Truyền hình thực tế Việt: Phía sau tai tiếng...
Bỏ lại đằng sau những tai tiếng và lùm xùm xung quanh các chương trình truyền hình thực tế Việt Nam thời gian gần đây, người ta vẫn thấy có những điểm sáng của hy vọng...
Thực sự khởi đầu với Sao Mai Điểm Hẹn 2004, đến nay Truyền hình thực tế về âm nhạc đã mở rộng phong phú, trong đó nổi bật là Vietnam Idol và The Voice. Song đi kèm với sự bùng nổ số lượng là tiếng xấu về chất lượng: từ sự suy giảm chất lượng thí sinh đến những chiêu trò phản cảm nhằm lừa gạt khán giả.
Tuy nhiên, các chương trình truyền hình thực tế cũng đang góp phần hòa trộn chất nghệ thuật và tính thị trường trong nền âm nhạc Việt Nam hiện nay, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc non trẻ này.
Đưa khán giả đến với những ca khúc đích thực
Uyên Linh - một thành công của truyền hình thực tế
Uyên Linh - một thành công của truyền hình thực tế
Những thí sinh như Uyên Linh – với hiệu ứng mãnh liệt từ giọng hát, được thể hiện qua các ca khúc tốt, có thể coi là thành công của truyền hình thực tế. Uyên Linh, Bùi Anh Tuấn, Đinh Hương,… và rất nhiều gương mặt nổi bật khác đã làm nên một trào lưu hâm mộ, dẫu chưa hẳn là lâu dài, đối với những giọng ca đẹp gắn với các ca khúc có chất lượng. Nếu không có truyền hình thực tế, có lẽ Chỉ là giấc mơ hay Nơi tình yêu bắt đầu sẽ không thể địch nổi với các bài hit của nhiều ca sĩ thị trường hiện nay.
Bên cạnh đó, phần lớn thí sinh trong các chương trình này có giọng ca khá sạch và giàu triển vọng. Nhiều người trong đó chọn hướng đi không quá dễ dãi. Gần đây nhất, chúng ta có thể nhận thấy điều này qua các ca khúc mới của những thí sinh The Voice như Dương Trần Nghĩa, Dũng Hà, Huỳnh Anh Tuấn (Thu sang ta bắt đầu) và sáng tác trong trẻo của cô ca sĩ nhỏ Thái Trinh.
Cần phải thấy rằng các ca khúc trên không phải là tuyệt tác, song vẫn là những tác phẩm đáng nghe.
Mối quan tâm thực sự đến tài năng của ca sĩ
Bắt đầu từ The Voice, nhất là sau cuộc tranh cãi nảy lửa giữa fan của 2 giọng ca cùng thể hiện ca khúc Nơi tình yêu bắt đầu – danh ca Bằng Kiều và chàng trai trẻ Bùi Anh Tuấn trên cộng đồng mạng – đã có thêm nhiều người đi vào mổ xẻ kỹ thuật của ca sĩ. Họ nhắc nhiều hơn đến chất giọng cao vút của Bằng Kiều hay 3 quãng 8 của Thu Minh như một niềm tự hào. Bản thân chương trình The Voice cũng ý thức được điều này khi để Bùi Anh Tuấn hát Hoang Mang nhằm khoe chất giọng trong và cao của cậu (tất nhiên phần biểu diễn này có chút quá đà do mải mê phô giọng).
Bảo Anh không được nhiều người yêu mến dù có ngoại hình xinh đẹp
Bảo Anh không được nhiều người yêu mến dù có ngoại hình xinh đẹp
Song, nổi bật nhất là số phận của Bảo Anh – một cô gái mang đầy đủ yếu tố thành công của ca sĩ thị trường – bị khán giả hắt hủi không thương tiếc khiến HLV Trần Lập, dù đã cố gắng giữ cô lại bằng vé vớt, cuối cùng vẫn phải chọn sự chia tay. Sự khước từ dành cho Bảo Anh và số lượng "gạch" mà Trần Lập nhận được trong chương trình này tỉ lệ thuận với sự tiến bộ trong thị hiếu âm nhạc của khán giả Việt hiện đại.
Sự pha trộn giữa nghệ thuật và thị hiếu
Xưa nay, những ca khúc được cho là giàu tính nghệ thuật thường chỉ được thiểu số đón nghe. Bởi vậy, xu hướng trong âm nhạc hiện nay là dung hòa nghệ thuật và giải trí, cả trong sáng tác lẫn biểu diễn. Các chương trình truyền hình thực tế thực sự là địa điểm lý tưởng để đưa xu hướng trên đến khán thính giả.
Bùi Anh Tuấn
Bùi Anh Tuấn
Mỗi chương trình Việt Nam Idol hay The Voice đều cho thấy định hướng trên, với việc lựa chọn những sáng tác trẻ trung nhưng không rẻ tiền của nhiều nhạc sĩ tên tuổi: Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Anh Quân, Đỗ Bảo... Trong đó một số ca khúc sau khi xuất hiện trên sân khấu đã trở thành hit đình đám, cùng với nhiều ca khúc cũ được trình diễn khá mới mẻ (dẫu chưa hẳn chạm đến cái hay của bản gốc), cho thấy sự thành công bước đầu của con đường nghệ thuật hóa thị hiếu số đông.
Ngoài ra, bản thân những ca khúc vốn kén người nghe cũng có cơ hội đến gần với khán giả, khi chúng được thể hiện bởi các thí sinh mà họ yêu quý. Thu cạn (Thu Thùy), Một mình (Trúc Nhân)… là các ví dụ. Sự yêu thích này có thể trở thành điều kiện để tạo nên mối quan tâm rộng hơn cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ, đối với những ca khúc nặng về tính nghệ thuật.
The Voice - một chương trình truyền hình thực tế thu hút lượng khán giả đông đảo
Hi vọng vào sự minh bạch
Nhem nhuốc do vô số các scandal, các chương trình truyền hình thực tế gần đây, không chỉ trong địa hạt âm nhạc, đã đánh mất rất nhiều lòng tin của khán giả. Câu chuyện về tính minh bạch và những kịch bản dựng sẵn sẽ còn làm nhức lòng người xem. Và biết đâu, một sân chơi tốt để phát triển nền âm nhạc non trẻ của chúng ta sẽ chẳng còn được mấy ngó ngàng?
Dẫu sao vẫn hi vọng rằng, làn sóng truyền hình thực tế sẽ tiếp tục lan rộng, song song với một thay đổi nào đó trong bản chất người làm truyền hình: hướng đến sự công bằng và minh bạch hơn tiền bạc, để khán giả có thể tiếp tục yêu quý chương trình. Dẫu sao thì, chỉ có giá trị thật sự mới làm nên sự bền vững trong kinh doanh bất kỳ sản phẩm nào, bao gồm cả các chương trình truyền hình.