Trưởng Tôn hoàng hậu đã tề gia như thế nào để Đường Thái Tông Lý Thế Dân có thể an tâm trị quốc?
Không phải bậc mẫu nghi thiên hạ nào cũng được đời sau thán phục là hoàng hậu của thiên niên kỉ và được nhớ tới như là tấm gương của sự thông minh, đức độ, khéo léo - Trưởng Tôn hoàng hậu.
Trở thành chủ quản gia đình khi vừa tròn 17
Trưởng Tôn hoàng hậu tên thật là Trưởng Tôn Thị, có xuất thân cao môn, gia thế họ Trưởng Tôn cực kì hiển hách, từ thời Bắc Ngụy đến nhà Tùy đều có người làm quan. Cha bà là tướng quân Trưởng Tôn Thịnh - Kiêu Vệ tướng quân nhà Tùy từng có nhiều chiến công hiển hách. Sinh trưởng trong gia đình vọng tộc của một danh tướng, từ nhỏ bà đã được rèn giũa trong nền giáo dục nghiêm khắc và thừa hưởng bản lĩnh của con nhà võ.
Năm 613, khi lấy Lý Thế Dân, Trưởng Tôn Thị mới 13 tuổi, còn ông vừa tròn 16. Hai người vừa là vợ chồng mà cũng vừa là tri kỉ, luôn hòa thuận yêu thương, như hình với bóng, làm việc gì cũng có nhau.
Năm 17 tuổi, bà theo Lý Thế Dân đến Thái Nguyên nhậm chức trấn thủ. Cũng cùng năm ấy, Đậu phu nhân (mẹ của Lý Thế Dân) qua đời, trong nhà lại không có ai lớn tuổi, vậy nên dù mới 17 nhưng Trưởng Tôn Thị đã trở thành người chủ quản cả gia đình, một mình sắp xếp ngăn nắp chuyện trên dưới trong gia tộc.
Hoàng hậu Đại Đường nổi tiếng nhất trong lịch sử
Trên cương vị là bậc mẫu nghi thiên hạ, Trưởng Tôn được người đời nhớ đến là vị hoàng hậu khiêm tốn, hòa nhã và tiêu dùng rất tiết kiệm. Bà đã từng thuyết phục thành công Đường Thái Tông thả 2000 cung nữ về với gia đình. Với bản lĩnh của ái nữ một tướng quân danh tiếng, mọi chuyện hậu cung đều được sắp xếp đâu ra đó, hiếm khi có lục đục nội bộ khiến Hoàng đế phải tức giận.
Những đức tính hiếm có của Trưởng Tôn lý giải tại sao Đế-Hậu tình thâm suốt hàng chục năm trời
Bên nhau từ khi cả hai mới chỉ là những thanh thiếu niên nhỏ tuổi, ấy vậy mà cuộc sống của cặp Đế-Hậu này lại luôn luôn gắn bó khăng khít, vô cùng trân trọng và yêu thương nhau. Sau khi lên ngôi, vì bận triều chính mà Đường Thái Tông hay trở bệnh, cũng chính bà là người ngày đêm hầu hạ thuốc thang không rời. Thậm chí, cung nữ còn chứng kiến bà luôn mang theo thuốc độc bên người, nếu Hoàng đế có mệnh hệ gì thì bà cũng sẽ đi theo ông.
1. Luôn thấu hiểu tính cách của đức lang quân
Đường Thái Tông là người vô cùng nóng tính, nhiều khi ông hay nổi giận vô cớ với cung nữ hoặc quần thần mà không có lý do. Những lúc như vậy, bà cũng sẽ giả vờ tức giận rồi bí mật thẩm vấn, sau đó giấu họ ở nơi bí mật rồi chăm sóc cẩn thận, đợi khi nào Đế vương nguôi giận sẽ xin tội giùm họ.
Nếu một cung tần nào của Thái Tông đau ốm, hoàng hậu cũng sẽ đích thân trích tiền tiêu dùng của mình để hỏi thăm và chữa trị cho họ
Bà đối với nhược điểm của chồng hết sức hiểu thấu, bởi vậy luôn tìm cách giúp ông khắc phục nó. Tương truyền rằng có lần con tuấn mã yêu thích của Thái Tông không may mà chết, Hoàng đế định thẳng tay trừng phạt người dưỡng mã thì Hoàng hậu Trưởng Tôn bèn can ngăn, khuyên nhủ rằng trăm điều không nên khi xử phạt người vô tội. Cuối cùng, Hoàng đế vì sự can gián của Hoàng hậu mà không làm lớn chuyện, còn nói với quần thần thân thân cận rằng: " Hoàng hậu có thể ở mọi phương diện chính sự mà ảnh hưởng đến Trẫm. Đối với Trẫm muôn vàn ích lợi!"
2. Nghiêm khắc giáo dục con cái
Đối với hoàng tử mà mình sinh ra, bà thường chú trọng cho con theo học hiền tài, ôn luyện chữ nghĩa, ngoài ra còn nghiêm khắc yêu cầu con phải tu tâm dưỡng tính. Khi con trai bà là Lý Thừa Càn lên ngôi Thái tử, dọn đến Đông Cung để rèn luyện, người nhũ mẫu đi theo thấy Đông Cung thiếu thốn nhiều thứ bèn về tâu với Hoàng hậu, nhưng bà không vì yêu quý con trai mà cổ xúy lối sống xa hoa, một mực bỏ qua lời tấu của nhũ mẫu.
3. Luôn đồng lòng sát cánh bên chồng
Về phương diện ngoại thích, suốt 10 năm vị, Hoàng hậu Trưởng Tôn thị luôn khiêm nhường và tránh cho các thành viên gia tộc Trưởng Tôn mang quá nhiều đặc ân cùng quyền thế, đến tận khi bà qua đời.
Trong khi đó, anh trai bà - Trưởng Tôn Vô Kỵ là một trọng thần, đã giúp đỡ Đường Thái Tông rất nhiều trong sự biến Huyền Vũ môn khi xưa. Nay Thái Tông vì nể công lao của anh vợ, cũng như tình cảm phu thê với Hoàng hậu Trưởng Tôn thị mà chủ ý phong Trưởng Tôn Vô Kỵ làm Tể tướng. Biết được chuyện này, Hoàng hậu Trưởng Tôn thị vội vàng từ chối: "Thần thiếp đã có thể ở lại trong cung và hưởng vinh hoa phú quý, đã là phúc phận to lớn. Thiếp không muốn trèo cao, để gia tộc anh em nắm đại quyền, hoàn toàn không phải điều nên làm."
Đối với một Hoàng đế nóng nảy cùng mạnh bạo như Đường Thái Tông Lý Thế Dân, Trưởng Tôn hoàng hậu luôn phải đứng ra can gián cùng thương thuyết, nhờ đó mà ông mới có những hành động sáng suốt. Nhiều lần bà đứng ra khen ngợi trung lương, bởi bà giỏi nhìn rõ lòng người, muốn người hiển tài dốc lòng giúp đỡ Hoàng thượng.
Đáng tiếc rằng mới chỉ ngoài 30 tuổi, Trưởng Tôn mắc chứng hen suyễn và đột ngột qua đời. Sau khi bà qua đời, Hoàng đế đối với người cùng mình se duyên kết tóc vô cùng đau buồn, ông xúc động mà nói: "Dẫu biết ý trời như thế nào và có khóc thương cũng vô dụng, nhưng giờ đây, Hoàng hậu không còn bên Trẫm, Trẫm cảm thấy mọi thứ thành hư vô. Không còn được nghe những lời can gián của nàng ấy, và không thể quên đi hình bóng của nàng!"
Dù sau nhiều năm, thì Đường Thái Tông đối với Trưởng Tôn hoàng hậu vẫn là vĩnh viễn không quên, vĩnh viễn quý trọng người phụ nữ có ảnh hưởng nhất đến cuộc đời ông.