốc tế trên tạp chí uy tín, tiền thưởng sẽ được tính theo mức độ đóng góp của tác giả trong công trình và uy tín của tạp chí, tính bằng chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor - IF ) của tạp chí.
Nếu giảng viên là tác giả đứng tên đầu tiên trên bài báo (first author) thì sẽ được thưởng 2 triệu đồng trên 1 đơn vị IF. Nếu giảng viên là người trực tiếp liên hệ với Ban biên tập tạp chí và trả lời các câu hỏi phản biện của tạp chí (corresponding author) sẽ được thưởng 2 triệu trên 1 đơn vị IF của tạp chí.
BS Lan vừa là tác giả đứng tên đầu trong bài báo, vừa là người liên hệ trực tiếp Ban biên tập trong quá trình bình duyệt của tạp chí, nên được thưởng tổng cộng 4 triệu trên 1 đơn vị IF của tạp chí.
New England Journal of Medicine (NEJM) có IF là 72,406. BS Lan được thưởng 289.624.000 đồng.
TS.BS Lan cùng bác sĩ Hồ Mạnh Tường, cộng sự nghiên cứu và là bạn đời của bà.
Có thông tin TS.BS Lan cùng cộng sự sẽ dành hết số tiền thưởng để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học ở trường ĐHYD, xin bác sĩ cho biết thực hư chuyện này?
Đề tài được thực hiện tại và được tài trợ bởi Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM). Đề tài đã được công bố trên tạp chí uy khoa uy tín nhất và sự công nhận của cả thế giới, đó là thành công và phần thưởng lớn nhất cho nhóm nghiên cứu.
Chúng tôi mong muốn thành công này sẽ là một nguồn cảm hứng, sự động viên, khích lệ các đồng nghiệp trẻ tham gia nghiên cứu khoa học. Để làm nghiên cứu khoa học, không chỉ có công sức bỏ ra là đủ, các tác giả cần có kinh phí để đi báo cáo, trình bày các kết quả nghiên cứu của mình tại các diễn đàn khoa học quốc tế. Tham gia các hội nghị quốc tế cũng là cơ hội để các nghiên cứu viên trẻ trau dồi kiến thức chuyên môn, ngoài ngữ, đồng thời học tập, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học.
Với mục đích hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ, xuất sắc, ĐHYD TP.HCM đã thành lập một quỹ cho "Giải thưởng tài năng trẻ ĐHYD TP.HCM". Và chúng tôi muốn dành toàn bộ tiền thưởng lần này để ủng hộ cho quỹ trên. Hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ, tạo điều kiện để các đồng nghiệp trẻ làm nghiên cứu khoa học.
Xin bác sĩ chia sẻ về những khó khăn của quá trình nghiên cứu cho đến khi có được thành quả là công trình nghiên cứu Thụ tinh trên ống nghiệm này?
Có một khoảng cách khá lớn về điều kiện làm việc, hệ thống dữ liệu khoa học, về nhân sự... khi làm nghiên cứu y học ở Việt Nam và thế giới. Những vấn đề này làm Việt Nam tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực về nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế theo chuẩn mực của thế giới hiện nay. Ngoại ngữ cũng là một rào cản lớn.
Người làm nghiên cứu ở Việt Nam không có thời gian, điều kiện để làm các nghiên cứu đạt được các chuẩn mực quốc tế cao trên thế giới. Các nghiên cứu cần phải được thực hiện trong nhiều năm, có sự tham gia của nhiều người và được quản lý một cách khoa học. Đặc biệt, các tạp chí lớn như NEJM, thì lại đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao và khắc nghiệt.
Toàn bộ nhóm nghiên cứu phải mất gần 3 năm để có thể hoàn thành nghiên cứu, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của NEJM. Trước đây chúng tôi cũng đã làm nghiên cứu và công bố trên nhiều tạp chí uy tín, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thực hiện một nghiên cứu qui mô, đòi hỏi khó khăn và phải vượt qua rất nhiều thách thức, trả lời và thuyết phục các chuyên gia phản biện của NEJM. Chúng tôi học được rất nhiều điều và có những kinh nghiệm quí báu cho các nghiên cứu trong tương lai.
Là một người "mát tay" trong việc chữa hiếm muộn cho bệnh nhân, bác sĩ có nhớ một/một vài trường hợp điển hình nào gặp khó khăn trong việc có con đến cầu cứu và mình đã chữa khỏi.
Chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân khó mỗi ngày. Nhiều bệnh nhân đã thất bại ở các bệnh viện khác đến để điều trị. Có những bệnh nhân đi điều trị ròng rã 10-15 năm, có những bệnh nhân thất bại hơn 10 lần. Có nhiều trường hợp hạnh phúc gia đình bị đe doạ nếu điều trị thất bại, nếu người vợ không thể có con. Có những trường hợp chúng tôi thành công và cũng có những trường hợp chúng tôi thất bại. Y học luôn có giới hạn của nó.
Xin bác sĩ kể một chút về BS Hồ Mạnh Tường, đồng tác giả công trình nghiên cứu và cũng là bạn đời của mình. Hai người đã hỗ trợ nhau như thế nào để có được thành công như ngày hôm nay.
Chúng tôi làm việc chung, là đồng nghiệp của nhau gần 3 năm trước khi lập gia đình. Chúng tôi làm việc chung và sống chung nên dễ cân bằng giữa gia đình và công việc hơn, nhờ đó mà hiểu nhau hơn và có nhiều thời gian hơn cho công việc, cho khoa học. Tôi nghĩ đó là lý do quan trọng để chúng tôi gắn bó và đạt được nhiều thành công trong nghể nghiệp và khoa học.
Trong tương lai, bác sĩ dự định sẽ có những công trình nghiên cứu nào tiếp theo?
Sau nghiên cứu được công bố trên NEJM, chúng tôi tập trung phân tích sâu hơn dữ liệu của nghiên cứu này. Dựa vào đó, chúng tôi phát triển được thêm hai đề tài nghiên cứu mới, đem lại thêm một số hiểu biết mới trong việc lựa chọn các phác điều trị cho bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON).
Bản thảo kết quả hai nghiên cứu này vừa được chúng tôi gửi đến các tạp chí uy tín của ngành. Trong thời gian này, chúng tôi cũng có một số dự án hợp tác nghiên cứu với các trung tâm nghiên cứu ở châu Âu và Úc.
Nhóm bác sĩ đang tiến hành song song 2 nghiên cứu lớn khác nhằm chọn ra phác đồ điều trị TTTON tối ưu cho các cặp vợ chồng.
Chúng tôi cũng đang tiến hành song song 2 nghiên cứu lớn khác về TTTON. Một nghiên cứu dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020, nghiên cứu còn lài vào năm 2021. Cả hai nghiên cứu này đều nhằm chọn ra phác đồ điều trị TTTON tối ưu cho các cặp vợ chồng. Chúng tôi cũng đang suy nghĩ tiếp một vài hướng nghiên cứu khác, có thể bắt đầu vào năm 2019. Do mỗi nghiên cứu lớn thường mất khoảng 3 năm để hoàn tất, chúng tôi thường phải thực hiện hiện gối đầu, song song nhiều nghiên cứu.
Với sự hỗ trợ và hợp tác của nhiều bạn bè, đồng nghiệp ở các trung tâm nghiên cứu, trường đại học lớn trên thế giới, chúng tôi dự kiến xây dựng một nhóm nghiên cứu dẫn đầu khu vực về Y học sinh sản trong vòng 5 năm tới.
Xin cảm ơn bác sĩ!