Tiếng gọi cuối cùng trước khi qua đời của cụ ông 84 tuổi khiến ai nấy đều rơi nước mắt và câu chuyện tình xuyên suốt 60 năm được kết lại bằng "di vật vô giá"
"Sau năm 1954, thầy được thả về, thầy u sinh tù tì 8 đứa con. Cuộc sống gia đình hồi đó vô cùng khó khăn vì nhà nghèo và đông con nên thầy u chịu thương chịu khó lắm", nhà báo Ngô Bá Lục kể.
Có những câu chuyện tình yêu của bố mẹ khiến cho con cái chứng kiến hoặc được nghe kể lại cũng cảm thấy ngưỡng mộ. Những người đi trước đến với nhau bằng tình cảm chân chất, bình dị. Họ sống với nhau suốt hàng chục năm yên bình bên nhau nhờ sự bình dị nhưng vô cùng quý giá đó.
Mới đây, nhà báo Ngô Bá Lục đăng tải bài thơ được viết lên tờ lịch cũ của bố và nhận về nhiều sự chú ý. Nó là dòng cảm xúc của một ông cụ 80 tuổi trước nỗi lo vợ sẽ mất trước mình. Đọc xong ai cũng thấy xúc động.
"80 tuổi sợ vợ chết
Mất gì thì mất bà ơi
Xin trời để lại còn tôi còn bà
Nếu mà có phải đi xa
Để tôi đi trước còn bà đi sau
Mong bà đừng ốm, đừng đau
Để tôi có bát cơm rau sớm chiều
Càng già càng quý, càng yêu
Bâng khuâng lại nhớ ít nhiều ngày xưa
Mất gì thì mất bà ơi
Xin trời để lại còn tôi còn bà
Tôi bà nay tuổi đã già
Mà tôi vẫn sợ còn tôi mất bà.
Thơ ông bà già 80 tuổi".
Hai nhân vật chính của bài thơ đó là bố mẹ của anh Bá Lục. Bố anh là cụ Ngô Bá Bàn, mẹ là Nguyễn Thị Huề. Năm nay, cụ Huề 90 còn cụ Bàn đã qua đời cách đây 7 năm khi vừa tròn 84 tuổi.
Nhà báo Ngô Bá Lục là một cây viết nổi tiếng chuyên về mảng văn hóa - nghệ thuật. Dưới đây là câu chuyện về bố mẹ được ghi theo lời kể của anh.
Sự ra đời của bài thơ "80 tuổi sợ vợ chết"
Sau khi mừng thọ 80, thầy tôi xé tờ lịch và viết ra đằng sau bài thơ "80 tuổi sợ vợ chết". Xong xuôi, thầy mang xuống nhà một ông giáo nổi tiếng ở làng và dặn: "Ông cất hộ tôi, khi nào tôi chết thì ông đưa cho thằng Lục nhé". Sở dĩ, 8 người con mà thầy lại dặn ông giáo đưa cho thằng Lục là bởi trong đám con cái của ông, thằng Lục là đứa có tí văn nghệ, văn thơ nhất nhà.
Hôm ông mất, sau khi lo hậu sự xong, cả nhà ngồi quây quần thì u đã lôi 2 cây vàng ra chia cho con cháu làm cả nhà xúc động.
Vì không ai tưởng tượng ra thầy u tích cóp được 2 cây vàng mà giấu con cái. Ông bà thống nhất là khi một trong 2 người mà chết, thì sau đám tang người còn lại sẽ chia vàng hồi môn cho con cái.
Chưa qua cơn xúc động thì ông giáo cho người lên gọi "Anh Lục xuống ông giáo Lê có việc, hình như ông nhà mình gửi cái gì ở nhà ông giáo Lê ấy".
Tôi tức tốc phi xuống xóm dưới, vào ông giáo Lê. Ông đưa cho một tờ giấy gói trong nilon. Lúc cầm về mở ra chỉ là một tờ lịch, lật mặt sau lên thì là một bài thơ. Tôi đã đọc trong nghẹn ngào, cả nhà vừa nghe vừa khóc.
Đến bây giờ, bài thơ viết trên tờ lịch cũ ấy là một di vật vô giá của gia đình tôi.
Cả nhà khóc vì xúc động, cảm thấy bất ngờ vì chưa bao giờ thấy thầy thơ phú văn nghệ, cả đời chỉ cắm mặt vào ruộng vườn cây trái để kiếm sống nuôi đàn con. Thế nên cả nhà không thể tin được thầy có thể làm thơ hay thế.
Và thêm một điều chắc chắn rằng, trong các đứa con của thầy u, chắc chắn không có đứa nào yêu được như thầy yêu u.
Tình yêu ấy được kết trái bằng 8 đứa con và minh chứng là tận 80 tuổi thầy vẫn yêu u và luôn sợ mất u.
Chả thế mà thầy cầu mong ông trời để cho cả hai ông bà còn sống, còn nếu như một trong hai người phải đi trước, thì thầy mong mình sẽ đi trước, vì thầy thật sự cảm thấy vô nghĩa nếu như u đi trước chỉ còn mình thầy. Tình yêu ấy thực sự các con vô cùng trân trọng.
Mối nhân duyên khi cặp đôi vừa tròn đôi mươi
Tôi chẳng biết gần 70 năm trước thầy và u quen nhau như thế nào. Tôi được nghe kể lại rằng hồi xưa, u thuộc dạng xinh gái nhất làng. U nhà xóm Tháp, thầy người xóm Ngò. Họ thích và lấy nhau năm 20 tuổi.
Đến năm 21 tuổi, cả hai chưa có con thì thầy bị giặc Pháp bắt đi tù ở Lào. U ở nhà với bố mẹ chồng, nuôi con của anh chồng vì bác tôi bị Tây bắn chết, bác dâu đi bước nữa. Những ngày ấy, u làm mọi việc của đàn ông từ cày cuốc đến lo việc nhà.
Đến sau này, khi hoài niệm lại, u vẫn kể về những ngày tháng đấy. U bảo rằng con trâu nhà mình rất dữ, các bác hàng xóm chịu thua nhưng u đã trị được và khiến nó cung cúc đi làm đồng với mình.
Sau năm 1954, thầy được thả về, thầy u sinh tù tì 8 đứa con. Cuộc sống gia đình hồi đó vô cùng khó khăn vì nhà nghèo và đông con nên thầy u chịu thương chịu khó lắm.
Thầy khai hoang, vỡ rậm, u đi mót sắn, mót khoai ở quanh vùng. Cho dù vất vả như thế, hai ông bà chưa bao giờ cãi vã hay chửi nhau. Nếu có xích mích, thầy luôn im lặng, có giận hờn thì vài hôm rồi thôi. U tôi tính thẳng thắn, có gì là nói luôn nhưng sau đó sẽ quên, chẳng giận ai hay để bụng bao giờ.
Đến những năm 1990, u tôi vẫn đi "đồng nát" tận Quảng Ninh. Thầy cặm cụi với mấy sào ruộng ở quê. Con cái "thoát ly" hết nên ông bà ở với nhau.
Trong ký ức của tôi, thầy u sống mộc mạc và đơn giản lắm. Hai cụ yêu nhau cũng vậy, chẳng có gì lãng mạn. Thầy u tôi chân thành và thương nhau thật sự. Khi con cái lớn đi lập nghiệp, hai ông bà sống với nhau, chăm sóc nhau.
Có lần, u tôi trèo thang lên hái mướp bị trượt chân ngã, thầy bế vào nhà, chăm sóc từng tý, nấu nướng hầu hạ, xoa bóp cho u. Thầy tôi là người chăm làm nên việc gì cũng biết làm hết.
Tôi luôn ngưỡng mộ thầy u mình về mọi thứ. Đầu tiên là sống chân tình, thật thà và tình cảm. Tiếp nữa là họ đều chăm chỉ lao động và luôn nhường nhịn, không tranh giành với ai. Thứ 3 là hết lòng yêu thương con cái.
Thầy tôi hầu như không đánh con cái bao giờ dù có tới 7 thằng con trai. U thì hay gào thét mắng chửi lũ con mỗi khi chúng nghịch ngợm đánh nhau. Nhưng mà hai ông bà thì luôn gương mẫu để con cái học tập. Tôi nhớ mãi câu nói của ông "Trên đời này, chỉ có chăm chỉ lao động thì mới có cơm mà ăn con ạ".
Thầy tôi tình cảm lắm, không chỉ với vợ mà với các con cũng vậy. Tôi nhớ hồi mới cưới vợ, còn chưa có con nhưng tôi lại chuyển từ gọi "thầy" sang gọi "ông".
Thế là có lần thầy gọi tôi ra và bảo: "Thầy bảo Lục này, khi nào con có con thì lúc đó hãy gọi thầy bằng ông, còn bây giờ đừng gọi bằng ông nghe nó xa cách lắm". Thầy nói mà tôi sững người, vừa thương vừa xúc động.
Thầy khỏe lắm, suốt hơn 80 năm ông chẳng bị bệnh gì, chưa bao giờ nằm viện. Vậy mà hôm đó, thầy bắt mấy cặp chim câu trong chuồng cho vào lồng, đạp xe mang đi chợ bán, ra đến cổng còn loạng choạng đâm vào u đang đi về. U ngã ra đường, ông chạy lại đỡ.
Thầy đi chợ, bán xong lồng chim sau 2 tiếng rồi về nhà dọn dẹp chuồng chim. Tự nhiên thầy choáng váng, bỏ dở và chạy vào nhà gọi "bà ơi" rồi ngất lịm.
U hơi lãng tai nhưng khi ông gọi thất thanh thì nghe được rồi chạy ra hô hoán. Anh cả tôi nhà ngay gần đó, đưa thầy đi viện. Thầy nằm viện 1 tuần không tỉnh và ngày càng nặng. U quyết định đưa thầy về, sau đó 1 ngày thì thầy mất. Câu cuối cùng của thầy trước khi từ giã cuộc đời chính là hai tiếng: "Bà ơi".
Sau khi công việc xong xuôi, tôi được gọi đi nhận về tờ lịch của bài thơ của thầy. Thật sự lúc đó mở ra, chỉ dòng chữ đầu tiên tôi đã khóc luôn vì quá bất ngờ và xúc động.
Cả nhà đều nghẹn ngào khi đọc bức thư đó, nó chứa đựng tình cảm nồng nàn và thiết tha của thầy dành cho u. Vẫn biết thầy u rất yêu nhau nhưng không ngờ tình cảm nó sâu sắc đến thế. Họ chung thủy với nhau, thương và trân trọng nhau đến thế.
Thầy mất đi để lại một khoảng trống lớn rất khó lấp đầy trong lòng u và trong cả gia đình nữa. Đến bây giờ, u vẫn hay kể chuyện về thầy, nhớ về chuyện ngày xưa. U nhớ lại chuyện hồi mới lấy nhau, bà mua được cái nồi đất. Ở quê hay để ở đầu nhà để đựng nước tiểu tưới ruộng. Chả hiểu ông gánh nước giải đi tưới xong về va đập vào đâu mà vỡ tan. Thế là bà tiếc của, "lên cơn" mắng nhiếc ông. Xong rồi thì cũng thôi.
Mấy chục năm sau, trong một lần hai ông bà giận nhau, ông nhắc lại chuyện đó mà bà ớ người nghĩ mãi không ra chuyện gì.
Đến khi ông kể cụ thể thì bà mới nhớ ra và cười khanh khách bảo: "Gớm có cái chuyện vỡ nồi nước giải mà ông cũng giận tôi tận 50 năm". Bà bảo ông thù dai nhớ lâu là vậy!
Cưới nhau năm 20, bên nhau cho đến khi thầy 84 tuổi, suốt hơn 60 năm bên nhau, thầy u đã khiến con cái ngưỡng mộ vì cuộc hôn nhân của mình. Họ mộc mạc, chân chất nhưng bền chặt biết bao.
Tôi cũng học được ở thầy u sự nhường nhịn trong hôn nhân. Thầy luôn nhường nhịn u nên cuộc sống mới hạnh phúc, bền lâu được đến thế.