Truyền hình thực tế: Xin đừng câu khách bằng cách làm tổn thương người khác!
Câu chuyện “Nhân tố bí ẩn” và Mai Thái Anh tự sát một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những nhà sản xuất đang cố tình câu khách bằng hoàn cảnh bi đát của các thí sinh.
Chuyện thí sinh Nhân tố bí ẩn 2016 - Mai Thái Anh đột ngột tự sát sau khi bị cư dân mạng tố là sống giả dối, dựng chuyện để lấy sự thương hại từ khán giả đã là hồi chuông cảnh báo cho các nhà sản xuất chương trình truyền hình. Thực hư câu chuyện xoay quanh chàng trai này vẫn chưa có lời giải đáp khi mà thời điểm hiện tại, mọi liên lạc với anh đã bị cắt. Gia đình Mai Thái Anh không chịu tiết lộ gì thêm ngoài việc khẳng định nam thí sinh đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe. Và gia đình, vì áp lực dư luận nên cũng chẳng muốn dây dưa gì với truyền thông lẫn nhà sản xuất Nhân tố bí ẩn. Một diễn biến buồn, cho cả Mai Thái Anh lẫn làng giải trí Việt.
Mai Thái Anh trên sân khấu "Nhân tố bí ẩn"
Thời buổi công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, chỉ một cú click chuột và vài dòng vu vơ ghi vội trong phút bốc đồng, người ta có thể gián tiếp đẩy 1 con người vào bế tắc. Mai Thái Anh, dù có tự sát thật hay giả đi chăng nữa thì cũng là kẻ đáng thương. Tự bao giờ, chuyện sống chết được quyết định bằng mạng xã hội? Và tự bao giờ, người ta cho phép mình vô cảm trước những dòng thư tuyệt mệnh của chàng trai chỉ mới 20? Khi mà xã hội còn quá nhiều thứ đau buồn, công chúng dần tạo cho mình cái vỏ bọc tránh xa mọi giả dối, lọc lừa. Và chính trong cái vỏ bọc đó, nhiều người cho bản thân cái quyền phán xét người khác. Dù đúng dù sai, góp thêm 1 tiếng nói chỉ trích đã là nối dài chiếc cầu để đưa chàng trai trẻ đến con đường tuyệt vọng.
Theo lời người thân, Mai Thái Anh đã qua cơn nguy kịch, nhưng trước hàng hà sa số chỉ trích ném vào anh lúc này, liệu rằng chàng trai 20 tuổi có chịu nổi đả kích? Và ai dám khẳng định chuyện bi kịch như tự sát sẽ không xảy ra? Trên thế giới đã có quá nhiều trường hợp vì không chịu nổi áp lực dư luận mà quyết định kết liễu cuộc đời. Nhiều người trong số họ chỉ là những cô cậu bé lứa tuổi đôi mươi!
Những dòng tuyệt mệnh của Mai Thái Anh trên facebook
Quay trở lại câu chuyện Nhân tố bí ẩn và truyền hình thực tế. Chính nhà sản xuất chương trình là người tiếp tay cho những câu chuyện đau lòng này xảy ra. Để câu rating, nhiều nhà sản xuất đã tận dụng tối đa hoàn cảnh thí sinh để dựng thành những video clip thật xúc động. Như Mai Thái Anh trong Nhân tố bí ẩn, nhà sản xuất rõ ràng đã kể cho khán giả nghe câu chuyện về 1 chàng trai mắc bệnh trầm cảm, từng có ý định quyên sinh và luôn sống trong sự sợ hãi.
Để tăng độ tin cậy, nhà sản xuất cũng đưa cả người thân của anh chàng này vào video clip. Thế rồi khi phát sóng, nhiều khán giả tung chiêu “lật tẩy” Mai Thái Anh vì cho rằng anh giả tạo, cố tình lừa dối để lấy nước mắt khán giả. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, nếu Mai Thái Anh có lỗi 1 thì nhà sản xuất Nhân tố bí ẩn có lỗi 10, họ mới là người quay phim, dựng clip, cắt gọt và cho phát sóng trên truyền hình. Giả sử Mai Thái Anh lừa dối, thì chính nhà sản xuất này là người đã tạo cơ hội, “nhắm mắt làm ngơ” tiếp tay cho chàng trai trẻ làm điều sai quấy! Một trách nhiệm khó có thể nói vài lời vu vơ nhẹ nhàng rồi bỏ cho qua được!
Ai dám chắc chuyện tìm đến cái chết sẽ không xảy đến với Mai Thái Anh?
Nhân tố bí ẩn phát sóng trong khung giờ vàng của VTV3 với sự theo dõi của hàng triệu người. Và phần lớn khán giả trong số này là thanh thiếu niên – những người chưa thực sự điều khiển được hành vi cũng như lời nói của mình. Chuyện Mai Thái Anh tự sát không phải là cái dớp đầu tiên Nhân tố bí ẩn dính phải, vì chính trong mùa thi đầu tiên, chương trình này cũng đã làm công chúng xôn xao trước chuyện ca sĩ Anh Thúy đổi tên, giả dạng đi thi. Anh Thúy xuất hiện trong chương trình với hoàn cảnh xúc động đủ để làm khán giả yếu lòng bật khóc, nào là có vết sẹo dài trên mặt, rồi chông chênh, buồn bã và luôn tự tin về bản thân mình.
Rồi ngay sau đó, cư dân mạng lật tẩy Anh Thúy dựng chuyện, dối gạt đủ điều trên sóng truyền hình. Sự thật cô chính là cựu thành viên nhóm Mây Trắng được tung ra, nữ ca sĩ bẽ bàng hứng chịu đủ mọi chỉ trích từ khán giả. Dù Anh Thúy ngay sau đó đã nhận sai nhưng dư luận vẫn không buông tha, cho đến thời điểm hiện tại, cô ca sĩ này vẫn im hơi lặng tiếng, không thấy xuất hiện nhiều trong các chương trình nghệ thuật. Và công chúng – những người đã từng dè bỉu Anh Thúy nhiệt tình vẫn còn chưa quên cái dớp nói dối của cô nàng. Chỉ có riêng nhà sản xuất Nhân tố bí ẩn – người tiếp tay cho Anh Thúy thì vẫn điềm nhiên phát sóng chương trình hết năm này qua năm khác!
Chuyện Anh Thúy giả dạng thí sinh Huyền Minh đi thi "Nhân tố bí ẩn 2014" vẫn còn đó
Thực tế cho thấy, chuyện thêm mắm dặm muối vào hoàn cảnh của thí sinh xuất hiện nhan nhản trên TV mỗi ngày. Nào là hoàn cảnh nghèo khó, không có tiền đi học, phải bươn chải làm đủ việc kiếm sống nhưng vẫn yêu âm nhạc đến tận cùng; nào là xa cách gia đình từ nhỏ, sống tự lập bằng nghề đi hát dạo kiếm miếng ăn qua ngày… Mỗi thí sinh có hoàn cảnh bi đát như thế luôn được các nhà sản xuất ưu ái cho một vào cái clip tự sự, kể khổ về bản thân. Nhà sản xuất tận dụng tình thương của khán giả để tranh thủ kiếm thêm chút rating nhưng lại quên mất một điều là lỡ tay “làm lố” khiến các câu chuyện trở nên sáo rỗng. Từ Nhân tố bí ẩn, The Voice, The Voice Kids cho đến Vietnam's Got Talent, Vietnam Idol… tinh ý lượm lặt, khán giả sẽ phát hiện ra không ít chuyện dở khóc dở cười.
Năm 2012, giới giải trí rúng động vì chuyện cô gái 15 tuổi Quỳnh Anh thi Vietnam's Got Talent với tiết mục hát 6 thứ tiếng. Chỉ sau 6 ngày đăng tải phần trình diễn của Quỳnh Anh lên youtube, đã có hơn 710.402 lượt theo dõi, 17.000 lượt dislike và hàng ngàn bình luận trái chiều. Điều nghịch lý là phần lớn người xem không quan tâm đến đến chuyện Quỳnh Anh tài năng đến đâu, công chúng chỉ nặng nề chỉ trích thái độ, văn hoá, hành động của mẹ thí sinh khi bày tỏ, chia sẻ quan điểm cũng như phương thức giáo dục nhận thức của con cái trước thất bại.
Mẹ con Quỳnh Anh trên sân khấu "Vietnam's Got Talent"
Không dừng ở việc phản đối thông thường, nhiều khán giả còn sử dụng lại một số chi tiết giới thiệu về Quỳnh Anh cũng như các dẫn chứng thuyết phục ban giám khảo của mẹ Quỳnh Anh để dè bỉu và chỉ trích. Một câu chuyện bên lề, tưởng chừng vô thưởng vô phạt liên quan đến gia đình thí sinh bỗng chốc trở thành miếng mồi câu khách đắt giá cho nhà sản xuất Vietnam's Got Talent. Và từ một cô gái 15 tuổi bình thường, Quỳnh Anh bỗng chốc nổi tiếng theo hướng tiêu cực. Những ảnh hưởng tâm lý mà đám đông tạo ra khủng khiếp đến mức mẹ cô bé đã phải lên tiếng đính chính rằng: “Chúng tôi cũng không ngờ được họ đã dàn dựng, cắt gọt, lắp ghép một cách chi tiết, kỹ lưỡng trường hợp của bé Quỳnh Anh để tạo một scandal lớn đến thế này”.
Khó có cái chuẩn nào bắt ép các nhà sản xuất phải bỏ chuyện kể lể hoàn cảnh thí sinh hay cắt ghép tình tiết ra khỏi chương trình. Nhưng mọi thứ vẫn cần phải trong mức chịu đựng có thể chấp nhận được của khán giả. Đừng biến khán giả thành những người đa nghi, cứ thấy cá nhân nào xuất hiện trên truyền hình với câu chuyện than nghèo kể khổ là lại chán nản chuyển kênh sang chương trình khác. Cuộc sống còn nhiều điều đáng quý, thay vì lợi dụng nhau để kiếm chác, sao không tạo ra cái nhìn tươi sáng, để người xem được thưởng thức cái gọi là giải trí thực thụ từ chương trình truyền hình!
Điều này, e rằng sẽ khó thực hiện được khi vấn đề đạo đức vẫn còn bị xem nhẹ so với số tiền quảng cáo khổng lồ mà các nhà sản xuất thu về sau mỗi tập phát sóng. E rằng, người viết chỉ còn biết nhắn nhủ với các chàng trai, cô gái rằng nếu có lỡ đăng ký tham gia chương trình truyền hình để mong tìm kiếm hào quang nổi tiếng thì đừng dại lấy hoàn cảnh cá nhân ra làm mồi nhử nhà sản xuất. Vì biết đâu, một ngày đẹp trời nào đó, một Mai Thái Anh, một Anh Thúy hay một Quỳnh Anh sẽ lại xuất hiện nữa. Đến lúc đó, những điều đau lòng, dù có muốn tránh né vẫn buộc lòng phải xảy ra!