Trưởng phòng GD&ĐT huyện: Học sinh chui túi nilon vượt suối tới trường là tương đối an toàn

HOÀNG ĐAN,
Chia sẻ

Theo ông Nghĩa, do cầu tạm, bè bị lũ cuốn trôi nên việc cho học sinh vào túi nilon, đưa qua suối là đơn giản, tương đối an toàn và người dân tự học nhau.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện: Học sinh chui túi nilon vượt suối tới trường là tương đối an toàn - Ảnh 1.

Ảnh: VOV

Nhiều học sinh ở bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) đã phải chui túi nilon nhờ người lớn đưa qua suối lũ, băng rừng hơn 5 giờ đồng hồ để tới trường.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, ngay trong sáng nay, khi đọc được thông tin trên báo chí, ông đã yêu cầu các cơ quan chức năng và huyện Mường Chà kiểm tra, báo cáo lại việc này.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho hay, lãnh đạo Sở đã nắm được thông tin trên và đang cho tiến hành kiểm tra lại.

Theo ông Kiên, bản Huổi Hạ là địa bàn vùng sâu, vùng xa, còn gặp rất nhiều khó khăn của xã Na Sang, huyện Mường Chà. Đồng thời, trước đây, trên địa bàn tỉnh cũng có một vài hiện tượng cho học sinh chui túi nilon để vượt suối lũ xảy ra nhưng rất ít.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện: Học sinh chui túi nilon vượt suối tới trường là tương đối an toàn - Ảnh 2.

Ảnh: VOV

Còn ông Đinh Khắc Nghĩa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà xác nhận, việc học sinh bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) phải chui túi nilon nhờ người lớn đưa qua suối lũ để đến trường là có thật.

Theo ông Nghĩa, tại điểm Huổi Hạ có lớp mầm non và lớp tiểu học 1, 2, 3 học tại bản nên các em học sinh học tại chỗ, không gặp khó khăn gì.

Còn các học sinh lớp 4, 5 và cấp Trung học cơ sở học bán trú phải xuống trung tâm xã Na Sang cách 25 km để học.

Để đến trường, với quãng đường 25km, các em phải mất rất nhiều thời gian, vượt qua một con suối.

Ông Nghĩa thông tin, vào mùa khô, người dân bắc cầu tạm để học sinh, mọi người có thể qua con suối này, tuy nhiên, năm nay, do nước lũ lớn đã làm trôi mất cầu tạm. Sau đó, người dân phải sử dụng bè bằng tre và buộc dây thừng hai bên để kéo qua suối.

"Tuy nhiên, hôm đó, nước lũ lớn đã làm trôi cả cầu lẫn bè tre và không có cách nào để qua suối nên có việc một số em học sinh phải chui vào túi nilon và nhờ người lớn bơi, đưa qua suối lũ", ông Nghĩa nói.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cho rằng, vào thời điểm đó, không có bất cứ cách nào khác nên việc cho các cháu vào túi nilon, đưa qua suối là đơn giản và người dân tự học nhau.

"Tôi biết nói ra nhiều người có thể cười nhưng chẳng có cách nào đưa các cháu qua suối lúc mưa lũ lớn như thế được còn chui vào túi nilon đưa qua là đơn giản nhất, tương đối an toàn.

Việc đưa qua bằng túi nilon là tình huống bắt buộc, đặc thù, chỉ xảy ra vào mấy ngày mưa lũ lớn, cầu, bè trôi mất chứ không phải đi suốt ngày, bởi khi nước lũ rút xuống, người dân sẽ lại đóng bè đưa các cháu qua.

Ngoài ra, học sinh học nội trú cả tuần mới về một lần và những ngày mưa gió, nhà trường cũng không cho về, trừ khi bố mẹ đến đón", ông Nghĩa chia sẻ.

Vị Trưởng phòng GD - ĐT huyện mong muốn, mọi người khi nhìn các hình ảnh học sinh chui túi nilon vượt suối đến trường sẽ thông cảm và hiểu cho hoàn cảnh đặc thù, khó khăn của vùng miền núi trong mùa mưa lũ.

Chia sẻ